Tiêu điểm

Tạo động lực khôi phục lại nền kinh tế

Thứ Tư, 20/10/2021 | 17:05

Với mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” từ Nghị quyết 128 của Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Sự chuyển hướng từ tập trung phòng chống dịch là chủ yếu sang thích ứng và từng bước hướng đến “sống chung” đã phản ánh sinh động quyết tâm của Chính phủ và cả cộng đồng các doanh nghiệp cho một nền kinh tế linh hoạt và thích nghi.

Các ngân hàng thương mại ký kết hợp tác và đầu tư vốn cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh (ảnh chụp khi dịch bệnh COVID-19 chưa bùng phát).

DOANH NGHIỆP THAN KHÓ

Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành, Bạc Liêu đã tích cực và quyết liệt triển khai thực hiện nghị quyết này. Qua đó, nền kinh tế bước đầu chuyển sang giai đoạn phục hồi và chuẩn bị dồn lực tăng tốc cho những tháng cuối năm nhằm hoàn thành “mục tiêu kép”.

Tuy nhiên, với những ảnh hưởng nặng nề và kéo dài của đại dịch COVID-19 gây ra đã làm cho “sức khỏe” của doanh nghiệp suy yếu, nguồn lực cạn kiệt, mất sức cạnh tranh và nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã rút khỏi thị trường, giải thể hoặc phải tạm ngưng hoạt động. Nhiều chuỗi sản xuất, ngành hàng phải “đứt gãy” trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, lao động bị mất thu nhập, việc làm và cần ngay các giải pháp mang tính động lực để vực dậy nền kinh tế vốn trở thành nhu cầu bức thiết hiện nay.

Ông Trịnh Công Vinh - Giám đốc Nhà máy Bia Sài Gòn - Bạc Liêu, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Bạc Liêu, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bạc Liêu, đề xuất: “Sự tác động và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 đã làm cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và du lịch. Đề nghị tỉnh cần có ngay các giải pháp hỗ trợ, nhất là các chính sách về ưu đãi tín dụng, giảm lãi suất cho vay, giảm tiền thuê đất, thực hiện tốt chính sách trợ cấp thất nghiệp và cần ưu tiên  tiêm vắc-xin đối với người lao động”.

Cùng với khó khăn trong phục hồi và phát triển sản xuất, một trong những lo lắng của các doanh nghiệp hiện nay chính là thị trường tiêu thụ bị sụt giảm. Để kịp thời chia khó cùng doanh nghiệp, Sở Công thương sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các phương án duy trì sản xuất - kinh doanh và phù hợp với điều kiện bình thường mới. Đồng thời, bảo đảm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng ngay cả khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Cũng như phối hợp với các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết như: hệ thống Bách hóa Xanh, Siêu thị Co.opmart… nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ các mặt hàng nông - thủy sản vào vụ thu hoạch. Cùng với đó là tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; tích cực tranh thủ các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của Bộ Công thương để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa…

Ngoài ra, sẽ khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Coi trọng phát triển thị trường nội địa và thực hiện các giải pháp khuyến khích đầu tư, tiêu dùng. Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực cạnh tranh, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Chợ nông sản - thực phẩm Phường 3 (TP. Bạc Liêu) bày bán nhiều loại nông sản của nông dân trên địa bàn thành phố. Ảnh: H.T

“MẠCH MÁU” PHẢI ĐƯỢC THÔNG

Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu hiện nay trong phục hồi lại nền kinh tế là giao thông phải đảm bảo thông suốt. Bởi khi giao thông bị ách tắc thì sẽ tạo ra hàng loạt các điểm nghẽn, chuỗi sản xuất bị phá vỡ, đổ gãy… vì giao thông được xác định là “mạch máu” của nền kinh tế.

Ông Biện Việt Nhu - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tôm Miền Nam, cho biết: Ngoài trụ sở và nhà máy sản xuất chính tại TX. Giá Rai, chúng tôi còn có nhà máy thu mua, chế biến tại tỉnh Cà Mau. Do vậy, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong xuất khẩu sản xuất - kinh doanh, Bạc Liêu cần làm tốt công tác phối hợp với các địa phương khác trong việc tạo thuận lợi cho giao thương và đảm bảo hàng hóa được lưu thông”.

Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải tập trung thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh. Qua đó, các tuyến đường bộ địa phương kết nối với Quốc lộ để phục vụ vận chuyển hàng hóa (luồng xanh) luôn đảm bảo thông thoáng, thuận lợi và chưa xảy ra ùn tắc giao thông (kể cả Quốc lộ, đường tỉnh và đường thủy nội địa). Bên cạnh đó, Sở Giao thông - Vận tải cũng đã phối hợp với Sở Công thương, Sở Y tế, Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố lập phương án đảm bảo lưu thông, cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân. Đồng thời, quản lý chặt người điều khiển phương tiện vận tải, người bốc xếp hàng hóa và phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp thương mại lưu thông vận chuyển hàng hóa trong tỉnh. Cũng như gửi danh sách người điều khiển phương tiện, người bốc xếp hàng hóa và phương tiện vận tải đến các chốt kiểm soát dịch COVID-19 và Sở Giao thông - Vận tải các tỉnh, thành phố có liên quan đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho phương tiện qua các chốt kiểm soát để vận chuyển hàng hóa thiết yếu cung ứng thuận tiện, nhanh chóng.

Song song đó, phối hợp rà soát, thống kê và công bố các chợ, siêu thị, cửa hàng, đại lý, điểm bán lẻ hàng hóa thiết yếu đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định được tiếp tục hoạt động để phục vụ nhu cầu của người dân. Phối hợp với các doanh nghiệp đầu mối rà soát, lựa chọn và công bố bổ sung các địa điểm như: nhà văn hóa, kho, bãi... làm nơi tập kết, cung ứng hàng hóa thiết yếu để đảm bảo có hệ thống các điểm bán, cung ứng hàng hóa thuận tiện, đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội…

Tất cả những giải pháp này sẽ được Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục thực hiện đúng như chỉ đạo của Chính phủ đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết 128.

Có thể nói, để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép và  “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tạo nên những động lực mới cho nền kinh tế; cùng với sự nỗ lực, bản lĩnh và quyết tâm của các doanh nghiệp thì việc tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đã ban hành cần được làm ngay. Sự quyết liệt này sẽ kịp thời tạo thêm nguồn lực, sức mạnh cho doanh nghiệp, đừng để Chính phủ có chính sách mà doanh nghiệp lại không tiếp cận được do vướng các cơ chế, chính sách trong điều kiện doanh nghiệp hiện nay rất cần được tiếp sức.

KIM TRUNG

Ông Võ Đông Xuân - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Ngành Thuế luôn đồng hành, chia khó cùng doanh nghiệp

Để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, ngay sau khi Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các phòng, văn phòng và các chi cục thuế triển khai, tuyên truyền rộng rãi nội dung, đối tượng, điều kiện để được gia hạn theo Nghị định 52 về gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021. Đồng thời, phối hợp với báo, đài, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tuyên truyền Nghị định 52 để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, người nộp thuế biết và thực hiện. Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh cũng đã tuyên truyền trên trang Thông tin điện tử ngành Thuế Bạc Liêu. Người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn thực hiện gửi giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho cơ quan Thuế quản lý trực tiếp chậm nhất ngày 30/7/2021 (mẫu giấy đề nghị đính kèm Nghị định 52). Ngoài ra, khi có văn bản mới được ban hành quy định liên quan đến các chính sách thuế, chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế, ngành Thuế sẽ đăng công khai trên website Tổng cục Thuế http://gdt.gov.vn, hoặc website Cục Thuế tỉnh http://baclieu.gdt.gov.vn. Quý doanh nghiệp có thể truy cập vào 2 địa chỉ nêu trên để cập nhật thông tin và ngành Thuế sẽ luôn đồng hành, chia khó cùng doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Măng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu: Tăng cường đầu tư vốn và giảm phí để tiếp sức cho nền kinh tế

Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện nghiêm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01, 03 và 14 của NHNN Việt Nam. Đồng thời, chủ động rà soát, xem xét, tạo điều kiện cho các khách hàng tiếp cận nguồn vốn, làm việc cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, đánh giá lại các khoản nợ, thực hiện tốt các chính sách, cơ chế tín dụng đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để chia sẻ khó khăn với khách hàng trong giai đoạn hiện nay.

Đến ngày 31/8/2021, số dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là 4.178 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 13,24% tổng dư nợ. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đạt 578 tỷ đồng. Doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến tháng 10/2021 đạt 16.105 tỷ đồng cho 1.296 khách hàng. Tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất đạt 11.780 triệu đồng, với 1.296 khách hàng. Hiện các ngân hàng trên địa bàn tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới theo Thông tư 14 ngày 7/9/2021 của NHNN Việt Nam và tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giảm phí tiếp sức cho nền kinh tế.

Cùng với đó là chỉ đạo các TCTD tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện hữu và các khoản nợ cho vay mới của khách hàng (giảm từ 0,5 - 1,5%/năm). Thực hiện tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giảm phí tiếp sức cho nền kinh tế. Cụ thể là giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN; chỉ đạo Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia giảm 50% phí dịch vụ giao dịch trên ATM, POS và giảm 75% phí dịch vụ cho các giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng so với mức phí đang áp dụng để tạo điều kiện cho các TCTD giảm phí tương ứng cho khách hàng. Qua đó, khuyến khích doanh nghiệp, người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, NHNN tỉnh yêu cầu các ngân hàng thương mại không đặt thêm những thủ tục, giấy tờ ngoài bộ thủ tục do Hội sở chính quy định và NHNN tỉnh cũng đã kiểm tra bộ hồ sơ cho vay của từng ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Ông Trần Quang Sơn - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh làm đầu mối để thực hiện tốt Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đã nghiêm túc, quyết liệt và tích cực triển khai chính sách cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, NHCSXH tỉnh đã niêm yết các thủ tục, hồ sơ vay vốn, mẫu biểu thủ tục hành chính và thiết lập cả đường dây nóng của NHCSXH tỉnh và Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thị xã trên website Cổng thông tin điện tử tỉnh Bạc Liêu và 71 điểm giao dịch của NHCSXH trong tỉnh.

Cùng với đó, NHCSXH tỉnh đã chủ động liên hệ, thông báo chủ trương, chính sách và hướng dẫn thủ tục, quy trình vay vốn theo Nghị quyết 68 đến Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Gửi thông báo về chính sách, hồ sơ, thủ tục, địa chỉ liên hệ đến 100% các doanh nghiệp có lao động đóng BHXH trên địa bàn tỉnh để các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, đối chiếu điều kiện, mức vay, thời hạn vay, quy trình vay... để tiếp cận và lập hồ sơ đề nghị vay vốn.

Đến nay, đã có 6 doanh nghiệp (khoảng 1.070 lao động) liên hệ với NHCSXH tỉnh để lập thủ tục đề nghị vay vốn. Trong tháng 8/2021 đã thực hiện cho vay để trả lương ngừng việc cho 459 lao động, với số tiền 1.458 triệu đồng.

Để có thêm nhiều doanh nghiệp của tỉnh tiếp cận và hưởng được chính sách hỗ trợ này, nhằm kịp thời giảm bớt khó khăn và tạo điều kiện cho lao động gắn bó với doanh nghiệp, đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tích cực, chủ động làm đầu mối để rà soát đối tượng, tổng hợp nhu cầu vay vốn của thành viên, phối hợp cùng NHCSXH tỉnh, huyện để triển khai nhanh chóng, kịp thời chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ.

K.T (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.