Tiêu điểm

Thăm mô hình sản xuất hữu cơ đầu tiên ở Đông Nam Á - nghĩ chuyện Bạc Liêu

Thứ Tư, 01/02/2012 | 11:05

Ngày 3/2 vừa qua, tôi được anh Võ Minh Khải, một người bạn cũ, hiện là Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú, mời về nông trường của anh tại xã Khánh An (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) nhân buổi lễ trao giấy chứng nhận nhãn hiệu gạo hữu cơ của Tổ chức quốc tế Bio Organic và nhãn hiệu gạo hữu cơ an toàn tuyệt đối có lợi cho sức khỏe (Organic product) của Hoa Kỳ cho Công ty Viễn Phú, với sản phẩm là những loại gạo được sản xuất tại nông trại này.

Đại biểu tham quan mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ của Công ty Viễn Phú.

Sáng sớm, tại nơi “khỉ ho cò gáy” giữa rừng U Minh, khách Tây, khách ta, chính quyền tỉnh (Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau) và đặc biệt là giới báo chí (hầu như không sót phóng viên tờ báo lớn nào ở phía Nam) đông nghẹt. Chứng tỏ đây là sự kiện được quan tâm đặc biệt. Khi đi vào nội dung họp báo của buổi lễ trao bằng chứng nhận, tôi mới vỡ lẽ. Tiến sĩ (TS) Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, trả lời với báo chí như sau: “Đây là một mô hình đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên mà doanh nghiệp hoạt động về nông nghiệp tại Việt Nam đạt được. Và nó còn là mô hình sản xuất hữu cơ đầu tiên ở Đông Nam Á”.

Các sản phẩm gạo hoa sữa trắng, đỏ, tím và đen của Công ty Viễn Phú được cấp bằng chứng nhận hôm ấy là những sản phẩm không chứa các loại hormon, không chứa thuốc kháng sinh, không chứa các loại thuốc diệt cỏ, diệt côn trùng, sâu bọ, không chứa phân hóa học, không bị biến đổi gen, không bị chiếu xạ tiệt trùng, không có hương liệu, phẩm màu, chất bảo quản… Nói chung đó là những “thực phẩm hữu cơ”, “thực phẩm chức năng” cao cấp. Ngoài việc sử dụng an toàn tuyệt đối cho sức khỏe, thì nó còn có lợi trong việc hỗ trợ điều trị bệnh cho những người bị tiểu đường, ung thư, tim mạch, mất trí nhớ… vì qua phân tích của các nhà khoa học, dinh dưỡng học, chúng có hàm lượng dinh dưỡng và khoáng chất gấp nhiều lần so với gạo thông thường.

Để sản xuất được các loại gạo này, Công ty Viễn Phú đã phải sản xuất trên một quy trình khép kín hoàn toàn sạch và phải tuân thủ quy định, sự kiểm tra nghiêm ngặt của các tổ chức cấp giấy chứng nhận gạo hữu cơ. Tại Mỹ, đạo luật Organic Food Production Act ra đời năm 1998 đã quy định hết sức khắt khe dòng sản phẩm này. Còn tại châu Âu, các sản phẩm siêu sạch đều chịu sự kiểm soát liên tục, gắt gao từ khâu đầu đến khâu cuối (tổng cộng 260 lần) và thường xuyên được kiểm tra bởi các cơ quan giám sát, kiểm định độc lập, nghiêm túc theo Nghị định số 209/91 về thực phẩm siêu sạch của Liên minh châu Âu.

Trưa 3/2, chúng tôi được đưa đi thăm nông trường bằng ôtô trên những bờ bao thẳng thớm và đẹp như lộ xe trên một cánh đồng bao la. Rộng đến hơn 320ha, nông trại này vốn được hình thành trên một cái nền của đất hoang hóa. Xưa, đất này vốn là ruột của đất rừng U Minh Hạ, sau những đợt cháy rừng, những trận phá rừng… thì đất trở nên hoang vu đầy lau sậy và phèn mặn nặng nề. Sau 3 năm lao động cật lực và tiền của bỏ vào đến 30 tỷ đồng, Công ty Viễn Phú mới biến cánh đồng này được như hôm nay. Những công nhân gắn bó với nông trại kể: “Hồi mới đưa máy vào phá đất hoang, chúng tôi phải trùm kín cả người vì ong, côn trùng đốt, lau sậy cao đến đầu người. Đất xấu như thế nên khai hoang, cải tạo rất tốn công, tốn tiền. Song, được lợi thế là đất sạch, không tồn dư phân bón, thuốc trừ sâu và các loại hóa chất trong đất nên nó có cái nền sạch ổn định. Đồng thời, chính quyền tỉnh Cà Mau lại ủng hộ, tâm huyết nên công ty hạ quyết tâm làm cho bằng được”.

Tổ chức quốc tế Bio Organic trao giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ cho Công ty Viễn Phú.

Đứng trên cánh đồng của Viễn Phú, lòng tôi cứ bồi hồi ngổn ngang những ký ức. Sao nó giống với những cánh đồng của Bạc Liêu, Cà Mau… vào cái thuở người ta chưa lạm dụng hóa chất như bây giờ vào nửa thế kỷ trước. Những năm lúa đan xen với cỏ mây và cỏ mác. Lại có những ô ruộng cỏ, sâu hại lúa làm mùa vụ thất bát. Dưới sông thì bông súng đồng nở trắng, còn cá thì lội trên ruộng, trên kênh thành bầy. Anh Khải nói do sản xuất không có thuốc sâu nên cá đồng phát triển dữ dội. Đi trên bờ kênh tôi có cảm giác như cả đồng U Minh nổi tiếng ngày xưa đã quay trở về. Trưa hôm đó, chúng tôi được đãi những món ăn đậm đà hương vị U Minh. Cá lóc to luộc hèm, cá trê vàng nướng chấm nước mắm gừng và tôm chao, cá rô chiên xù… và các loại rau đồng sạch ở đất U Minh.

Trên bờ kênh thì chuối, xoài, đu đủ mọc xanh rì. TS. Nguyễn Đăng Nghĩa nói rằng, đây là một mô hình sản xuất sạch nên cân bằng sinh thái, người ta xử lý sâu phá hại lúa bằng cá đồng nên nó phát triển rất nhiều. Hễ trong ruộng lúa có sâu hại thì người ta đưa nước vào cho cá đồng theo nước lên ăn sâu rầy. Còn bên Hàn Quốc, thì họ nuôi thêm vịt đàn để xử lý sâu rầy. Theo TS. Nghĩa: “Phương pháp sản xuất của Viễn Phú, ngoài việc nâng tầm chất lượng gạo Việt Nam còn phù hợp với xu hướng làm sạch môi trường. Trong Đại hội hữu cơ thế giới lần thứ 17 và Hội nghị gạo hữu cơ châu Á lần thứ nhất tại Hàn Quốc (ngày 30/9 - 1/10/2011), phương pháp canh tác hữu cơ của Viễn Phú đã được trình bày và tạo ra sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức hữu cơ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Phi-líp-pin…”.

Nhìn những cánh đồng năng suất rất thấp, khoảng 1 tấn/ha, tôi băn khoăn vì hiệu quả kinh tế, thì được anh Võ Minh Khải giải tỏa khi trả lời với các nhà báo: “Tôi khẳng định mô hình Viễn Phú sẽ có hiệu quả không thua kém bất kỳ mô hình sản xuất nông nghiệp nào ở Cà Mau. Hiện tại, lúa mới đạt 1 tấn/ha. Năm 2012, chúng tôi dự kiến sản xuất 1.000 tấn lúa. Thế nhưng, giá gạo chúng tôi xuất bán gấp 4 - 5 lần gạo thường. Hơn nữa, năng suất lúa mỗi năm càng tăng vì quá trình cải tạo sẽ làm cho đất bớt phèn, dần trở thành đất thuộc. Dự kiến, chúng tôi sẽ đạt 5 tấn/ha vào năm 2015. Ngoài ra, chúng tôi còn nguồn thu khác từ cá đồng, vịt đàn mà nuôi không cần cho ăn, lại đạt tiêu chuẩn nông phẩm sạch nên bán rất dễ dàng và có giá cao hơn. Đó là chưa kể việc trồng cây ăn trái, rau sạch trên bờ ruộng, rồi bông súng dưới kênh cũng là loại rau sạch. Hiện Công ty Viễn Phú đang có kế hoạch liên kết với nông dân quanh vùng để trồng thêm 20.000ha lúa hữu cơ chức năng”.

Tôi hỏi anh Khải: “Nếu Bạc Liêu mời anh đầu tư, anh có làm không?”. Khải trả lời: “Tôi chẳng những lên đầu tư mà còn mơ ước được lên vì qua quan sát của tôi và một số nhà khoa học tham mưu cho tôi, vùng đất huyện Phước Long, Hồng Dân của Bạc Liêu rất thích hợp với mô hình này”. Tôi hỏi câu thứ hai: “Hiện nay, Tỉnh ủy Bạc Liêu có nghị quyết về đẩy mạnh phát triển du lịch, chuyển kinh tế du lịch thành kinh tế mũi nhọn, cho nên rất cần những điểm nhấn. Ví dụ như chính quyền tỉnh mời anh lên để thực hiện giống mô hình ở U Minh rồi đề nghị anh đưa du lịch vào bằng cách như sau: Trong quá trình sản xuất anh đưa môi trường sinh thái, cảnh quan về thuở xưa cũ của Bạc Liêu, giờ anh đưa đời sống xưa cũ vào như cất nhà lá, sinh hoạt nông dân có trâu cày, có đặt trúm, cắm câu, có hò hát ngoài đồng, tổ chức các dịch vụ ăn uống bằng các món quê xưa… để thu hút khách du lịch và để cho thuê làm phim thì anh tính thế nào?

Nghe xong, Khải lộ vẻ đồng tình, hớn hở: “Quá đã, cái này tôi có ý đồ, kế hoạch lâu rồi! Đó là công nghệ du lịch sinh học”. Rồi Khải nói tiếp: “Về thăm cảnh cũ để thấy ông cha lao động khẩn hoang cực khổ thế nào, lại được sống trong một môi trường sạch, ăn những thực phẩm sạch thì còn gì thú vị và hấp dẫn bằng! Tôi phấn chấn quá, tôi mong Bạc Liêu gọi tên tôi một tiếng!”.

Bài và ảnh: P.T.N

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.