Tiêu điểm
Tiến vào năm mới với khát vọng mới!
Một năm mới lại về trên quê hương Bạc Liêu và khát vọng phát triển không ngừng lại hun đúc thêm niềm tin để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm cuối nhiệm kỳ 2025 và hứa hẹn sẽ tạo nên những tiền đề, đột phá cho chặng đường tăng tốc.
Mô hình lúa chất lượng cao cần được nhân rộng.
NỖ LỰC KHÔNG NGỪNG
Năm 2024 khép lại, cũng là lúc Đảng bộ và Nhân dân Bạc Liêu tự hào về những thành tựu đã đạt được trên nhiều lĩnh vực. Song, cũng cần nhìn nhận lại những thách thức đã và đang phải đương đầu trong tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng để đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế cạnh tranh và quan tâm đầu tư vào những thế mạnh mang tính đặc thù.
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (giai đoạn 2019 - 2023) đạt 6,19%/năm; riêng năm 2024 cũng chỉ đạt 6,62%. Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể thì cơ cấu kinh tế luôn chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Trong đó: khu vực I (nông - lâm nghiệp và thủy sản) giảm từ 45,96% năm 2018 xuống 40,14% năm 2023; khu vực II (công nghiệp và xây dựng) tăng từ 16,43% năm 2018 lên 19,65% năm 2023; khu vực III (dịch vụ) tăng từ 32,52% năm 2018 lên 35,27% năm 2023. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng từ 18.049 tỷ đồng năm 2018 lên 31.847 tỷ đồng năm 2023, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2023 là 12,03%/năm. Trong điều kiện quy mô nền kinh tế không lớn, vốn đầu tư cho phát triển không nhiều, kết quả này đã phản ánh sự quyết tâm và rất quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của tỉnh. Cũng như, khi xem xét, đánh giá lại tăng trưởng ở các lĩnh vực cho thấy, sản xuất nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò “trụ cột” và trong tương lai gần, rất cần sự quan tâm, dồn sức nhiều hơn nữa cho khu vực I này.
Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, Bạc Liêu đã tập trung triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả và tăng cường liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả trong sản xuất, giá trị gia tăng của ngành. Theo đó, đã tăng từ 11.633 tỷ đồng năm 2018 lên 14.145 tỷ đồng năm 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2023 là 3,99%/năm. Năm 2024, trụ cột này tiếp tục được phát huy với sản lượng lúa gần 1,21 triệu tấn, đạt 105,4% kế hoạch và tổng sản lượng thủy sản gần 554,7 ngàn tấn, đạt 100% kế hoạch (tăng gần 9,4% so với cùng kỳ). Trong đó, thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và đã có bước phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn. Nhiều mô hình sản xuất ngày đạt hiệu quả cao, nhất là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm.
Trong khi đó, công nghiệp vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá, từ 2.664 tỷ đồng năm 2018 lên 3.626 tỷ đồng năm 2023, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2023 là 6,36%/năm. Đặc biệt, công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu giữ vai trò chủ lực, sản lượng chế biến tăng từ 76.538 tấn năm 2018 lên 125.297 tấn năm 2023, bình quân giai đoạn 2019 - 2023 tăng 10,36%/năm. Riêng năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 4,9% so với cùng kỳ. Công nghiệp năng lượng tái tạo duy trì phát triển tốt, 8 dự án điện gió với tổng công suất 469MW đang vận hành ổn định. Xuất khẩu hàng hóa có nhiều khởi sắc và cho kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,18 tỷ USD, đạt 101,8% kế hoạch (tăng 18% so với cùng kỳ).
Lĩnh vực du lịch luôn được quan tâm chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt và được xác định là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh nhà. Qua đó, ngành Du lịch có bước phát triển khá và hàng năm lượng khách tăng trung bình khoảng 25%, tổng thu từ du lịch tăng trung bình khoảng 20%. Riêng năm 2024, doanh thu du lịch hơn 4.200 tỷ đồng, đạt 101,8% kế hoạch năm, tăng 12% so với cùng kỳ; và Bạc Liêu đã đón gần 5,1 triệu lượt khách, đạt 104,1% kế hoạch năm, tăng 19,7% so với cùng kỳ.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tiếp tục giữ vững tăng trưởng. Ảnh: K.T
THI ĐUA PHÁT TRIỂN
Nhìn lại nền kinh tế tỉnh nhà trong những năm qua cho thấy, tuy tốc độ tăng trưởng đạt khá, nhưng quy mô kinh tế còn nhỏ, chủ yếu dựa vào vốn nên chưa đạt như kỳ vọng đề ra. Tăng trưởng trong nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu chưa cao và thiếu ổn định. Động lực của tăng trưởng là các ngành gia công có chi phí trung gian lớn, giá trị gia tăng thấp và cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch nhưng còn chậm. Trong đó, yếu và thiếu về nguồn lực là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất.
Thêm vào đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tình trạng xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông, ven biển còn xảy ra nghiêm trọng; hệ thống giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh; nhu cầu đầu tư cho thủy lợi, kè, đê sông, đê biển, phát triển công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục - thể thao… còn rất lớn nhưng còn thiếu và chưa có vốn đầu tư; hoạt động khoa học - công nghệ chưa thật sự trở thành động lực phát triển, một số đề tài nghiên cứu khoa học chậm được ứng dụng vào thực tế sản xuất, khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào thực tế sản xuất còn thấp…
Vì vậy, để phát triển nhanh và bền vững, cùng với việc tiếp tục vươn cao khát vọng và thi đua phát triển không ngừng, tất cả vì một Bạc Liêu thịnh cường trong tương lai, việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tập trung quyết liệt vào thực hiện trụ cột chiến lược cần quyết liệt, khẩn trương nhiều hơn nữa. Trong đó, trụ cột về nông nghiệp cần được tái cơ cấu theo chiều sâu gắn với phát triển nhanh, hiện đại và bền vững.
Theo đó, Bạc Liêu sẽ phát triển ngành Nông nghiệp hàng hóa tập trung, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và phát triển thị trường; tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp với trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm. Phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản an toàn quy mô lớn, công nghệ cao, xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm quốc gia; đẩy mạnh nuôi biển, nuôi biển kết hợp với phát triển năng lượng tái tạo và du lịch; sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả nghề đánh bắt hải sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nâng cấp hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão và dịch vụ hậu cần nghề cá; xây dựng và phát triển thương hiệu thủy sản có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Nhân rộng mô hình nuôi tôm có hiệu quả và mang lại giá trị cao như: tôm - lúa, tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng, tiến tới mở rộng vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất (theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao) để tăng năng suất tôm nuôi, giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch…
KIM TRUNG
- Phấn đấu sản lượng vận tải năm 2025 tăng trên 8%
- Thanh tra tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Thường trực Tỉnh ủy làm việc với xã Định Thành A, huyện Đông Hải về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát và chuẩn bị Tết Quân - dân
- Toàn tỉnh Bạc Liêu có 184,509MWp tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà
- Huyện Hồng Dân: Gần 100 lao động hợp sức xây dựng cầu dây văng trị giá hơn 1 tỷ đồng