Tiêu điểm
Thực hiện tái cơ cấu và tăng cường đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động tiêu cực đến phát triển sản xuất và đời sống, thu nhập của nhiều hộ dân. Với một tỉnh thuần nông như Bạc Liêu, tác động của BĐKH đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển bền vững, do đó đòi hỏi cần có ngay các giải pháp để chung tay ứng phó.
Nông dân huyện Vĩnh Lợi bơm nước chống ngập do mưa lớn và triều cường dâng cao.
Tác động tiêu cực
Trong 10 năm trở lại đây, ảnh hưởng của BĐKH trên địa bàn tỉnh càng diễn biến rõ nét. Với hơn 20 cơn bão lớn, hàng trăm cơn lốc xoáy và hàng chục đợt triều cường dâng cao, xâm nhập mặn ngày càng ăn sâu vào nội đồng…, đã gây thiệt hại nặng nề với trên 680 tỷ đồng. Riêng năm 2016, do tác động của hiện tượng El Nino đã làm thiệt hại 21.084ha nuôi trồng thủy sản, tổng giá trị thiệt hại 365,8 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 11.113 hộ; có khoảng 5.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt và tỉnh phải chi hơn 30 tỷ đồng để hỗ trợ khắc phục...
Đó là chưa tính đến sự thay đổi về thời tiết cũng làm phát sinh dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi, khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh phá sản, nợ nần do vụ mùa thất bát. Cụ thể trong 10 năm qua, Bạc Liêu phải thực hiện hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất do thiên tai, dịch bệnh với tổng kinh phí trên 101,3 tỷ đồng như: hỗ trợ sản xuất muối bị thiệt hại do mưa trái mùa, hỗ trợ hóa chất, vắc-xin để xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, tiêu độc, sát trùng môi trường chăn nuôi, tiêm phòng bệnh ở gia súc, gia cầm…
Từ những con số cụ thể trên cho thấy, BĐKH đã tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển sản xuất và đời sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân. Do vậy, việc không ngừng nâng cao nhận thức cho cả cộng đồng về bảo vệ môi trường sẽ là giải pháp cần được ưu tiên. Đó là tăng cường các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện địa phương; tranh thủ sự hỗ trợ tài chính và công nghệ của các nước, các tổ chức quốc tế, của Chính phủ và các doanh nghiệp trong nước thông qua các chương trình, dự án tài trợ. Đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng tái tạo như: năng lượng điện gió, năng lượng mặt trời, trồng rừng phòng hộ ven biển, cửa sông… một cách hiệu quả. Tiếp tục thu hút đầu tư các dự án điện gió khu vực ven biển của tỉnh - đây là một trong những giải pháp mà tỉnh đã và đang tập trung thực hiện. Đồng thời, phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong việc xây dựng dự án gắn với bảo vệ, tái tạo và thực hiện tăng trưởng xanh, tạo thêm sức sống cho môi trường, mà việc quy định doanh nghiệp điện gió phải trồng rừng là một điển hình.
Bên cạnh đó, để chủ động ứng phó và tạo ra khả năng thích nghi, tỉnh cũng đang tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng “biến thách thức, rủi ro thành cơ hội và lợi thế”. Trong đó, phát triển mạnh nghề nuôi trồng và xây dựng mô hình thích ứng (như mô hình sản xuất lúa - tôm).
Lúa lép hạt - nông dân huyện Hồng Dân thất mùa do ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Ảnh: L.D
Tăng cường nguồn lực
Để chủ động ứng phó và “sống chung” với BĐKH, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) đã ban hành Nghị quyết 04/NQ-TU về tăng cường ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai (PCTT) đến năm 2020. Theo đó, tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực đầu tư cho ứng phó với BĐKH, PCTT như: kết hợp tăng chi từ ngân sách; đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nguồn vốn ưu đãi cho ứng phó với BĐKH, PCTT; bố trí ngân sách phù hợp cho công tác điều tra cơ bản, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các dự án giảm phát thải khí nhà kính… Đồng thời, tranh thủ vốn từ chương trình mục tiêu của Trung ương về BĐKH để có thêm nguồn lực thực hiện Nghị quyết. Thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động ứng phó với BĐKH, PCTT; hỗ trợ người dân trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng ngập mặn ven biển. Tăng cường liên kết, phối hợp liên ngành, liên tỉnh, liên vùng trong việc lồng ghép các nhiệm vụ về BĐKH vào trong quy hoạch, xây dựng chương trình, dự án của tỉnh phù hợp với phát triển của vùng. Thực hiện trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, BĐKH; học tập kinh nghiệm các địa phương khác về ứng phó với BĐKH, PCTT và trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh lân cận và trong khu vực, các tổ chức và các diễn đàn quốc gia, quốc tế để bảo vệ các nguồn nước liên vùng, liên tỉnh, tiếp cận công nghệ mới và huy động nguồn lực cho giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, PCTT; chủ động hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về khí tượng thủy văn và BĐKH…
Bên cạnh đó, chú trọng nghiên cứu ứng dụng khoa học về ứng phó với BĐKH; tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ mới, tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá, ứng phó với BĐKH, PCTT. Vận động doanh nghiệp trên địa bàn từng bước đổi mới công nghệ sản xuất; phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, ít chất thải và các-bon thấp nhằm nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH, PCTT. Xây dựng và thực hiện chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm cấp tỉnh phục vụ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về ứng phó với BĐKH, PCTT; trong đó, chú trọng đến các giải pháp phi công trình...
Đặc biệt, tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, PCTT; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư, hỗ trợ công tác PCTT, ứng phó với BĐKH; tập trung đầu mối, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc phục triệt để tình trạng phân tán, chồng chéo trong quản lý nhà nước ứng phó với BĐKH; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên tỉnh, liên vùng; cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa; cơ chế để nhân dân giám sát việc thực hiện công tác ứng phó với BĐKH, PCTT có hiệu quả. Tăng cường hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn đảm bảo quan trắc đầy đủ và chính xác các yếu tố khí hậu…
Tú Anh
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh