Tiêu điểm

Tiến tới kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Bạc Liêu (1/1/1997 - 1/1/2017)

Thứ Tư, 02/11/2016 | 09:41

Bạc Liêu: Làm tốt công tác cán bộ

Kể từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng cơ sở để tạo nên một diện mạo mới cho Bạc Liêu thì việc xây dựng đào tạo nguồn nhân lực cũng được xem là giải pháp, đòn bẩy vực dậy tiềm năng thế mạnh và luôn được đặt ở vị trí hàng đầu.

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu khóa XV (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Ảnh: M.Đ

20 năm trước, khi Bạc Liêu được tái lập, gần như nguồn nhân lực con người cho công việc cụ thể ở một đơn vị, hay tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) đều thiếu và yếu. Trong bối cảnh khó khăn này, Tỉnh ủy Bạc Liêu phải thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ trọng tâm trong khâu tổ chức, cán bộ. Đó là sàng lọc đội ngũ cán bộ từ các TCCSĐ kinh qua kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo, điều hành tại cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng giữ vị trí cao hơn; đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, bố trí công việc vừa tầm để nâng chất. Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh đã có 23.700 đảng viên và 342 TCCSĐ lãnh đạo, điều hành tại các địa phương.

Không chỉ đội ngũ cán bộ được rèn luyện trưởng thành từ thực tiễn mà Bạc Liêu còn có một thế hệ kế thừa là con em nông dân, công nhân, gia đình chính sách, gia đình nghèo được trọng dụng, cất nhắc giữ vị trí cán bộ chủ chốt của tỉnh. Từ nguồn lực này, chỉ trong thời gian ngắn đã góp phần đưa Bạc Liêu từ một tỉnh nghèo về cơ sở vật chất vươn lên thành tỉnh trung bình khá so với các địa phương trong khu vực ĐBSCL. Đầu tiên là việc xóa đói giảm nghèo, từ một tỉnh có đến gần 22% hộ nghèo, đến năm 2015 giảm xuống 2,65% (theo tiêu chí cũ). Đây là một kỳ tích của Bạc Liêu đã được Trung ương ghi nhận như một nhân tố điển hình.

Để thực hiện tốt Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Kết luận số 24/KL-TW, ngày 5/6/2012 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, có thể nói công tác quy hoạch cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện rất chặt chẽ từ khâu rà soát phát hiện; đánh giá, nhận xét; tuyển chọn, giới thiệu lấy ý kiến. Đây là điểm nổi bật trong công tác quy hoạch cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành mà tỉnh đã thực hiện. Một điểm nhấn trong công tác quy hoạch cán bộ là kèm với chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực, sở trường của từng cán bộ để đưa vào nguồn quy hoạch; đồng thời mạnh dạn đưa ra khỏi quy hoạch những người không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Khi quy hoạch cán bộ, bên cạnh tiêu chuẩn về chất và lượng thì vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên tại các TCCSĐ còn được xem xét mức tín nhiệm của nhân dân, biểu thị bằng việc làm cụ thể trong quá trình chỉ đạo, điều hành lĩnh vực mà bản thân đảm trách. Theo đó, người đứng đầu TCCSĐ phải năng động, sáng tạo, nói phải đi đôi với làm, bằng hành động cụ thể trước sự giám sát của cán bộ, quần chúng nhân dân. Hàng tháng, cán bộ lãnh đạo các sở, ban ngành phải có mặt tại địa phương (nơi cán bộ được phân công) để tham gia với cấp ủy, chính quyền xử lý những vấn đề bức xúc của dân.

Đã 20 năm trôi qua, tuy công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh vẫn còn những khiếm khuyết nhất định, nhưng với tinh thần thẳng thắn nhìn vào hiện trạng TCCSĐ tại các địa phương, đơn vị, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã thực hiện được 2 vấn đề cực kỳ quan trọng: “Quy hoạch cán bộ” và “Sửa đổi lề lối làm việc”. Đồng thời ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác quy hoạch cán bộ; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp, đảm bảo tính công khai, dân chủ, khách quan, đúng chủ trương, quy định của Đảng.

Việt Sử

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.