Tiêu điểm

Tái cơ cấu mô hình tăng trưởng cho cây lúa

Thứ Hai, 10/02/2025 | 16:27

Việc giá lúa giảm sâu trong tháng đầu năm 2025 được đánh giá là giảm nhiều nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và thật sự trở thành vấn đề đáng được quan tâm khi Bạc Liêu có tổng diện tích canh tác hơn 106.800ha và cho tổng sản lượng năm 2024 trên 1,2 triệu tấn.

Nông dân huyện Vĩnh Lợi cấy lúa ST24.

NÔNG DÂN... “TỰ BƠI”?!

Tính đến hết tháng 1/2025, diện tích gieo trồng lúa của tỉnh là hơn 84.250ha và diện tích thu hoạch 35.330ha, năng suất bình quân 6,31 tấn/ha, cho sản lượng 223.000 tấn. Trong đó, lúa vụ mùa (lúa trên đất tôm - lúa) xuống giống 47.163ha, thu hoạch 35.330ha và lúa đông xuân 2024 - 2025 xuống giống 37.088ha.

Điều đáng quan tâm là giá lúa trong tháng 1/2025 giảm khá sâu. Trên địa bàn huyện Hồng Dân, trước khi thu hoạch lúa ST24, ST25, nhiều thương lái đã đặt cọc với giá từ 12.000 - 13.000 đồng/kg, nhưng đến khi thu hoạch họ chỉ đồng ý thu mua với mức giá khoảng 8.000 - 8.500/kg, nếu nông dân không đồng ý thì thương lái sẵn sàng bỏ cọc và không thu mua lúa theo thỏa thuận ban đầu. Đó là giá lúa được cắt và bán ngay tại ruộng, nếu nông dân không đồng ý thì sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là trong giai đoạn lúa đã chín rộ và cần thu hoạch dứt điểm. Riêng những diện tích sản xuất bị ảnh hưởng thời tiết trước đó khiến cho lúa bị lem lép, có màu hơi đen thì thương lái không thu mua. Đó là chưa nói đến những “mẹo vặt” của một số “cò lúa” cố tình mua ép giá, nhất là những cánh đồng nằm sâu trong các kênh nội đồng khó vận chuyển bằng phương tiện vận tải lớn và gần như phụ thuộc hoàn toàn đầu ra vào các “cò lúa” thì coi như phải bán lúa theo giá các “cò lúa” đưa ra.

Ông Võ Chí Ngoan - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho biết: “Trong tháng 1/2025 nông dân trong huyện đã thu hoạch dứt điểm lúa trên đất tôm với hơn 15.530ha và khoảng 15 ngày nữa sẽ thu hoạch vụ đông xuân sớm với khoảng 6.800ha. Song, điều nông dân trông chờ và hy vọng hiện nay chính là giá lúa sẽ tăng trở lại để bù vào vụ lúa vừa qua”.

Một tín hiệu đáng mừng là giá lúa bước sang tháng 2/2025 đã bắt đầu “nhích lên” khoảng 1.000 đồng/kg so với tháng 1 và nông dân đang đặt nhiều kỳ vọng vào vụ đông xuân.

Cùng với con tôm, cây lúa được xác định là thế mạnh của tỉnh và nguồn thu nhập chính của nông dân. Tuy nhiên, bài toán đảm bảo cho nông dân sản xuất có lãi vẫn còn là câu chuyện trăn trở và cần một “cú hích” cho cây lúa. Bởi đến nay vẫn chưa có một giải pháp bền vững nào về đầu ra của hạt lúa và nông dân vẫn phải “tự bơi” cho sản phẩm do mình làm ra. Đáng nói hơn, đến nay chưa có một quy hoạch riêng cho vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, nhằm tạo ra sức bật, năng lực cạnh tranh cho hạt lúa, thậm chí cả câu chuyện thương hiệu lúa gạo Bạc Liêu sẽ chọn giống nào làm giống chủ lực cũng chưa được xác định và kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh đến nay vẫn bằng 0!

Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch lúa trên đất tôm. Ảnh: T.A

ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại những bất cập trên, nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là thiếu những định hướng chiến lược để nâng tầm cây lúa và thiếu cả một mô hình tăng trưởng bền vững nhằm nâng cao giá trị lúa gạo Bạc Liêu. Cho nên, dù Bạc Liêu có những giống lúa đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa nhưng nông dân lại “quay lưng” không trồng mà chỉ tập trung sản xuất giống ST và các giống lúa cho năng suất cao. Đây cũng là nguyên nhân để giải thích vì sao người trồng lúa chỉ sống được khi có diện tích sản xuất lớn, còn hộ nào ít đất thì chủ yếu đem cho thuê và phải ly hương cầu thực khi giá trị hạt lúa cứ bấp bênh không đủ nuôi sống gia đình. Do vậy, điều cần làm hiện nay chính là tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng cho cây lúa cả chiều rộng lẫn chiều sâu theo hướng tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa lớn gắn với quy hoạch, tăng cường đầu tư hạ tầng thủy lợi, điện, giao thông và hơn cả chính là xây dựng thành công các mô hình liên kết hợp tác sản xuất với hợp tác xã làm hạt nhân.

Quan tâm đến vấn đề này, vì sản xuất lúa hiện nay đã bắt đầu đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức không kém gì con tôm, nhất là những ảnh hưởng cực đoan, khó lường từ thời tiết và biến đổi khí hậu. Cụ thể vụ lúa hè thu 2024 vừa qua, do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài, cộng thêm gió lớn làm cho hơn 10.000ha lúa của nông dân ở các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân thu hoạch không được kịp thời và lúa bị đổ ngã giảm năng suất khiến nông dân thua lỗ nặng. Một vấn đề khác cũng rất đáng bàn - đó là liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa lâu nay còn quá lỏng lẻo, thậm chí hình thức và mục đích chính của liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp thực chất chỉ là thông qua liên kết để bán vật tư nông nghiệp cho nông dân. Qua thống kê của ngành Nông nghiệp cho thấy, lĩnh vực lúa, gạo thu hút doanh nghiệp vào liên kết và bao tiêu sản phẩm cho nông dân chỉ chiếm khoảng 30% diện tích liên kết bao tiêu - đây là con số rất khiêm tốn so với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, cần những giải pháp mang tính bền vững hơn, nhất là những cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp và phát huy cho được vai trò, trách nhiệm, chữ tín của nông dân trong liên kết sản xuất. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, sở dĩ họ chưa mạnh dạn đầu tư và liên kết theo mô hình chuỗi sản xuất khép kín vì nông dân hay “bẻ kèo”, phá vỡ các hợp đồng đã cam kết trước đó khi giá lúa tăng cao.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đề nghị Sở NN&PTNT cần có ngay các giải pháp, hướng hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ, đẩy nhanh thu hoạch và nhất là để nông dân có lãi từ việc sản xuất lúa. Đồng thời, xây dựng phương án hướng nông dân vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để đảm bảo liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Song, về tầm nhìn vẫn là tập trung tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng gắn với thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Cũng như, mạnh dạn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém để giải bài toán giá trị của cây lúa khi kim ngạch xuất khẩu lúa từ thời điểm tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay đều dừng ở con số 0!

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.