Tiêu điểm

Thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi: Cần những “cú hích” mới

Thứ Hai, 25/09/2023 | 16:56

Để phát huy lợi thế của một nước nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1520 về phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045. Căn cứ vào Chiến lược này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 121 để thực hiện, nhưng đây không phải là chuyện dễ làm khi ngành Chăn nuôi của tỉnh vẫn còn tồn tại hàng loạt các “điểm nghẽn”.

Nuôi heo theo mô hình nông hộ ở huyện Hồng Dân.

VÌ SAO CHĂN NUÔI KHÓ PHÁT TRIỂN?

Xuất phát từ thế mạnh của một tỉnh nông nghiệp nên việc phát triển ngành Chăn nuôi không chỉ có ý nghĩa chiến lược trong khai thác có hiệu quả các tiềm năng vốn có, mà còn giúp tái sử dụng nguồn tài nguyên từ sản xuất nông nghiệp thải ra, góp phần bảo vệ môi trường và tận dụng, phát huy tốt các lợi thế. Tính đến tháng 9/2023, tổng đàn heo đạt khoảng 220.000 con, đàn trâu, bò khoảng 3.050 con, đàn dê 8.900 con và đàn gia cầm 3.335.000 con…

So với cùng kỳ năm, phát triển chăn nuôi cơ bản năm 2023 đạt kế hoạch đề ra, do tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, hạn chế được các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Nhưng để phát huy thế mạnh này và hoàn thành kế hoạch về phát triển chăn nuôi thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Thực tế cho thấy, Bạc Liêu tuy là tỉnh nông nghiệp, nhưng đến nay ngành Chăn nuôi vẫn chưa đảm nhiệm tốt chức năng cung cấp thịt cho thị trường. Đơn cử như thị trường thịt heo, với lượng tiêu thụ bình quân từ 600 - 700 con/ngày, nhưng tổng lượng heo cung cấp ra thị trường của tỉnh chỉ khoảng 70% nhu cầu tiêu thụ, số còn lại phải nhập từ các tỉnh ngoài vào. Hay nhu cầu tiêu thụ trứng khoảng 250.000 quả/ngày, nhưng cả tỉnh chỉ có 2 trang trại nuôi gà đẻ có quy mô bình quân 13.000 trứng/ngày. Riêng thịt trâu, bò phần lớn phải nhập từ tỉnh khác vào và rất khó kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các sản phẩm đã được đông lạnh.

Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi của tỉnh đề ra là mức tăng trưởng giá trị sản xuất cho giai đoạn 2021 - 2025 trung bình từ 4 - 5%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 từ 3 - 4%/năm. Do vậy, muốn hoàn thành mục tiêu này, thì việc tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng cho ngành Chăn nuôi của tỉnh là rất cần thiết. Theo đó, cần tập trung ban hành các giải pháp để tháo gỡ ngay các cơ chế, chính sách vốn trở thành “điểm nghẽn”, nhằm khôi phục và đẩy mạnh phát triển ngành Chăn nuôi.

Có thể thấy, một trong những “điểm nghẽn” ấy chính là dù Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển chăn nuôi, nhưng thực tế doanh nghiệp (DN), nông dân vẫn khó tiếp cận được các chính sách hỗ trợ này, nhất là chính sách về tín dụng.

Thực tiễn đã chứng minh, ngành Chăn nuôi chỉ phát triển và sinh lãi khi nào áp dụng được quy mô chăn nuôi theo hình thức trang trại, sản xuất hàng hóa lớn. Còn chăn nuôi theo hộ gia đình thì lợi nhuận thấp và không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường, đặc biệt là nuôi heo nông hộ nằm đan xen trong các khu dân cư.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra giết mổ và vệ sinh an toàn thực phẩm tại lò giết mổ tập trung (Phường 1, TP. Bạc Liêu).

Theo các DN và hợp tác xã (HTX), để nuôi heo có lãi, giải pháp duy nhất là chăn nuôi gia công cho các tập đoàn lớn theo mô hình các DN, HTX chỉ đầu tư về hạ tầng và khâu chăm sóc, còn lại từ con giống, thuốc thú y, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đã có các tập đoàn lo. Song, muốn xây dựng một trang trại nuôi heo gia công đúng chuẩn có quy mô khoảng 6.000m2, cho xuất chuồng 12.000 con heo thương phẩm/năm cũng cần vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn các DN và HTX đều khó tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Vì thế, có DN tuy đã nuôi gia công, nhưng nếu phát sinh dịch bệnh thì cũng không có lãi. Bằng chứng là nhiều trang trại nuôi heo ở huyện Phước Long có quy mô lớn hiện nay đã đóng cửa hoạt động, hoặc sang bán, cho thuê…

Riêng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các vùng nông thôn hiện nay đã giảm đáng kể và nhiều người đã rơi vào cảnh con heo “ăn mất” sổ đỏ, do cả quy trình nuôi đều nằm trong thế bị động. Đó là phải mua con giống nhập từ bên ngoài nên khó kiểm tra về chất lượng. Cũng như phần lớn chăn nuôi nông hộ hiện nay đều chuyển sang hình thức cho ăn công nghiệp, thay vì tận dụng thức ăn thừa, rau trong vườn như trước đây. Khổ nỗi giá thức ăn công nghiệp luôn ở mức cao và trong năm 2022, qua kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phát hiện hơn 50% thức ăn không đạt chất lượng. Vì thế, không cần phát sinh dịch bệnh, chỉ cần giá heo biến động là chăn nuôi nông hộ sẽ thua lỗ, còn nếu cộng thêm dịch bệnh thì “trắng tay” là cái chắc.

Mua bán thịt heo tại chợ Cầu Xáng (TP. Bạc Liêu).

PHÁT TRIỂN HIỆU QUẢ VÀ BỀN VỮNG

Để giải quyết những khó khăn trong phát triển ngành chăn nuôi, UBND tỉnh đã đề ra quan điểm chỉ đạo là: Phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm; đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh và khu vực.

Bên cạnh đó, phát triển ngành Chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) gắn với đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tăng cường ứng dụng, triển khai vào thực tiễn sản xuất các kết quả nghiên cứu khoa học, thích nghi và ứng dụng có chọn lọc các thành tựu khoa học và công nghệ mới của thế giới vào nâng cao sức cạnh tranh cho ngành Chăn nuôi.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển. Chuyển từ tư duy sản xuất chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang tư duy kinh tế trang trại, HTX chăn nuôi bền vững. Phát triển các mô hình chăn nuôi sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với BĐKH…

Cùng với quan điểm chỉ đạo này, UBND tỉnh cũng đề ra mục tiêu chung cho phát triển ngành Chăn nuôi chính là CNH-HĐH, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành Chăn nuôi. Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi trong tỉnh ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, tạo ra sản phẩm chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Song song đó, thực hiện tốt công tác con giống, xây dựng cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm và động vật hoang dã thuần chủng, nhằm chủ động nguồn giống cho người chăn nuôi; tăng năng suất và phẩm chất thịt phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chủ động thay đổi cơ cấu đàn vật nuôi, đa dạng hóa giống loài vật nuôi, nhằm đa dạng sản phẩm cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, xử lý tốt chất thải chăn nuôi và tái sử dụng các phụ, phế phẩm nông nghiệp, hướng tới chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn và thân thiện với môi trường. Cũng như, phân phối lại cơ cấu lao động trong ngành Chăn nuôi, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới bền vững…

KIM TRUNG

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh - Nguyễn Duy Hưng: Đề nghị có giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi

Để phát triển ngành chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và lấy mẫu giám sát dịch bệnh theo kế hoạch được phê duyệt.

Bên cạnh đó, tiếp tục khuyến khích các hộ chăn nuôi trang trại phát triển đàn, xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Tăng cường năng lực của các cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm và cải tạo, bổ sung đàn giống tốt vào cơ cấu đàn giống của tỉnh. Tăng cường công tác khống chế dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi, hỗ trợ kỹ thuật giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất.

Cùng với đó, tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi để đảm bảo nguồn cung đúng chất lượng, đúng giá. Đồng thời, kiến nghị các ngành chức năng có liên quan đề nghị với các bộ, ngành Trung ương cần có giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi và có cơ chế, chính sách hợp lý đối với người chăn nuôi. Ngoài ra, thực hiện tuyên truyền, vận động chủ các trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc và hộ chăn nuôi quan tâm đầu tư xây hố biogas xử lý chất thải để đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long - Trần Văn Liêm: Nhiều chính sách đột phá cho phát triển chăn nuôi

Thực hiện Kế hoạch 121 của UBND tỉnh, UBND huyện Phước Long đã tập trung xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách đột phá cho phát triển ngành Chăn nuôi.

Về chính sách đất đai, huyện sẽ hoàn thiện chính sách đất đai trên cơ sở thị trường quyền sử dụng đất như: quyền tài sản với nguyên tắc vận hành thuận lợi, chi phí giao dịch thấp, tạo điều kiện cho nông dân mở rộng quy mô sản xuất và sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp đạt thu nhập cao; người dân dễ dàng chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn, thế chấp trong thị trường giao dịch đảm bảo tính thống nhất. Hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, khuyến khích tập trung đất nông nghiệp sang làm trang trại với quy mô sản xuất hàng hóa lớn. Đồng thời, cho phép xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động chăn nuôi, chăn nuôi tập trung trang trại như: nhà xưởng, thiết bị chăn nuôi, logistics, lò giết mổ, cơ sở chế biến, lưu trữ, bảo quản sản phẩm chăn nuôi… trên diện tích đất phát triển chăn nuôi theo quy hoạch của huyện. Từng bước mở rộng phạm vi đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có đủ tiềm lực về vốn, công nghệ, thật sự đầu tư vào sản xuất kinh tế trang trại, trại chăn nuôi tập trung theo quy hoạch của huyện. Công khai minh bạch trong xây dựng và triển khai quy hoạch đất đai về thông tin quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho sản phẩm chăn nuôi chủ lực.

Về chính sách tài chính và tín dụng, sẽ khuyến khích các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tạo điều kiện giải ngân cho các DN đầu tư vào chăn nuôi, kinh tế trang trại, giết mổ, chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi và các ngành dịch vụ phục vụ phát triển chăn nuôi. Đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phục vụ sản xuất chăn nuôi, đặc biệt phục vụ chăn nuôi quy mô trang trại, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, chăn nuôi tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái, bền vững...

Cùng với đó là mở rộng các loại tài sản thế chấp vay vốn, điều chỉnh cơ chế định giá theo thị trường cho các tài sản hình thành trên đất phục vụ sản xuất (trang trại, nhà xưởng, kho bãi...) và cả các tài sản vô hình (sở hữu trí tuệ, thương hiệu) để đảm bảo vay vốn ngân hàng. Thực hiện cơ chế cho vay theo chuỗi giá trị sản phẩm, gắn tín dụng sản xuất và có quỹ tín dụng ưu tiên đầu tư cho DN ứng dụng công nghệ cao, bảo quản chế biến thịt, các sản phẩm từ thịt, dịch vụ phân phối, logistics, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về chính sách đầu tư, sẽ tăng đầu tư công cho cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển chăn nuôi trang trại (điện, đường, trung tâm thương mại, phân phối các sản phẩm chăn nuôi…), điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn tăng tỷ lệ đầu tư cho khoa học - công nghệ, hạ tầng thương mại, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm liên kết vùng, sản xuất bền vững, thích ứng BĐKH. Phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành Chăn nuôi và dịch vụ phục vụ phát triển chăn nuôi trang trại. Đặc biệt, ưu đãi phát triển các ngành cung cấp đầu vào và tiêu thụ đầu ra mang tính chất quyết định tạo giá trị gia tăng, đảm bảo để ngành Chăn nuôi không rơi vào bẫy “sản xuất gia công”…

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.