Tiêu điểm
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi
Thực tiễn đã chứng minh, công tác phòng, chống dịch bệnh và xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh cho con tôm đóng vai trò rất quan trọng. Bởi làm tốt công tác này không chỉ đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi tôm, mà còn là vấn đề quyết định đến phát triển bền vững.
TÔM NUÔI BỊ THIỆT HẠI DO MÔI TRƯỜNG
Trong những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết diễn biến khá phức tạp, nắng nóng trong mùa khô kéo dài và nhiệt độ có thời điểm >40°C. Cùng với đó, còn xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa làm cho môi trường nước thay đổi nhanh, dẫn đến tôm nuôi bị sốc và dịch bệnh dễ phát sinh.
Tuy nhiên, với việc chủ động ban hành nhiều giải pháp của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT trong lãnh đạo, chỉ đạo nên công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi cơ bản được kiểm soát, giảm thiệt hại do dịch bệnh cả 2 mặt về diện tích và mức độ thiệt hại. Cụ thể, năm 2023 diện tích thiệt hại trên tôm nuôi là 3.682ha, mức độ thiệt hại >70%, giảm 19% so với năm 2021 và giảm 12% so với năm 2022. Riêng tháng 12/2024, diện tích tôm nuôi của tỉnh chỉ thiệt hại 17ha, chủ yếu trên mô hình nuôi tôm công nghiệp.
Nguyên nhân thiệt hại hàng năm được xác định là do một số bệnh thường gặp trên tôm như: Phân trắng chiếm 7,8 - 17%; hoại tử gan tụy cấp chiếm 12 - 17,8%; đỏ thân chiếm 6,5 - 15%; đốm trắng chiếm 7,8 - 14,9% và diện tích thiệt hại do ảnh hưởng của môi trường, thời tiết chiếm tỷ lệ từ 36 - 63,3%. Qua đó cho thấy diện tích thiệt hại do môi trường, thời tiết chiếm tỷ lệ rất cao. Nguyên nhân môi trường ngày càng ô nhiễm, khó kiểm soát, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, tạo điều kiện cho mầm bệnh dễ phát sinh. Một số loại mầm bệnh nguy hiểm như: bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, vi bào tử trùng…
Sử dụng chế phẩm vi sinh điều trị bệnh cho mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Ảnh: T.A
Để giúp người nuôi tôm hạn chế thiệt hại, sản xuất có lãi và thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh với phương châm “phòng bệnh từ xa, từ sớm”, hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đều tham mưu cho Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật, thủy sản, gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức lấy mẫu giám sát bệnh trên 7 huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh. Trong đó, mô hình giám sát tập trung ở nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến kết hợp. Cũng như, chỉ tiêu xét nghiệm 7 bệnh trên tôm như: bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh Taura, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh hoại tử cơ, bệnh vi bào tử trùng. Kết quả, tỷ lệ tôm nhiễm đốm trắng chiếm từ 4,2 - 30,5%, bệnh hoại tử gan tụy cấp từ 0,6 - 8,5%, bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu từ 2,8 - 20,5%, bệnh vi bào tử trùng từ 19,7 - 48,5% và đáng ghi nhận là không phát hiện bệnh đầu vàng, bệnh Taura, bệnh hoại tử cơ.
Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y còn thực hiện giám sát dịch bệnh chủ động tại vùng đệm của Công ty Việt Úc phục vụ chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và theo yêu cầu của nước nhập khẩu để xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm của Việt Nam đi các nước trên thế giới. Đồng thời, nhằm ngăn chặn kịp thời mầm bệnh nguy hiểm trên tôm lây lan trên diện rộng, tỉnh cũng hỗ trợ hóa chất chlorine từ nguồn dự trữ quốc gia và phân phối về các huyện, thị xã, thành phố có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh để xử lý mầm bệnh nguy hiểm khi có dịch bệnh xảy ra.
