Tiêu điểm

Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững: Phát huy lợi thế, nâng cao giá trị cho cây lúa và con tôm

Thứ Hai, 13/06/2022 | 16:44

Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, Bạc Liêu đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, xác định đây là trụ cột quan trọng hàng đầu để Bạc Liêu khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và tăng trưởng nhanh.

Nông dân huyện Hòa Bình vận chuyển lúa bán cho thương lái.

ĐẦU TƯ HẠ TẦNG CHO ĐỒNG LÚA

Một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bạc Liêu chính là cây lúa. Vì vậy, Bạc Liêu sẽ giữ diện tích gieo trồng lúa đạt 198.696ha và cho sản lượng trên 1,2 triệu tấn/năm. Theo đó, thực hiện cánh đồng lớn gắn với bao tiêu lúa gạo đạt 100.000ha gieo trồng lúa, chiếm trên 50% diện tích gieo trồng và xây dựng vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao, sạch bệnh quy mô 1.700ha. 

Thực hiện tốt chỉ tiêu này, Bạc Liêu tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực là lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng các vùng sản xuất hữu cơ phù hợp. Đồng thời, giữ ổn định diện tích đất chuyên trồng lúa nước 58.900ha ở tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A, cũng như mở rộng địa bàn sản xuất lúa trên đất tôm - lúa đạt từ 43.000 - 48.000ha ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A gắn với tăng cường đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống công trình thủy lợi phân ranh mặn - ngọt, nạo vét hệ thống kênh mương bị bồi lắng và phát triển hệ thống trạm bơm điện vừa và nhỏ. Qua đó, từng bước thực hiện kiên cố hóa kênh mương phục vụ cho phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao (lúa thơm, lúa đặc sản), lúa chịu mặn mang thương hiệu Bạc Liêu. Trong đó, vùng lúa chất lượng cao chiếm trên 92% diện tích gieo trồng, lúa chất lượng trung bình, thấp và giống khác chiếm dưới 8% diện tích gieo trồng.

Bên cạnh đó, Bạc Liêu sẽ tập trung xây dựng, phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả và liên kết bao tiêu lúa gạo. Xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm lúa gạo chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu; xây dựng vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao, kháng sâu bệnh, chống chịu được hạn hán, xâm nhập mặn, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh. Khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng vật tư và xử lý chất thải nông nghiệp; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và sử dụng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu…

Nông dân huyện Vĩnh Lợi chăm sóc lúa Tài nguyên - một trong những giống lúa cho giá trị kinh tế cao.

CHỌN TÔM SIÊU THÂM CANH LÀ ĐIỂM NHẤN

Sản phẩm chủ lực thứ hai được Bạc Liêu đặc biệt quan tâm trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững chính là phát huy thế mạnh mũi nhọn từ con tôm. Đồng thời gắn với thực hiện mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Theo đó, Bạc Liêu sẽ phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) đạt trên 150.410ha, trong đó nuôi tôm siêu thâm canh 6.000ha, nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh 28.000ha và góp phần cho tổng sản lượng NTTS đạt 540.000 tấn/năm.

Để khai thác và nâng cao giá trị cho sản phẩm chủ lực này, Bạc Liêu sẽ tiếp tục tập trung phát triển với 2 đối tượng chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Đặc biệt, ưu tiên phát triển diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh và xác định nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn.

Song song đó, nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn và phát triển ổn định, bền vững mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sạch như: tôm - lúa, tôm - rừng và ứng dụng rộng rãi NTTS có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic, ASC, MSC… nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững gắn với cấp mã số truy xuất nguồn gốc.

Mặt khác, tiếp tục thực hiện Đề án nâng cao năng suất tôm nuôi trong mô hình tôm - lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A và Kế hoạch phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tôm và lúa đến năm 2025.

Với quyết tâm làm giàu từ con tôm và tạo ra những đột phá mới giúp cho con tôm phát triển nhanh, Bạc Liêu sẽ tăng cường đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng, nhất là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (giai đoạn 2), các vùng nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình khép kín trong nhà kín; nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; nuôi trong nhà lưới, nhà màng; vùng sản xuất lúa - tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh gắn với xây dựng cánh đồng lớn, phấn đấu đạt 30.000ha; đầu tư các công trình thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững và Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu…

ICAFIS tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn của Công ty TNHH MTV Long Mạnh (huyện Hòa Bình). Ảnh: K.T

Ngoài ra, Bạc Liêu cũng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các công ty, doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, làm cơ sở lan tỏa và từng bước đầu tư xây dựng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với nông dân một cách chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất các vùng NTTS theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị ngành tôm, phát triển bền vững, hiệu quả gắn với xây dựng cánh đồng lớn; khuyến cáo nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị khép kín của Công ty TNHH Việt - Úc Bạc Liêu; xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y thế giới và yêu cầu của Úc để xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc và các nước khác. Vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách hiện hành nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mở rộng diện tích NTTS…

Với những giải pháp và định hướng chiến lược trên, hứa hẹn sẽ tạo nên những cú hích, động lực mới cho nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững. Đặc biệt là từng bước xây dựng thế và lực cho con tôm, cây lúa tạo ra năng lực cạnh tranh, phát huy giá trị trong khu vực và cả nước.

KIM TRUNG

---------------------------------------

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi - Trần Minh Hải: Xây dựng thương hiệu “gạo Tài nguyên Công tử Bạc Liêu”

Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, huyện Vĩnh Lợi xác định cây lúa là đối tượng sản xuất chủ lực và có lợi thế tuyệt đối. Bởi, toàn huyện hiện có hơn 17.000ha nằm trong vùng ngọt ổn định với điều kiện rất thuận lợi để sản xuất 2 - 3 vụ lúa/năm, cho năng suất cao, chất lượng tốt và còn nhiều “dư địa” để có thể nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, trong sản xuất lúa, không chỉ riêng huyện Vĩnh Lợi mà cả các vùng chuyên canh cây lúa khác đều phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn. Đó là diễn biến phức tạp và ngày càng khó lường của biến đổi khí hậu; chi phí đầu vào có xu hướng tăng liên tục trong khi giá lúa hàng hóa tăng rất chậm nên lợi nhuận đang giảm; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất còn chậm và ở mức thấp.

Do vậy, để phát huy tối đa lợi thế tự cây lúa, nhất là lúa Tài nguyên, huyện Vĩnh Lợi sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chiến lược gắn với lộ trình thực hiện cụ thể, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các ngành, các cấp từ huyện đến xã.

Theo đó, huyện tiếp tục quy hoạch phát triển các tiểu vùng sản xuất gắn với đặc điểm và thế mạnh riêng nhằm phát huy tối đa hiệu quả trong sản xuất, trên cơ sở đó có lộ trình đầu tư cụ thể cho phát triển từng tiểu vùng. Đối với tiểu vùng chuyên canh lúa 3 vụ/năm, dành khoảng 8.000ha tập trung cho phát triển lúa cao sản chất lượng cao; tiểu vùng chuyên canh 2 vụ lúa/năm là khoảng 9.000ha, tập trung phát triển lúa thơm (ST24, ST25, RVT…), trong đó có khoảng 4.500ha lúa đặc sản Tài nguyên (đang định hướng xây dựng chỉ dẫn địa lý gắn với phát triển vùng nguyên liệu để nâng cao giá trị).

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư, hỗ trợ cho phát triển kinh tế tập thể, trọng tâm là hợp tác xã sản xuất lúa và xem đây là giải pháp quan trọng, cấp bách và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo được sự chuyển biến nhanh, hiệu quả cả trong sản xuất và tư duy của người dân về liên kết sản xuất, liên kết tiêu thụ. Bởi, chỉ có liên kết tốt mới có thể giảm được giá thành sản xuất, giảm được rủi ro từ biến đổi khí hậu và nhanh chóng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến và cơ giới hóa mạnh mẽ vào sản xuất lúa.

Một giải pháp quan trọng và mang tính đột phá chính là đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển các mô hình liên kết chuỗi sản xuất, đặc biệt là mời gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo xuất khẩu. Qua đó, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm với giá cao và xuất khẩu gạo trực tiếp ra các thị trường trong, ngoài nước. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá xây dựng thương hiệu “gạo Tài nguyên Công tử Bạc Liêu”, với mục tiêu trở thành sản phẩm tiêu biểu cho hạt gạo của Bạc Liêu mang về nhiều giá trị gia tăng và góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Với những giải pháp đồng bộ, liên tục, có lộ trình đầu tư rõ ràng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự quyết tâm của hơn 15.000 hộ dân sản xuất lúa trong toàn huyện, tin rằng Vĩnh Lợi sẽ phát huy được lợi thế và biến trở ngại thành cơ hội phát triển thế mạnh từ cây lúa, nhất là lúa Tài nguyên trên địa bàn huyện…

------------------------------------------------

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải - Nguyễn Trọng Hán:​ Đẩy mạnh công tác mời gọi đầu tư cho phát triển con tôm

Để phát huy thế mạnh trong NTTS theo Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của UBND tỉnh vừa ban hành gắn với thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, huyện Đông Hải đã ban hành các nghị quyết chuyên đề cho phát triển con tôm và đến nay diện tích NTTS đạt trên 39.510ha (trong đó có 4.072ha nuôi thâm canh, bán thâm canh và trên 907ha nuôi siêu thâm canh). Đây là điều kiện thuận lợi cho huyện phát triển mạnh về ngành tôm trong thời gian tới. Đặc biệt là mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đang phát triển mạnh, đạt sản lượng cao, tỷ lệ nuôi thành công trên 90%, năng suất từ 22 - 25 tấn/ha, mang lại lợi nhuận khá cho người nuôi, góp phần tăng sản lượng tôm của huyện. Sản phẩm được liên kết theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn ASC, GlobalGAP, Organic…

Đến nay, huyện đã thành lập 3 HTX nuôi tôm công nghệ cao, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đồng thời, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả Chỉ thị 06 của Huyện ủy, nhất là quy hoạch các vùng nuôi tôm tập trung để xử lý môi trường một cách triệt để. Ứng dụng công nghệ mới trong quá trình nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm thiểu chi phí sản xuất. Tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cho người dân, khuyến cáo thực hiện quy trình nuôi tôm khai báo: cấp mã số vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc thủy sản..., giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững, tiến tới kết nối tiêu thụ sản phẩm tôm sạch cho thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân…

Nhằm tạo điều kiện cho con tôm phát triển, huyện Đông Hải sẽ đẩy mạnh công tác mời gọi đầu tư cho phát triển con tôm gắn với tranh thủ các nguồn vốn lồng ghép, hỗ trợ khác để triển khai nạo vét các tuyến kênh cấp II do tỉnh quản lý và các tuyến kênh cấp III, cấp III vượt cấp đã bị bồi lắng trên địa bàn huyện.

Cùng với đó là đề xuất các sở, ngành tỉnh tạo điều kiện ưu tiên sớm phân bổ nguồn vốn để huyện tổ chức thi công nạo vét tuyến kênh bức xúc theo danh mục đã đề nghị nạo vét hằng năm. Tăng cường công tác phối hợp với hệ thống tín dụng trên địa bàn, tổ chức các buổi đối thoại với nông dân nuôi tôm siêu thâm canh ở một số xã chủ lực, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để đầu tư sản xuất với lãi suất ưu đãi…

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.