Tiêu điểm
Tăng cường đầu tư và đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển hạ tầng giao thông
Một trong những đột phá quan trọng được Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XVI xác định chính là tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần thúc đẩy liên kết vùng, thu hẹp dần khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
KHÔNG NGỪNG ĐƯỢC ĐẦU TƯ
Phải khẳng định rằng, một trong những thành tựu quan trọng của Bạc Liêu qua 25 năm xây dựng và phát triển chính là tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Trong điều kiện xuất phát điểm thấp, nguồn vốn đầu tư có hạn nhưng BCH Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ đã huy động, tranh thủ và khai thác nhiều nguồn lực đầu tư cho xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông từ thành thị đến nông thôn.
Nhìn lại giai đoạn mới tái lập tỉnh vào năm 1997, khi đó hệ thống giao thông vận tải rất nghèo nàn, tổng chiều dài đường do địa phương quản lý gồm đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị chỉ vỏn vẹn có 161km đường kiên cố các loại. Trong đó, có 44km đường láng nhựa, 68km đường đá dăm và đất đỏ, 24km đường đá cấp phối, 25km đường bê-tông xi măng, đặc biệt cả tỉnh chưa có mặt đường bê-tông nhựa (kể cả đường đô thị). Các tuyến đường tỉnh có mặt đường rộng chỉ 3,5m và các cầu giao thông đều có tải trọng khai thác thấp dưới 8 tấn, không đáp ứng kịp nhu cầu vận chuyển bằng đường bộ và phát triển kinh tế của địa phương.
Song, với nỗ lực và quyết tâm vượt qua khó khăn, hệ thống đường giao thông của tỉnh đến nay đã có những bước tiến vượt bậc. Đó là ngoài hơn 127km đường quốc lộ do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý đi qua địa bàn tỉnh, các tuyến đường trên toàn tỉnh có chiều dài tổng cộng trên 3.946km, bao gồm đường tỉnh 343,97km, đường huyện 912,83km, đường đô thị 377,65km, đường xã và đường giao thông nông thôn 2.311,8km. Trong đó, giao thông đô thị của TP. Bạc Liêu, TX. Giá Rai luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp tạo bộ mặt mới cho khu vực đô thị. Các tuyến giao thông liên huyện, liên xã và trục thôn - ấp được quan tâm đầu tư, nhất là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo nên những phong trào thi đua và đột phá trong xây dựng, phát triển giao thông nông thôn.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn yếu và thiếu. Phần lớn các tuyến đường được đầu tư xây dựng chưa đảm bảo cấp đường quy hoạch, chất lượng khai thác của các tuyến còn thấp, nhiều tuyến có mặt đường hẹp, hành lang bảo vệ đường bị lấn chiếm và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đặc biệt là khả năng kết nối và liên kết vùng còn rất hạn chế.
Cầu giao thông của tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp đi qua địa bàn huyện Phước Long. Ảnh: K.T
NHIỀU CƠ HỘI CHO LIÊN KẾT VÙNG
Phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu tập trung khai thác, phát huy và tăng cường đầu tư các trục ngang, trục dọc gắn kết với các tuyến giao thông trọng điểm của quốc gia thì khả năng Bạc Liêu vẫn có thể hóa giải các thách thức và khó khăn về giao thông, chủ động phá thế “ốc đảo” trong liên kết vùng.
Theo Quyết định 1454 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến đường bộ quốc gia đi qua địa bàn tỉnh được quy hoạch như: tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài 7,7km, đi trên địa bàn xã Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân) và quy hoạch theo tiêu chuẩn đường cao tốc với quy mô 4 làn xe đầu tư trước năm 2030. Hay tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu: Tuyến xuất phát từ cửa khẩu Xà Xía (TX. Hà Tiên) - qua TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) đến TP. Bạc Liêu. Đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài hơn 56km, từ giáp ranh tỉnh Hậu Giang qua TP. Bạc Liêu đến xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình) và quy hoạch theo tiêu chuẩn đường cao tốc với quy mô 4 làn xe, đầu tư sau năm 2030. Còn tuyến thứ ba là tuyến Quốc lộ 1, đây là “tuyến xương sống” đi qua hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước; đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài 63km, từ giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đến giáp ranh tỉnh Cà Mau và quy hoạch nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn cấp II - 4 làn xe. Xây mới tuyến tránh qua 3 đô thị gồm: tuyến tránh đô thị Hòa Bình dài 11km, tuyến tránh đô thị Giá Rai - Hộ Phòng dài 12,2km và quy hoạch trước năm 2025 đạt cấp III, đến năm 2030 mở rộng đạt cấp II - 4 làn xe; tuyến đường tránh vòng ngoài TP. Bạc Liêu dài 13,5km, lộ giới 46m, hướng tuyến dự kiến chạy về phía Tây Nam Quốc lộ 1. Điểm đầu đấu nối với Quốc lộ 1 tại lý trình Km2171+500 (ĐH.28) trên địa bàn ấp Trà Ban I (xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi), điểm cuối đấu nối vào Quốc lộ 1 tại lý trình Km2189+180 (nút giao đường tránh nội ô thị trấn Hòa Bình) trên địa bàn ấp Cái Tràm A1 (xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi); quy hoạch đạt cấp II - 4 làn xe và đầu tư trước năm 2030.
Đặc biệt là tuyến Quốc lộ 91B (đường Nam Sông Hậu), tuyến nối TP. Cần Thơ qua tỉnh Hậu Giang - Sóc Trăng đến TP. Bạc Liêu. Đoạn đi qua tỉnh Bạc Liêu dài 13km từ giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đến giao đường vành đai TP. Bạc Liêu. Quy hoạch nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 2 - 4 làn xe, đầu tư trước năm 2030. Rồi tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, tuyến nối Quốc lộ 1, TP. Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) qua tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu đến TP. Cà Mau. Đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài 52km từ giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đến giáp ranh tỉnh Cà Mau. Quy hoạch nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 2 - 4 làn xe và đầu tư trước năm 2030…
Ngoài ra, còn nhiều tuyến giao thông quan trọng khác nữa được tăng cường đầu tư và tạo ra khả năng kết nối với các địa phương vùng sản xuất phía Nam và phía Bắc Quốc lộ 1A.
Từ những tuyến giao thông trọng điểm trên cho thấy, các ngành, địa phương cần nghiên cứu và chủ động xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với các tuyến giao thông quan trọng trên, cũng như phải tự tạo ra khả năng liên kết bằng việc kết nối mạng lưới giao thông với các tuyến giao thông chính thông qua phát triển giao thông trục ngang hoặc trục dọc. Cụ thể như tuyến đường Nam Sông Hậu kết nối Bạc Liêu - Sóc Trăng và TP. Cần Thơ, tuy hiện nay lượng hàng hóa vận tải trên tuyến đường này chưa nhiều, nhưng khi siêu cảng Trần Đề của Sóc Trăng (cảng nước sâu) đi vào hoạt động thì không chỉ có tuyến giao thông này phát triển, mà còn kéo theo sự phát triển của cả tuyến giao thông ven biển. Vì vậy, việc quy hoạch phát triển kinh tế biển, hay thành lập các khu, cụm công nghiệp của TP. Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi và 2 huyện ven biển là Hòa Bình và Đông Hải không thể không tính đến lợi thế cạnh tranh này. Hay các địa phương khác như: huyện Hồng Dân, huyện Phước Long, TX. Giá Rai cũng phải tranh thủ và khai thác tốt tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong phát triển và xây dựng các khu, cụm công nghiệp…
Thực hiện Nghị quyết 11 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI “về phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 đầu tư hoàn thành các tuyến đường trọng yếu, huyết mạch theo chủ trương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Đồng thời nâng cấp, mở rộng 35% tuyến đường về trung tâm xã và phấn đấu đầu tư 80% các tuyến giao thông nông thôn đạt cấp A.
Đến năm 2030, hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp các tuyến đường trọng yếu, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối với các tuyến đường do Trung ương quản lý và các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện; các tuyến đường trục ngang - dọc của TP. Bạc Liêu.
KIM TRUNG
- Đảng ủy quân sự tỉnh Bạc Liêu: Ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và công tác xây dựng Đảng năm 2025
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con