NHIỀU GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) tuy được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, song, nghề nuôi tôm thường xuyên đối mặt với thời tiết diễn biến cực đoan, khó dự đoán, nguy cơ dễ làm bùng phát dịch bệnh, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường sản xuất rất dễ phát sinh dịch bệnh.
Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ NTTS còn nhiều khó khăn, do nguồn cấp, thải chung, kênh rạch nhanh bồi lắng dẫn đến hạn chế lưu thông, mầm bệnh nguy hiểm vẫn tồn tại lưu hành. Thêm vào đó, mạng lưới thú y cấp xã không thuộc quyền quản lý của Chi cục Chăn nuôi và Thú y nên việc phối hợp giữa các đơn vị có liên quan để nắm bắt tình hình dịch bệnh còn chưa thật sự chặt chẽ, chưa kịp thời. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh đối với thủy sản trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi chưa sâu sát, chưa mang lại hiệu quả cao.
Đáng quan tâm là một bộ phận người nuôi thủy sản chưa có nhận thức cao trong việc bảo vệ môi trường chung, còn tự ý xả thải ra môi trường bên ngoài, thả nuôi không theo lịch thời vụ khuyến cáo của ngành chuyên môn, con giống không rõ nguồn gốc còn diễn ra, tình trạng ô nhiễm nguồn nước NTTS thường ở mức cao, dịch bệnh trên tôm vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ đó, công tác phòng, chống dịch bệnh đối với thủy sản luôn gặp khó khăn…
Nhằm giải quyết các khó khăn và bất cập trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tiếp tục tham mưu có hiệu quả “Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”.
Tập trung hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và có biện pháp ứng phó khi thời tiết diễn biến phức tạp, đảm bảo việc phát triển sản xuất thủy sản an toàn, bền vững. Đồng thời, tăng cường áp dụng các biện pháp nuôi tôm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; Trạm Thú y huyện phối hợp với UBND cấp xã hoặc cơ quan chuyên ngành có hướng xử lý kịp thời không để dịch bệnh lan rộng, gây thiệt hại cho người dân.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về thú y thủy sản, sử dụng thuốc thú y thủy sản có nguồn gốc rõ ràng, có trong danh mục được phép lưu hành.
Phối hợp tốt với Thanh tra Sở NN&PTNT, các đơn vị có liên quan về công tác quản lý, kiểm tra chất lượng giống nhập tỉnh và phối hợp tốt với các tỉnh miền Trung về thông tin giống xuất nhập tỉnh, cơ sở giống vi phạm.
Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi tôm thương phẩm xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; thẩm định và cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật theo quy định tại Thông tư 24 của Bộ NN&PTNT quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chất lượng tôm giống tại các chợ tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Tăng cường giám sát, chủ động nhằm phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra dịch bệnh; quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi thủy sản tập trung, kịp thời đưa ra khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi…
Tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Việt Úc giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi tại 2 vùng đệm để làm hồ sơ xuất khẩu sang thị trường nước Úc.
Nhằm giải quyết các khó khăn và bất cập trong NTTS, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ NN&PTNT: Tiếp tục quan tâm hỗ trợ hóa chất sát trùng từ nguồn dự trữ quốc gia xử lý mầm bệnh trên tôm nuôi trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn để hướng dẫn về kiểm dịch cua giống nhằm nâng cao chất lượng con giống. Xem xét, sớm ban hành Nghị quyết “Quy định tiêu chuẩn, số lượng và chế độ chính sách đối với thú y cơ sở (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh.
TÚ ANH
- Đài Truyền hình Việt Nam: Ghi hình chương trình Tết “12 con giáp” tại Bạc Liêu
- Công an Phường 2: Trả lại kiện hàng trị giá gần 37 triệu đồng cho người đánh rơi
- Hyundai Thành Công Bạc Liêu: Tận tâm phục vụ quý khách
- Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 10
- 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân: Những kết quả đáng ghi nhận