Tiêu điểm
Thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất: Tích hợp để đảm bảo tính bền vững
Đối với sản xuất nông nghiệp, hạ tầng thủy lợi (HTTL) đóng vai trò rất quan trọng cho phát triển bền vững. Điều này thật sự trở thành vấn đề mang tính sống còn đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong điều kiện Bạc Liêu là một trong những tỉnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng.
Bản đồ hiện trạng công trình thủy lợi vùng Dự án Nam Quốc lộ 1A, tỉnh Bạc Liêu.
THỪA MẶN, THIẾU NGỌT
Xác định vai trò, tầm quan trọng của HTTL, trong những năm qua, Bạc Liêu đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cho lĩnh vực này. Đơn cử, chỉ tính riêng việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất lúa - tôm ở xã Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân) đã cần đến hơn 110 tỷ đồng vốn đầu tư. Hay Dự án nạo vét kênh trục huyện Hòa Bình để khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng Bắc Quốc lộ (QL) 1A cũng cần đến 200 tỷ đồng…
Với việc tăng cường nguồn lực như trên, đến nay Bạc Liêu đã hình thành nên HTTL cơ bản phục vụ cấp và tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (NTTS). Hiện Bạc Liêu có hơn 4.400 tuyến kênh với tổng chiều dài hơn 9.760km phủ khắp 3 tiểu vùng sản xuất; trên 190 cống, bọng phục vụ tưới tiêu; gần 50 trạm bơm điện và khoảng 270 ô thủy lợi khép kín. Với HTTL ấy, bước đầu đã giúp ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện khá tốt công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp…
Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể thì HTLT của tỉnh vẫn chưa đảm đương nổi vai trò của mình trong tình hình mới và còn “cõng” trên lưng quá nhiều nhiệm vụ trong điều kiện kênh mương ở nhiều nơi bị xuống cấp nghiêm trọng. Điều đáng nói, một số vùng sản xuất trọng điểm thiếu và chưa có những dự án thủy lợi động lực, mang tính điều phối và chưa tham gia ứng phó tốt với BĐKH. Đó còn là tình trạng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên vốn trở thành vấn đề bức xúc trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Cụ thể, đối với tiểu vùng sinh thái mặn phía Nam QL1A, bài toán thủy lợi cho “con tôm sống khỏe” vẫn đặt ra nhiều thách thức trong phát triển bền vững cũng như khó thực hiện mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước.
Xây dựng công trình thủy lợi cấp nước cho nuôi trồng thủy sản ở vùng sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A.
Ở vùng nuôi tôm trọng điểm này, nguồn nước mặn được cung cấp chủ yếu từ biển Đông. Trong khi đó, cả vùng này ngoài công trình đê biển Đông, kênh và cống qua đê thì chưa có công trình điều tiết hoặc kiểm soát mặn nên độ mặn vào mùa khô tăng rất cao và dẫn đến tình trạng “thừa mặn”. Qua khảo sát từ các tuyến kênh cấp nước và trực tiếp tại các đồng tôm của nông dân cho thấy, độ mặn hằng năm thường trên 30‰ vào tháng 3 - 4 và trên 35‰ vào tháng 5 - 6. Với độ mặn này dẫn đến việc tôm nuôi chậm lớn, kéo theo thời gian nuôi dài gây tốn chi phí, nhất là vi khuẩn Pa-ra-he-mô-ly-cút phát triển rất nhanh (do nhiệt độ và độ mặn cao). Để giải quyết khó khăn này, chỉ có giải pháp duy nhất là sử dụng nước ngọt để hạ hay dung hòa độ mặn, nhằm đảm bảo cho con tôm sống được trong điều kiện “mặn chát”. Do đó, nông dân phải khoan giếng để hút nước ngầm làm cho tình trạng mực nước ngầm xuống thấp dẫn đến sụt lún đất bình quân từ 1 - 2cm/năm. Hệ quả là, mỗi khi triều cường lên cao, diện tích ngập úng ngày một lớn hơn và lâu ngày khả năng sẽ tạo ra sa mạc hóa khu vực nuôi tôm phía Nam QL1A của tỉnh. Đó là chưa nói đến những năm mùa khô kéo dài thì vùng sản xuất này còn phải đối mặt với tình trạng “thiếu ngọt” và nông dân cũng không thể kiếm đâu ra nước ngọt để “giải cứu” cho con tôm.
Chưa dừng lại ở đó, vùng sản xuất phía Nam QL1A còn thường xuyên chịu tác động bất lợi từ biển như: ngập do triều cường, xói lở bờ sông, bờ biển... gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất và đời sống của người dân. Nhất là các mô hình nuôi tôm ven biển, chỉ cần sau một đợt triều cường bất ngờ và kéo dài thì tôm nuôi theo con nước thoát hết ra ngoài và nông dân lại “trắng tay”.
Trên thực tế, trừ hệ thống các kênh nội đồng thì toàn bộ hệ thống kênh đều thông với nhau và thông với nguồn cấp là biển Đông. Trong khi đó, các kênh không có cống điều tiết nước với chức năng cấp - thoát kết hợp, không hoàn chỉnh và không đồng bộ nên việc kiểm soát nguồn nước luôn gặp nhiều khó khăn.
Nông dân huyện Vĩnh Lợi bơm nước vào cứu lúa do ảnh hưởng xâm nhập mặn.
CẦN CẢ “TÍCH HỢP”
Nếu như vùng sản xuất phía Nam QL1A phải đương đầu với “thừa mặn, thiếu ngọt”, thì ở tiểu vùng sinh thái lợ phía Bắc QL1A luôn phải đối đầu với tình trạng “khát mặn” để nuôi tôm.
Thực tế cho thấy, nguồn nước mặn phục vụ nuôi tôm ở vùng sinh thái này chủ yếu lấy từ 3 hướng: triều biển Đông qua 21 cống ngăn mặn dọc QL1A; từ tỉnh Cà Mau qua các cống Tắc Vân, cống Cà Mau trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp và kênh Chắc Băng; triều biển Tây theo sông Cái Lớn từ hướng Kiên Giang chảy về.
Thế nhưng, việc điều tiết nước phục vụ cho con tôm và cả cây lúa ở vùng sản xuất này đã bộc lộ hàng loạt các hạn chế. Cụ thể như việc điều tiết nước mặn vào vùng này trong mùa khô để phục vụ nuôi tôm (mô hình lúa - tôm) đã đẩy nguồn nước ngọt sông Hậu ra khỏi phạm vi tỉnh Bạc Liêu. Từ đó, ảnh hưởng đến sản xuất lúa tăng vụ của tiểu vùng giữ ngọt ổn định của tỉnh và một phần tỉnh Sóc Trăng. Kéo theo đó là vùng ngọt đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mặn hóa, kể cả phần đất tỉnh Sóc Trăng.
Đặc biệt, 21 cống ngăn mặn nằm dọc tuyến QL1A chưa đủ khả năng kiểm soát tốt và điều tiết mặn, do đều bị xuống cấp, hư hỏng cục bộ. Mặt khác, trước đây các cống được xây dựng để ngăn mặn - giữ ngọt, tiêu úng cho vùng ngọt hóa, nhưng từ năm 2001 một phần diện tích trong vùng chuyển sang nuôi tôm thì nhiều cống phải làm thêm nhiệm vụ là cấp nước mặn. Song, do hệ thống đóng mở tự động nên không có khả năng điều tiết kiểm soát mặn theo mong muốn.
Cùng với đó, khu vực điều tiết nước còn hở phía các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng nên gây khó khăn cho công tác điều tiết và kiểm soát nước mặn phục vụ nuôi tôm. Khi các cống tỉnh Cà Mau vận hành từ giữa tháng 1 hằng năm giống như các cống Láng Trâm, Hộ Phòng và Giá Rai để khống chế mặn không vượt qua ranh tỉnh Sóc Trăng, thì mặn chỉ có thể vào sâu trong các kênh Cộng Hòa, Vĩnh Lộc từ 6 - 8km. Thậm chí, đến tháng 1 - 2 mặn vẫn chưa vượt qua được 8km, do đó từ kênh 8000 trở lên thiếu nước mặn nuôi tôm. Thường từ tháng 3, khi nguồn nước ngọt cạn kiệt và xuống thấp thì mặn theo triều biển Tây xâm nhập vào Bạc Liêu, lúc này ở vùng chuyển đổi của huyện Hồng Dân mới có nước mặn để nuôi tôm. Việc mặn đến trễ và thiếu mặn để nuôi tôm đã làm đảo lộn lịch thời vụ và gây ra hàng loạt khó khăn cho công tác điều tiết nước trước bài toán nếu cấp đủ mặn cho con tôm thì làm chết cây lúa và ngược lại.
Xây dựng các công trình thủy lợi cần tính đến nhu cầu giao thông của người dân vùng nông thôn.
Với quan điểm “thuận thiên” chủ động thích ứng với BĐKH, Bạc Liêu đã xây dựng HTTL theo hướng này. Tuy nhiên, thiết nghĩ tỉnh cũng cần nghiên cứu xây dựng theo hướng “tích hợp” và đa mục tiêu. Chỉ tiêu từ nay đến năm 2030, Bạc Liêu sẽ tiếp tục triển khai xây dựng nhiều công trình thủy lợi phục vụ cho phát triển sản xuất nên việc xây dựng HTTL theo hướng “tích hợp” là rất cần thiết. Các công trình thủy lợi này không chỉ đảm nhiệm chức năng cấp, thoát nước mà phải làm luôn chức năng trong giao thông thủy, ứng phó với BĐKH, thậm chí cả các yếu tố về quốc phòng - an ninh và phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái.
KIM TRUNG
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Ngô Nguyên Phong: Sẽ điều tiết nguồn nước ngọt về vùng Nam QL1A phục vụ cho NTTS vào mùa khô
Để giải quyết các khó khăn về HTTL phục vụ cho sản xuất, Bộ NN&PTNT đã cho triển khai Dự án “Hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ NTTS vùng phía Nam QL1A”, với tổng vốn đầu tư 1.451.210 tỷ đồng và dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào năm 2024.
Mục tiêu của dự án này là xây dựng hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước ngọt cho một số vùng NTTS phía Nam QL1A. Đồng thời, bảo vệ cơ sở hạ tầng (giảm ngập do triều cường, sụt lún đất và nước biển dâng) cho một số khu vực phía Nam QL1A tỉnh. Dự án cùng với các công trình hiện có của Bạc Liêu như: hệ thống phân ranh mặn - ngọt, các công trình đê biển Đông, cống Âu thuyền Ninh Quới và các công trình thủy lợi khác có nhiệm vụ điều tiết nguồn nước ngọt từ vùng Bắc QL1A về vùng Nam QL1A phục vụ NTTS vào mùa khô với khoảng 13.000ha thuộc địa bàn TP. Bạc Liêu và huyện Hòa Bình và cho vùng chuyển đổi mô hình lúa - tôm ven kênh Cà Mau - Bạc Liêu với diện tích khoảng 5.000ha. Đặc biệt, sẽ tạo nguồn hỗ trợ cấp nước ngọt cho 43.000ha diện tích NTTS vùng Nam QL1A…
Riêng tiểu vùng sinh thái lợ phía Bắc QL1A, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục cải tiến công tác điều tiết nước mặn trong mùa khô theo hướng linh hoạt với diễn biến thời tiết, diễn biến nguồn nước và sản xuất của các tỉnh bạn trong tiểu vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp. Phối hợp công tác điều tiết nước đồng bộ với lịch vận hành hệ thống công trình Cái Lớn - Cái Bé và cống Âu thuyền Ninh Quới.
Song song đó, triển khai Dự án HTTL Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2. Trong đó, kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ tỉnh đầu tư 16 cống đầu các kênh trục nằm dọc theo phía Bắc trục kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp của tỉnh để tạo điều kiện phân vùng sản xuất và chủ động trong công tác điều tiết nước…
Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân - Nguyễn Văn Chiến: Tập trung quy hoạch hệ thống thủy lợi và quy hoạch sử dụng nước hợp lý
Đến nay, huyện Hồng Dân đã hình thành 2 vùng sản xuất gồm: Vùng ngọt chuyên canh lúa, sản xuất 2 vụ/năm, tập trung chủ yếu sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích trên 9.000ha; vùng chuyển đổi sản xuất theo mô hình tôm - lúa, với diện tích trên 24.000ha và cho sản lượng bình quân trên 151.000 tấn. Đặc biệt, mô hình tôm - lúa ở vùng chuyển đổi được xem là mô hình “thuận thiên” phát triển khá bền vững.
Phát huy lợi thế này, hằng năm diện tích canh tác trên 24.775ha theo mô hình 2 vụ tôm - 1 vụ lúa. Trong đó, con tôm sú được xem là loài thủy sản chủ lực. Đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững trong thời gian qua. Thu nhập trên 1ha là hơn 122 triệu đồng và lợi nhuận từ mô hình bình quân đạt gần 80 triệu đồng.
Thế nhưng, một trong những khó khăn và thách thức trong phát triển mô hình sản xuất lúa - tôm ở Hồng Dân chính là HTTL chưa đáp ứng nhu cầu, và việc nông dân “chờ mặn” để nuôi tôm thì gần như năm nào cũng xảy ra. Bởi nếu cấp mặn vào quá sâu thì sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng chuyên lúa.
Một khó khăn và bất cập nữa là việc vận hành hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé cần đánh giá tác động về nguồn nước và cả hiệu quả mang lại trong sản xuất. Vì hiện nay, một phần diện tích sản xuất của xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A với trên 8.000ha không có nước mặn về để phục vụ cho sản xuất tôm nuôi vụ 1, làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, thu nhập và đời sống của bà con.
Từ những khó khăn và thách thức nêu trên, huyện Hồng Dân kiến nghị ngành Nông nghiệp cần quy hoạch HTTL, quy hoạch sử dụng nước hợp lý trong khâu NTTS và phục vụ trồng lúa. Bên cạnh đó, cần tính tới kịch bản BĐKH để có giải pháp công trình bảo vệ và phục vụ sản xuất NTTS với hơn 8.000ha của 2 xã Vĩnh Lộc và Vĩnh Lộc A.
L.D (thực hiện)
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con
- Cao điểm “60 ngày đêm” giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp