Tiêu điểm
Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu: Hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Nhiều năm qua, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (KT-KT) Bạc Liêu đã nỗ lực không ngừng trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Trong đó, chú trọng đổi mới công tác tư vấn, tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu xã hội. Đồng thời, góp phần phục vụ tốt việc khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương.
Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu tổ chức tư vấn và tuyển sinh cho học sinh trên địa bàn TP. Bạc Liêu.
KHẲNG ĐỊNH THƯƠNG HIỆU
Phải khẳng định rằng, GDNN luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội. Qua đó, tạo nhiều thuận lợi để các cơ sở GDNN phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh, sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của sở, ngành, đơn vị, tổ chức và các địa phương trong tỉnh, nhất là trong công tác tuyển sinh và hợp tác đào tạo.
Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu đã được chuyển sang làm việc tại cơ sở mới khang trang, hiện đại với thiết bị đào tạo dần được đồng bộ. Nhà trường đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ sở GDNN và đạt tiêu chuẩn chất lượng 2 chương trình đào tạo nghề trọng điểm quốc gia như: nghề nuôi trồng thủy sản, nghề chăn nuôi thú y và uy tín, thương hiệu chất lượng đào tạo của trường được khẳng định trong hệ thống các cơ sở GDNN trong tỉnh và khu vực.
Bên cạnh đó, mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp, cơ sở GDNN, cơ sở đào tạo, tổ chức, đơn vị trong đào tạo và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên (HS-SV) ngày càng phát triển.
Mặc dù hiện nay nhận thức của xã hội về GDNN nói chung và học nghề nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song, tâm lý của đa số cha mẹ học sinh vẫn mong muốn con em mình vào học đại học. Kéo theo đó, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và tốt nghiệp THPT trên địa bàn của tỉnh chưa đạt như mong muốn. Cũng như, học sinh có xu hướng chọn những nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ để theo học mà ít lựa chọn những nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi Bạc Liêu là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, do đó nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề qua đào tạo của doanh nghiệp, hợp tác xã và xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp là rất lớn. Ngoài ra, nông nghiệp được xác định là một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu trong cơ cấu của tỉnh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 với thế mạnh thủy sản, kinh tế biển là chủ lực.
Đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển trụ cột nông nghiệp tại Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu. Ảnh: T.A
ĐẨY MẠNH TƯ VẤN VÀ TUYỂN SINH
Để giải quyết những khó khăn trong công tác đào tạo nghề và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thời gian qua, Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu đã tích cực đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, tuyển sinh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội. Tiến hành tư vấn, tuyển sinh với 5 nghề đào tạo trình độ cao đẳng, 12 nghề trình độ trung cấp, 22 nghề trình độ sơ cấp và nhiều nghề đào tạo thường xuyên. Đồng thời, liên kết tuyển sinh liên thông lên đại học các ngành nghề đáp ứng theo nhu cầu của sở, ngành, địa phương và xã hội. Kết quả năm 2023, đã đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và liên kết đào tạo đại học cho 1.056 HS-SV. Tổ chức đào tạo thường xuyên 124 lớp, với 3.580 học viên, chủ yếu là đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 1 nghề phi nông nghiệp và 15 nghề nông nghiệp.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, năm 2024, Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu sẽ tiếp tục thực hiện phương châm tư vấn, tuyển sinh, đào tạo gắn liền với nhu cầu xã hội và việc làm bền vững. Phối hợp nắm bắt thông tin, dự báo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, trên cơ sở đó tập trung tư vấn, tuyển sinh, đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng gắn với nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp, hợp tác xã, sở, ngành, địa phương và xã hội.
Cùng với đó, đẩy mạnh và đổi mới công tác truyền thông tư vấn, tuyển sinh, đa dạng hóa nội dung và phương thức truyền thông tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh (kết hợp cả truyền thống và hiện đại, trực tiếp và gián tiếp). Đa dạng hóa các đối tượng truyền thông tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh thông qua mở rộng cho các đối tượng trong xã hội (học sinh phổ thông, người lao động trong doanh nghiệp, thanh niên xuất ngũ, thanh niên và lao động nông thôn, hợp tác xã, tổ hợp tác, các đoàn thể, tổ chức quần chúng…).
Bên cạnh đó, phát huy nguồn lực xã hội trong công tác tư vấn, tuyển sinh như: Phát triển rộng rãi đội ngũ cộng tác viên truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh trong các đoàn thể, đơn vị, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã, viện, trường, trung tâm GDNN-GDTX, các cơ sở giáo dục phổ thông, sở, ngành và địa phương; HS-SV đã hoặc đang tham gia học tập tại trường, nhất là đối với HS-SV thành đạt, cùng cộng tác viên báo chí, đài phát thanh - truyền hình và trong cộng đồng.
Tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp cùng tham gia tuyển sinh, đào tạo theo nhu cầu lao động của doanh nghiệp, gắn quá trình tuyển sinh với quá trình đào tạo và giải quyết việc làm. Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tư vấn cho học sinh tham gia làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giới thiệu việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Phối hợp với cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm GDNN-GDTX tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh gắn với tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, góp phần hướng nghiệp, phân luồng, tuyển sinh học sinh phổ thông vào cơ sở GDNN…
Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nghề và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với các cơ sở GDNN, tạo điều kiện đầu tư về kinh phí cho các cơ sở GDNN mua sắm bảo đảm yêu cầu theo danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu của các nghề đào tạo theo quy định, nhất là những nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Đối với các địa phương trên địa bàn của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về GDNN và tuyên truyền về học nghề đối với người dân. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh tích cực tham gia cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo và phối hợp với các cơ sở GDNN tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập, chia sẻ kinh nghiệm thực tế cho người học đến thực hành, thực tập tại cơ sở. Khảo sát, cung cấp các thông tin về nhu cầu đào tạo của địa phương, bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng chính sách và thật sự có nhu cầu học nghề phát huy được tiềm năng, điều kiện phát triển kinh tế gia đình và phục vụ cho phát triển KT-XH của địa phương. Mặt khác, chủ động đặt hàng, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở GDNN tổ chức các lớp đào tạo nghề trên địa bàn đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
KIM TRUNG
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con
- Cao điểm “60 ngày đêm” giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp