Tiêu điểm
Tạo động lực mới để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng
Xác định năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Trong đó, phát triển kinh tế sẽ được tập trung tăng tốc, nhằm tạo ra những đột phá và động lực mới cho việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng từ 9 - 10%.
Bạc Liêu phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất tôm giống có quy mô lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
DỒN LỰC CHO CON TÔM
Một trong những nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo phải thực hiện tốt trong năm nay chính là tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại và mang lại giá trị gia tăng cao. Trong đó, phải dồn lực và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Đẩy mạnh đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản (thủy lợi, giao thông, lưới điện...), đặc biệt là xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh.
Cùng với khuyến khích phát triển các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng tập trung củng cố, phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh đáp ứng nhu cầu tôm giống phục vụ sản xuất trong và ngoài tỉnh. Qua đó, từng bước xây dựng, phát triển thành trung tâm sản xuất tôm giống có quy mô lớn, chất lượng cao và có uy tín ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước. Cũng như, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với nông dân một cách chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị ngành tôm, phát triển bền vững, hiệu quả gắn với xây dựng cánh đồng lớn. Khuyến khích nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị khép kín của Công ty TNHH Việt - Úc Bạc Liêu. Xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y thế giới và yêu cầu của Úc để xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc và các nước khác.
Cùng với ưu tiên phát triển con tôm, Bạc Liêu cũng sẽ tập trung cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng, phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, nhất là xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển và sản xuất giống lúa BL9 tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2024 - 2025, hướng đến năm 2030” gắn với tích cực triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”…
Nông dân Bạc Liêu vận chuyển lúa BL9 bán cho thương lái.
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ
Một nhiệm vụ quan trọng khác cũng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt trong năm 2024 là đẩy mạnh phát triển công nghiệp mà đột phá là công nghiệp năng lượng tái tạo, điện khí và công nghiệp chế biến thủy, hải sản.
Theo đó, ngành Công thương phải triển khai thực hiện tốt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII khi được phê duyệt. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm về phát triển công nghiệp, nhất là các dự án điện gió và Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW, Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn III (141MW), Dự án Nhà máy Điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu (50MW) và các dự án nguồn điện và lưới điện khác theo quy hoạch được phê duyệt.
Song song đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để mời gọi và thu hút các dự án sản xuất công nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch của tỉnh, các dự án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản của vùng ĐBSCL. Cũng như, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp. Chú trọng phát triển khu công nghiệp nhẹ, các nhà máy chế biến nông - thủy sản xuất khẩu theo hướng chế biến tinh sâu, tạo giá trị gia tăng cao. Xây dựng các cơ sở chế biến gạo xuất khẩu chất lượng cao có quy mô lớn tại các huyện: Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Phước Long và TX. Giá Rai theo quy mô khép kín, từ đầu tư cho sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, xuất khẩu. Tăng cường các hoạt động tiểu thủ công nghiệp, hình thành các cụm tiểu thủ công nghiệp tại trung tâm xã, sản xuất các nguyên liệu cung cấp cho khu công nghiệp…
Các kỹ sư vận hành thiết bị tại Trạm biến áp Điện gió Kosy Bạc Liêu. Ảnh: K.T
Cùng với phát triển công nghiệp, năm 2024 Bạc Liêu cũng sẽ phát triển mạnh thương mại, dịch vụ thông qua khuyến khích, tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh gắn với coi trọng phát triển thị trường nội địa và thực hiện các giải pháp khuyến khích tiêu dùng. Đồng thời, chú trọng phát triển các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực cạnh tranh, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ cho sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân. Ngoài ra, sẽ tích cực tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của địa phương. Thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá cả thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu các mặt hàng mới vào các thị trường mới, nhằm đa dạng hóa mặt hàng và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu của tỉnh…
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Bạc Liêu chắc chắn sẽ bứt phá và không ngừng phát triển nhanh, bền vững
Năm 2024 là năm bứt phá trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Do đó, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch cả nhiệm kỳ 2021 - 2025 thì nhiệm vụ trong năm 2024 này là hết sức quan trọng và nặng nề.
Song, với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo và quyết tâm tăng tốc, đề nghị các cấp, các ngành và các địa phương phải tập trung thật quyết liệt vào các nhiệm vụ sau:
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, phải tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước và cần sớm tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 3 năm triển khai đề án này. Trong đó, quan tâm đề ra các giải pháp hiệu quả để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do nước xả thải từ nuôi tôm công nghệ cao. Tập trung xây dựng và phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả và liên kết bao tiêu lúa gạo; xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm tôm, lúa, gạo chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu. Đặc biệt, phải thật quyết liệt triển khai phòng, chống hạn mặn mùa khô 2024.
Đối với Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW, do đây là Dự án góp phần quyết định sự phát triển của tỉnh ta trong trung và dài hạn mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã nêu. Hiện nay, dự án này còn một số vướng mắc về thủ tục, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tích cực phối hợp với Bộ Công thương làm việc với nhà đầu tư để thống nhất phương án xử lý tối ưu, đảm bảo các yêu cầu về tiến độ và hiệu quả thực hiện dự án, sớm khởi công dự án vào tháng 6/2024.
Song song với điện khí, cần thúc đẩy 2 dự án điện gió: Điện gió Bạc Liêu III công suất 141MW và Điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu công suất 50MW hoàn thành trong năm 2024 và các dự án điện gió theo đúng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII sắp được Thủ tướng phê duyệt.
Ngoài ra, để thúc đẩy các dự án này, các cấp, ngành cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng đấu nối và nhất là chuẩn bị trước một bước về công tác giải phóng mặt bằng. Có như vậy, khi triển khai mới chủ động được về tiến độ, thủ tục và tránh các ách tắc như thời gian qua.
Đối với phát triển kinh tế biển, trước hết cần phải thay đổi tư duy, có tầm nhìn dài hạn trong phát triển lĩnh vực còn rất nhiều dư địa này. Bám sát các nội dung Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và cụ thể hóa trong điều kiện của tỉnh để triển khai thực hiện thật quyết liệt.
Ngoài ra, cần hết sức tập trung vào các lĩnh vực như: Tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng chất lượng các xã đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, hướng đến đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; Tiếp tục nâng cao Chỉ số PCI và PAPI; Tăng cường quản lý đất đai, nhất là đất công và khai thác quỹ đất công, đấu giá đất tạo nguồn thu ngân sách; Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và từng chủ đầu tư phải theo dõi sát tình hình triển khai thực hiện dự án, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc để xử lý, tháo gỡ; chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy - UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng giải ngân thấp; Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024; Nâng cao chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và đặc biệt là xây dựng đô thị thông minh…
Cùng với quan tâm phát triển kinh tế, các ngành, địa phương phải tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Trong đó, ưu tiên cho giảm nghèo, an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công, giải quyết việc làm và đẩy mạnh việc xuất khẩu lao động; Quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo chất lượng cao; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; Đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và đây chính là một trong 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này…
Giám đốc Sở NN&PTNT - Lưu Hoàng Ly: Phát động mạnh mẽ phong trào làm thủy lợi - thủy nông nội đồng
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn khốc liệt do tác động của El Nino, Sở NN&PTNT đã khẩn trương xây dựng các kịch bản ứng phó và đã triển khai đến các ngành, địa phương.
Theo dự báo và nhận định chung, vụ lúa trên đất tôm năm nay có khả năng gặp khó khăn, do mưa kết thúc sớm và khả năng không có mưa trái mùa trong tháng 1/2024. Cũng như, sản xuất vụ đông xuân và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn. Tình hình cung cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn sẽ gặp khó khăn trong các tháng cao điểm của mùa khô (tháng 3, 4, 5), do mực nước ngầm hạ thấp và khả năng một số hộ dân vùng ven biển, vùng sâu vùng xa chưa có tuyến ống cấp nước sẽ gặp khó khăn về nước sinh hoạt.
Do vậy, một trong những giải pháp công trình được đề ra là tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình sửa chữa cống, trạm bơm, kéo dài đường ống cấp nước sạch nông thôn, công trình kênh mương tạo nguồn. Cũng như, tiếp tục kiểm tra, duy tu toàn bộ hệ thống cống, trạm bơm, máy bơm, các trạm cấp nước tập trung trong tỉnh để phục vụ phòng, chống hạn hán (phấn đấu hoàn thành trong tháng 1/2024). Đồng thời, xây dựng và chuẩn bị triển khai kế hoạch đắp các đập tạm để tổ chức bơm chuyền cấp và trữ nước ngọt cho lúa đông xuân với 448 đập (dự kiến đầu tháng 3/2024) trong trường hợp khẩn cấp.
Tuy nhiên, để hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra, Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh cần có văn bản phát động phong trào làm thủy lợi - thủy nông nội đồng gắn liền với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (tiêu chí số 3 về thủy lợi) trên phạm vi toàn tỉnh trong tháng 2/2024. Đồng thời, sớm xem xét phân khai nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí năm 2024 cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thi công nạo vét các kênh tạo nguồn và duy tu, sửa chữa hệ thống cống để đảm bảo ngăn mặn - giữ ngọt, phục vụ sản xuất. Cũng như, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục xây dựng kế hoạch phòng chống tác động của hạn hán, xâm nhập mặn trên từng địa bàn. Đặc biệt là quan tâm cho duy tu, sửa chữa các trạm bơm điện và các ô thủy lợi khép kín đã xây dựng để kịp thời bơm trữ nước chống hạn.
KIM TRUNG