Tiêu điểm
Tăng giá trị cho mô hình lúa - tôm
Tổng kết mô hình sản xuất lúa - tôm, các nhà khoa học và ngành Nông nghiệp đã khẳng định đây là mô hình sản xuất bền vững nhất trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Song, để phát huy hết các giá trị vốn có, cũng cần tập trung tháo gỡ ngay những khó khăn mang tính nội tại và tạo ra những động lực mới cho mô hình “thuận thiên” này.
Nông dân huyện Phước Long thu hoạch tôm trên đất lúa.
KHÔNG NGỪNG ĐƯỢC MỞ RỘNG VÀ NÂNG CHẤT
Thực tiễn cho thấy, mô hình canh tác tôm - lúa thuận theo mùa tự nhiên không ngừng phát huy hiệu quả và góp phần quan trọng vào giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng hợp lý tài nguyên nước theo từng thời điểm và mùa trong năm, thích ứng với điều kiện tự nhiên, thời tiết khí tượng thủy văn, mô hình sản xuất tôm - lúa tạo ra những sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Từ đó, giúp nâng cao giá trị hàng hóa cho con tôm và hạt lúa. Mô hình này cũng đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao về tính bền vững, lợi nhuận cao hơn 15 - 30% so với độc canh cây lúa.
Một trong những ưu điểm nổi trội của mô hình là tạo ra sản phẩm sạch và có giá trị cao. Đây cũng là cơ sở cho việc tạo ra nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ cho thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người nông dân và những doanh nghiệp tham gia liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Ngoài sản phẩm chính là tôm và lúa, mô hình này còn có thể tận dụng xen canh các loại thủy sản khác mang tính bền vững hơn như: cua, cá đồng…
Với tính thân thiện môi trường cao hơn các hệ thống chuyên canh khác, vì dễ dàng áp dụng giải pháp “quản lý tổng hợp”, giảm nhu cầu sử dụng các loại hóa chất trong sản xuất lúa, ít gây hại đến môi trường tự nhiên, phù hợp với các yêu cầu thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), mô hình canh tác tôm - lúa cũng phát huy được các yếu tố tích cực của con tôm và cây lúa như: giúp cải tạo đất, trừ sâu hại và cắt đứt vòng đời dịch bệnh trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Mô hình này còn tạo môi ra trường sống đa dạng cho các loài sinh vật, góp phần bảo vệ hệ sinh thái...
Hiện nay, người nông dân ngày càng quan tâm hơn đối với việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và áp dụng các thành tựu mới vào sản xuất, tập trung chuyển đổi cơ cấu giống lúa mùa địa phương dài ngày, chất lượng kém sang các giống lúa chất lượng cao, thích ứng với điều kiện đất nhiễm mặn. Nhờ đó, năng suất lúa trung bình đối với mô hình này tăng lên qua từng năm. Cụ thể, năng suất trung bình của lúa trên vùng tôm - lúa đạt trên 6 tấn/ha và năng suất tôm nuôi cũng ổn định ở mức từ 360 - 370kg/ha, năng suất cua từ 200 - 210kg/ha và năng suất cá từ 400 - 450kg/ha. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để mở rộng diện tích mô hình này trong tương lai.
Mô hình sản xuất lúa - tôm giúp nông dân huyện Hồng Dân tăng thêm thu nhập. Ảnh: K.T
NHỮNG HƯỚNG MỞ CHO LÚA - TÔM
Có thể nói, mô hình sản xuất lúa - tôm tuy hội tụ nhiều lợi thế, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức cần được hóa giải thông qua việc tăng cường đầu tư nhiều hơn, hướng đến xây dựng một mô hình bền vững và mang lại giá trị gia tăng, có sức cạnh tranh cao.
Khó khăn đầu tiên phải kể đến là quy mô sản xuất của mô hình này khá nhỏ lẻ, manh mún, năng suất và sản lượng tôm nuôi còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của mô hình. Cùng với đó, tình trạng nông dân sử dụng con giống rẻ tiền, trôi nổi, kém chất lượng vẫn khá phổ biến. Đặc biệt là chưa có nhiều liên kết trong tiêu thụ sản phẩm cho cả tôm và cây lúa. Việc áp dụng các hệ thống chứng nhận bền vững, hữu cơ cũng còn gặp nhiều khó khăn do tập quán canh tác của người dân chưa được cải thiện và cả việc thiếu vốn đầu tư về hạ tầng, ứng dụng các công nghệ sản xuất mới…
Được biết, để giải quyết những khó khăn này và phát huy giá trị, lợi thế cạnh tranh của mô hình sản xuất lúa - tôm, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy hoạch chi tiết đối với các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, trong đó có vùng nuôi luân canh tôm - lúa. Cũng như, đề xuất UBND tỉnh trình Bộ NN&PTNT đầu tư “Dự án hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu” để bổ sung nước ngọt cho vùng Nam Quốc lộ 1A, nhằm mở rộng diện tích mô hình tôm - lúa. Bên cạnh đó, đề xuất danh mục dự án ưu tiên đầu tư đối với mô hình tôm - lúa thuộc các huyện Phước Long, Hồng Dân và TX. Giá Rai giai đoạn 2021 - 2030 trình UBND tỉnh ghi vốn để triển khai thực hiện.
Song song đó, ngành Nông nghiệp đã tích cực kết hợp với UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch hằng năm, kế hoạch trung hạn và dài hạn đối với việc phát triển mô hình luân canh tôm - lúa. Tổ chức tuyên truyền vận động nông dân thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt, tuân thủ lịch thời vụ khuyến cáo của ngành chức năng, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất và hiệu quả mô hình nuôi. Tăng cường liên kết, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và quảng bá thương hiệu thông qua các kênh truyền thông online và offline gắn với tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp đã chủ động đề xuất UBND tỉnh cấp kinh phí để triển khai “Đề án nâng cao năng suất tôm nuôi trong mô hình tôm lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A định hướng đến năm 2025” và tổ chức thực hiện trên địa bàn huyện Hồng Dân, huyện Phước Long và TX. Giá Rai…
Với những thế mạnh và ưu điểm, mô hình sản xuất lúa - tôm không ngừng được mở rộng và nâng chất trên đồng đất Bạc Liêu. Nếu năm 2000, diện tích thực hiện mô hình này 12.856ha, thì đến năm 2015 tăng lên 29.607ha (tăng 65,81% so với năm 2000); đến năm 2020, diện tích đạt 39.578ha (tăng 208% so với năm 2000) và đến nay có hơn 46.489ha sản xuất mô hình (tăng hơn 3,6 lần so với năm 2000). Theo quy hoạch đến năm 2030, diện tích chuyển đổi sang mô hình tôm - lúa khoảng 18.283ha (vùng Nam: 8.233ha và vùng Bắc: 10.050ha). Qua đó, nâng tổng diện tích canh tác mô hình này lên 70.000ha và đưa tỉnh Bạc Liêu trở thành một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa-tôm lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
KIM TRUNG
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Nguyễn Hoàng Xuân: Xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận “tôm sạch Bạc Liêu”
Để xây dựng thành công mô hình “lúa thơm, tôm sạch” và “thuận thiên”, Chi cục Thủy sản sẽ tăng cường công tác tuyên truyền đến nông dân về Quy hoạch ngành, các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhất là lịch thời vụ các đối tượng nuôi trồng đối với từng tiểu vùng.
Cùng với đó là tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp đầu vào và tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh (con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản…). Thường xuyên thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát chặt chẽ dịch bệnh. Xây dựng, lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường vào quy hoạch, đề án, dự án, chương trình và kế hoạch phát triển mô hình sản xuất tôm - lúa.
Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Sở tranh thủ mọi nguồn lực từ Nhà nước đến doanh nghiệp và các tổ chức phi Chính phủ, từ Trung ương đến địa phương để hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất hiệu quả gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm làm cơ sở để lan tỏa trong dân. Đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất tổ hợp tác, hợp tác xã vùng tôm - lúa, phát triển mô hình theo hướng cộng đồng. Tổ chức liên kết chuỗi giữa với doanh nghiệp với các tổ chức hợp tác nông dân sản xuất tôm - lúa từ cung ứng con giống, vật tư sản xuất, thu mua chế biến tiêu thụ sản phẩm.
