Tiêu điểm
Thực hiện Nghị quyết 66 của Chính phủ: Phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân
Thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 66 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW. Trong đó, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trên tinh thần đồng hành, chia sẻ và lấy doanh nghiệp (DN), doanh nhân làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nhân đầu tư kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
UBND tỉnh tổ chức lắng nghe và lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp trong công tác điều hành phát triển kinh tế.
DOANH NGHIỆP PHẤN KHỞI
Tháng 10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó, đánh giá sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và xã hội được nâng cao. Việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển DN và đội ngũ doanh nhân được đẩy mạnh; môi trường sản xuất - kinh doanh (SX-KD) được cải thiện, ngày càng bình đẳng, thuận lợi. Đồng thời, vai trò của doanh nhân và tổ chức đại diện cho đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN được củng cố, phát huy…
Tuy nhiên, sự phát triển đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Phần lớn DN có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế; số DN quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 còn yếu…
Để giải quyết những khó khăn và hạn chế này, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong Nghị quyết 66 là hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nhân, DN phát triển, cống hiến. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp năm 2020, nhằm khắc phục các bất cập, vướng mắc hiện nay. Cùng với đó, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhằm khuyến khích đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và Nghị định 94/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và trình Chính phủ trong năm 2024. Đôn đốc, theo dõi tình hình thực hiện Quyết định 687 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Hoàn thiện Nghị định về cơ chế thử nghiệm các mô hình kinh tế tuần hoàn và trình Chính phủ trong năm 2024. Đánh giá việc thực hiện Quyết định 999 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp, nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN hoạt động kinh tế chia sẻ và truyền thống, tạo điều kiện và hỗ trợ các DN truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh và các DN công nghệ trong nước phát triển...
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với các loại hình DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, DN hoạt động tại các địa bàn biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và phù hợp với các phương thức SX-KD mới…
Những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản trên đã được cộng đồng DN, doanh nhân đón nhận rất phấn khởi và đặt nhiều kỳ vọng vào Nghị quyết 66 sẽ tạo nên những đột phá. Qua đó, không ngừng xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam; đồng thời giải quyết có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất lâu nay.
Ngành Ngân hàng tăng cường đầu tư cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh. Ảnh: K.T
CÔNG KHAI, MINH BẠCH VÀ TRÁCH NHIỆM
Một trong những chỉ đạo quan trọng được Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong Nghị quyết 66 là khẩn trương hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các quy hoạch của tỉnh. Công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để các doanh nhân, DN chủ động lập kế hoạch SX-KD và đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho DN. Cũng như, rà soát, đề xuất bãi bỏ những thủ tục hành chính chồng chéo, các quy định liên quan đến hoạt động SX-KD làm phát sinh các loại chi phí cho DN. Tiếp tục rà soát, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nhân, DN trên địa bàn. Tăng cường thu hút mọi nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn lực từ khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; có chính sách thúc đẩy và hỗ trợ DN khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn. Rà soát, xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên và chủ động thu hút, tiếp nhận các dự án đầu tư thật sự hiệu quả, hướng tới công nghệ tiên tiến, tiết giảm năng lượng, thân thiện với môi trường, giám sát chặt chẽ trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy, công trình kiến trúc để góp phần tạo ra nền kinh tế xanh. Tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi các doanh nhân, DN trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, kế hoạch hỗ trợ phát triển DN phù hợp với trình độ, nhu cầu hỗ trợ của DN và năng lực thực thi chính sách ở địa phương.
Với phương châm “Luôn đồng hành và chia khó cùng DN”, thời gian qua Bạc Liêu đã tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ DN và tạo môi trường đầu tư kinh doanh rất thuận lợi cho DN phát triển. Điển hình trong đơn giản hóa thủ tục hành chính về cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký DN rút ngắn xuống còn 1 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Hay trong cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thời gian cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần lượt là 3 ngày làm việc và 1 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ (giảm 12 ngày làm việc và 9 ngày làm việc so với Luật Đầu tư năm 2020). Công khai đường dây nóng hỏi đáp về những thắc mắc, hỗ trợ DN, nhà đầu tư tại cơ quan, đơn vị, Cổng thông tin điện tử của sở, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và thực hiện có hiệu quả việc tổ chức đối thoại trực tiếp định kỳ giữa lãnh đạo với DN, nhà đầu tư để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển…
Xác định xây dựng và phát triển DN, doanh nhân là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và tham gia giải quyết tốt các vấn đề an sinh, Bạc Liêu sẽ thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết 66 của Chính phủ đề ra.
KIM TRUNG
- Giải bóng đá vô địch sân 7 các Câu lạc bộ miền Tây mở rộng năm 2025: Thành công tốt đẹp
- Đoàn công tác của tỉnh thăm, chúc tết các đơn vị Biên phòng
- Đoàn đại biểu tỉnh Preah Sihanouk (Vương quốc Campuchia) thăm và chúc Tết tỉnh Bạc Liêu
- Đoàn cán bộ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và huyện Hòa Bình: Thăm, chúc Tết Khu căn cứ Đôn Bơ - Cựa Gà
- Tập trung quyết liệt chống khai thác IUU và gỡ thẻ vàng EC