Tiêu điểm
Thực hiện Nghị quyết 20: Các hợp tác xã nông nghiệp được “thay máu”
Bộ NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị định hướng phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (tại tỉnh Hậu Giang) gắn với thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới. Hội nghị nhằm làm sâu sắc thêm nhiều vấn đề trong phát triển KTTT với nòng cốt là các HTX nông nghiệp vốn được xem là giải pháp quan trọng trong hội nhập và nâng cao sức cạnh tranh trên sân chơi của kinh tế toàn cầu.
Liên minh HTX tỉnh quảng bá sản phẩm OCOP của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
NÂNG CAO NĂNG LỰC VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG HTX
So với các địa phương khác, Bạc Liêu giàu tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp và trở thành trụ cột chính của nền kinh tế. Xác định nhiệm vụ xây dựng, phát triển các HTX nông nghiệp là giải pháp căn cơ và quan trọng hàng đầu trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, kết hợp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và hướng đến sản xuất bền vững, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực, chủ động hỗ trợ các HTX nông nghiệp đổi mới, hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012. Đến nay, toàn tỉnh có 188 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp (trong đó, hoạt động trong sản xuất nông nghiệp là 117 HTX, thủy sản 68 HTX và diêm nghiệp 3 HTX), chiếm hơn 83,9% so với tổng số HTX. Các HTX nông nghiệp đã thu hút trên 11.140 thành viên, vốn điều lệ trên 114 tỷ đồng và tạo việc làm cho hơn 1.860 lao động.
Hiện các HTX nông nghiệp đang thực hiện cung ứng từ 2 - 13 dịch vụ (giống, vật tư nông nghiệp, tưới tiêu, làm đất, phun thuốc, bón phân, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm…) phục vụ cho hoạt động kinh tế, sản xuất của thành viên. Nhiều HTX đã tạo ra những sản phẩm chủ lực, với 2 mặt hàng thế mạnh là con tôm và lúa gạo. Trong đó, có 6 HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, với 9 sản phẩm gồm: gạo Một bụi đỏ, tôm khô, tôm chà bông, bánh phồng tôm; rau cần nước, bắp nếp, tôm sú ép gia vị, tôm thẻ ép gia vị, khô tôm sú ép. Riêng HTX có sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, đến nay có 8 HTX và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản.
So với những năm trước đây, các HTX nông nghiệp ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí trong hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất hiệu quả và trở thành mắt xích quan trọng trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Cũng như trở thành “cầu nối” trong thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đồng thời, đưa các sản phẩm, dịch vụ đầu vào với chất lượng, giá cả hợp lý từ các công ty, doanh nghiệp đến với thành viên và các hộ nông dân trong khu vực HTX gắn với đảm nhiệm việc tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm hàng hóa đầu ra do các thành viên sản xuất. Đặc biệt là đứng ra tổ chức thực hiện bao tiêu, thu gom, sơ chế, chế biến để cung ứng cho các công ty, doanh nghiệp thông qua liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Có thể khẳng định, xây dựng và phát triển các HTX nông nghiệp có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Các HTX nông nghiệp là nhân tố tích cực trong tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn (cả về sản xuất và các dịch vụ phục vụ sản xuất nông - ngư nghiệp) theo hướng gia tăng nội sinh gắn với tăng cường kết nối để tiến tới phát triển ổn định và bền vững. Thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các HTX nông nghiệp đã tạo điều kiện cho thành viên, các hộ nông dân liên kết, hợp tác, tương trợ nhau trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, tạo việc làm ổn định trong khu vực nông thôn; tạo được lợi ích kép, vừa giúp thành viên giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, tiêu thụ thuận lợi và ổn định, vừa góp phần tạo sự thay đổi tích cực diện mạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh trật tự, gắn kết cộng đồng tại địa phương…
HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Cường thu hoạch lúa cho nông dân thông qua chuỗi liên kết sản xuất ở huyện Hòa Bình.
NHIỀU HTX ĐIỂN HÌNH
Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều HTX nông nghiệp có quy mô lớn và có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đơn cử, trong lĩnh vực sản xuất và bao tiêu lúa gạo có HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Cường (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình). HTX này có 485 thành viên, vốn điều lệ trên 5 tỷ đồng, vốn hoạt động trên 17 tỷ đồng và HTX đã tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Các hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ chính của HTX là cung ứng vật tư, dịch vụ nông nghiệp, tiêu thụ lúa hàng hóa của thành viên và hộ nông dân trong, ngoài tỉnh. Trong đó, diện tích do HTX tổ chức đầu mối liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa từ 3.000 - 4.000ha ở trong tỉnh và gần 1.000ha ở ngoài tỉnh. Ngoài ra, HTX còn tổ chức các dịch vụ phục vụ thành viên và các hộ nông dân trong sản xuất nông nghiệp như: dịch vụ gặt đập liên hợp, cày, xới, phun thuốc với giá ưu đãi (thấp hơn giá thuê bên ngoài từ 150.000 - 200.000 đồng/ha).
Hay trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có HTX Nuôi tôm công nghệ cao Thành Đạt (xã Long Điền, huyện Đông Hải). HTX có 30 thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng, vốn hoạt động 500 triệu đồng. Các hoạt động chính của HTX là sản xuất - kinh doanh, dịch vụ cho thành viên và các hộ dân trong khu vực HTX sản xuất nuôi tôm công nghệ cao theo tiêu chuẩn ASC, gắn với thực hiện ký kết liên kết, hợp tác với công ty, doanh nghiệp trên lĩnh vực cung ứng đầu vào chất lượng cho sản xuất và bao tiêu sản phẩm tôm thương phẩm đầu ra. Sản lượng tôm thương phẩm được liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng năm trên 1.000 tấn với lợi nhuận mang lại tăng thêm cho thành viên và các hộ nuôi tôm so với bên ngoài từ 1 - 2 triệu đồng/tấn. Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư các trang thiết bị, cơ sở để sản xuất, chế biến các sản phẩm từ tôm mang nhãn hiệu của HTX. Đến nay, HTX có 3 sản phẩm gồm chà bông tôm, tôm khô và bánh phồng tôm được đánh giá và công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Trong lĩnh vực nuôi nghêu, sò ven biển có HTX Đồng Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình). HTX có 533 thành viên, vốn điều lệ hơn 2,3 tỷ đồng, vốn hoạt động 26 tỷ đồng, với diện tích sản xuất hơn 900ha đất bãi bồi ven biển. Ưu điểm của HTX này là đã tạo việc làm cho trên 530 thành viên là các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương thông qua việc nuôi nghêu, sò ven biển, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh trật tự nông thôn ven biển. Hiện nay, HTX Đồng Tiến còn đầu tư phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, tạo việc làm ổn định cho thành viên và các hộ dân trong khu vực…
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, các HTX nông nghiệp điển hình và mang tính “đầu đàn” như thế trên địa bàn tỉnh không nhiều. Phần lớn các HTX hoạt động rất yếu kém và chưa tạo nên những đột phá mới, nhất là thiếu những mô hình quản trị và chưa vạch ra được những kế hoạch, chiến lược nhằm “thay máu” cho các HTX nông nghiệp vốn phát triển còn theo phong trào và hình thức.
KIM TRUNG
Các thành viên HTX Diêm Điền (huyện Đông Hải) được giải quyết việc làm từ mô hình muối trải bạt. Ảnh: K.T
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh - Nguyễn Văn Vũ: Công tác tuyên truyền về KTTT và phát triển HTX phải được tiến hành thường xuyên, liên tục
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 20 và phát huy vai trò, tầm quan trọng của các HTX nông nghiệp trong phát triển kinh tế của địa phương, Liên minh HTX tỉnh sẽ phát triển đa dạng các loại hình HTX nông nghiệp gắn sản xuất - kinh doanh, dịch vụ và khuyến khích các hình thức hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các HTX.
Theo đó, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT, HTX, nhất là Nghị quyết 20. Từ đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất cả về nhận thức và hành động trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KTTT, HTX. Qua đó, giúp các ngành, địa phương và các HTX nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, xóa bỏ những định kiến về HTX theo mô hình “HTX kiểu cũ” và hiểu đúng về bản chất, giá trị của “HTX kiểu mới”. Giúp cho cán bộ (những người giữ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho HTX phát triển) và Nhân dân (những người có nhu cầu và cần được HTX hỗ trợ) biết rõ về vị trí, vai trò thực tại của mình, đi đến hành động thiết thực, góp phần phát triển HTX.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, công tác tuyên truyền về KTTT và phát triển HTX phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi và được thực hiện bằng nhiều phương pháp linh hoạt để đổi mới nhận thức. Gắn tuyên truyền các chủ trương với tư vấn, vận động thành lập mới các tổ chức KTTT, HTX để đạt được những kết quả cụ thể trong phát triển KTTT, HTX.
Cùng với đó là tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án để lồng ghép thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển HTX. Ưu tiên các HTX xây dựng mô hình điểm trên các lĩnh vực, nhất là sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất sản phẩm an toàn và sản xuất theo chuỗi giá trị. Huy động nguồn vốn nội lực của HTX để cùng thực hiện các chương trình hỗ trợ qua phương thức các HTX phải đóng góp một phần kinh phí để thực hiện các hoạt động hỗ trợ, để phát huy nội lực, khơi dậy các tiềm năng, khuyến khích và thu hút sự tham gia của các HTX. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của các HTX trong phát triển tổ chức mình.
Đặc biệt, xác định nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, là nền tảng quyết định đến hiệu quả tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ hay sự tồn tại và phát triển của HTX, Liên minh HTX tỉnh sẽ đổi mới công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX theo hướng từ thực tiễn, chú trọng phổ biến kinh nghiệm từ các mô hình HTX hoạt động hiệu quả để bồi dưỡng. Thực hiện khảo sát nhu cầu, nguyện vọng để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng phù hợp với tình hình thực tế, khả năng tiếp thu, học tập của cán bộ quản lý các HTX trên địa bàn tỉnh…
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Đặng Minh Pháp: Chỉ có 27,8% số HTX nông nghiệp hoạt động khá trở lên
Xây dựng và phát triển HTX nông nghiệp trong thời gian qua tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Sự phát triển về liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp có tăng nhưng ở mức thấp, các tổ chức, doanh nghiệp chưa mạnh dạn gắn kết với HTX. Một số HTX nông nghiệp sau khi thành lập chỉ hoạt động cầm chừng, hoạt động kém hiệu quả. Qua đánh giá hoạt động của HTX nông nghiệp năm 2022 theo quy định thì chỉ có 27,8% số HTX nông nghiệp hoạt động khá trở lên.
Nhằm thực hiện tốt công tác hỗ trợ phát triển KTTT và HTX nông nghiệp trong thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu có 3 kiến nghị đến Bộ NN&PTNT như sau:
Thứ nhất, sớm tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh, bổ sung (hoặc ban hành mới) Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị theo hướng cắt giảm các điều kiện thực hiện dự án, kế hoạch liên kết.
Thứ hai là theo Quyết định 1804 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ “đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm” quy định mức hỗ trợ “ngân sách hỗ trợ tối đa 100%”. Kiến nghị Bộ tham mưu quy định ngân sách Trung ương bao nhiêu phần trăm để địa phương có căn cứ thực hiện và phù hợp với Thông tư 53 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ có cơ chế đặc thù chính sách về hỗ trợ kết cấu hạ tầng cho HTX. Vì khó khăn nhất của các HTX hiện nay chính là hạ tầng sản xuất, trụ sở HTX, nhà xưởng, kho bãi phục vụ sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, để thực hiện công tác hỗ trợ này sẽ vướng rất nhiều thủ tục quy định bởi các luật khác (Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công…) nên việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ ba là tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bố trí, phân bổ nguồn vốn riêng để hỗ trợ thực hiện các kế hoạch, đề án phát triển KTTT, HTX (như: Quyết định 1804/QĐ-TTg, Quyết định 167/QĐ-TTg). Vì hiện nay, các chính sách hỗ trợ HTX đều hướng dẫn sử dụng từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới, trong khi nguồn vốn này hàng năm Trung ương cấp về địa phương còn hạn chế và phải chi cho rất nhiều nội dung, do đó, chi ngân sách Trung ương hỗ trợ cho lĩnh vực HTX thời gian qua là rất hạn chế...
L.D (thực hiện)
- Đảng ủy quân sự tỉnh Bạc Liêu: Ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và công tác xây dựng Đảng năm 2025
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con