Song song đó, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng cho vùng lúa - tôm, chủ động trong việc cấp, thoát và trữ nước mặn, ngọt một cách linh hoạt. Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, kinh phí hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi... để ưu tiên đầu tư xây dựng mới và duy tu sửa chữa các ô đê bao, trạm bơm điện cho từng tiểu vùng sản xuất, nạo vét kênh thủy lợi và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất..., qua đó từng bước ổn định và phát triển có hiệu quả mô hình này.
Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật cho nông dân và phối hợp với các cơ quan nghiên cứu chọn tạo các giống lúa chất lượng cao, phù hợp chịu mặn, chịu phèn tốt, chống sâu bệnh, năng suất cao. Sản xuất giống thủy sản có sức đề kháng cao với dịch bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng tỉnh. Nghiên cứu các sản phẩm sinh học từ các vi sinh vật có trong mô hình tôm - lúa tại địa phương. Xây dựng thương hiệu tôm sạch, nhằm phát huy lợi thế mô hình này là sản phẩm sạch, an toàn để xây dựng nhãn hiệu, phát triển thành thương hiệu để phản ánh đúng giá trị sản phẩm của mô hình, tăng thu nhập cho nông dân.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long - Nguyễn Hoàng Mến: Tập trung chuyển đổi số trên mô hình lúa - tôm
So với các địa phương khác, huyện Phước Long có diện tích sản xuất lúa - tôm lớn nhất tỉnh với hơn 15.000ha. Vì vậy, để phát huy giá trị và lợi thế cạnh tranh này, huyện sẽ tập trung chuyển đổi số trên mô hình từ sản xuất đến nơi tiêu thụ rõ ràng, minh bạch, giúp khách hàng tiêu thụ biết được xuất xứ và chất lượng sản phẩm. Trong đó, chú trọng việc cấp mã số vùng nuôi cho các hộ nuôi tôm, tuyên truyền người dân thực hiện tốt quy trình nuôi tôm sạch và công tác số hóa sản phẩm tôm nuôi.
Cùng với đó, thực hiện hỗ trợ các chính sách theo quy định của pháp luật cho các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản đã có và tiếp tục thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác mới theo từng địa bàn nuôi trồng để thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cũng như, tổ chức mời gọi các công ty, doanh nghiệp có uy tín ký kết đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn ASC, Global GAP, tôm hữu cơ... để nâng cao giá trị mô hình tôm lúa gắn với hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và các hình thức sản xuất an toàn chất lượng sản phẩm, từng bước đưa sản phẩm ra thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về nuôi trồng thủy sản, thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhất là hàng kém chất lượng, bơm tạp chất vào tôm thương phẩm. Tiếp tục phát triển các cơ sở chế biến các mặt hàng tôm nuôi, phát triển chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm tôm thông qua chế biến sâu sản phẩm. Xây dựng thương hiệu OCOP và hỗ trợ quản bá sản phẩm tại các hội chợ triển lãm, tiêu dùng trên cả nước cũng như ở các điểm bán hàng sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, huyện sẽ tiến hành rà soát lại quy hoạch vùng sản xuất lúa - tôm trên địa bàn huyện và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất như: thủy lợi - giao thông - điện và cơ giới hóa các khâu trong sản xuất. Từ đó giúp giảm giá thành đầu tư, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Tuyên truyền nông dân không can thiệp sâu vào quá trình sản xuất làm thay đổi các điều kiện tự nhiên; chủ động thích ứng với sự thay đổi đó, đảm bảo không đi ngược lại với tự nhiên. Tăng cường công tác kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước có uy tín, trách nhiệm và tiềm lực kinh tế để thực hiện đầu tư vào chuỗi sản xuất lúa thơm, tôm sạch, giảm bớt các đầu mối trung gian để nâng cao giá trị của sản phẩm lúa, tôm. Trước mắt, huyện đề xuất với Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ hoàn chỉnh công trình ngăn mặn tuyệt đối của Âu thuyền Ninh Quới và cống ngăn mặn qua rạch Xẻo Chích huyện Hồng Dân để hạn chế nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt, tạo điều kiện thuận lợi để điều tiết nước mặn cho vùng chuyển đổi huyện Phước Long.