Tiêu điểm
TX. Giá Rai: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
Qua 20 năm hình thành và phát triển, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TX. Giá Rai đã không ngừng khẳng định vai trò, tầm quan trọng trong việc tích cực tham gia thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn.
Đồng vốn được sử dụng đúng mục đích
Thời gian qua, NHCSXH TX. Giá Rai đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), kiểm tra sử dụng vốn của hộ vay, đôn đốc xử lý thu hồi nợ. Từ đó, đồng vốn đầu tư đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, hầu hết các hộ vay vốn đã sử dụng vốn đúng mục đích và góp phần quan trọng vào việc tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững.
Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách (TDCS) đến đúng đối tượng thụ hưởng và không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện phải tinh giản biên chế, tiết giảm chi phí quản lý..., Phòng giao dịch NHCSXH TX. Giá Rai đã thực hiện phương thức quản lý TDCS ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng cho 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên). Khi mới thành lập, Phòng giao dịch chỉ ủy thác một chương trình tín dụng là chương trình cho vay hộ nghèo, đến nay có 14 chương trình TDCS được Phòng giao dịch thị xã ủy thác.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác chính là cầu nối giữa Nhà nước và Nhân dân thông qua việc tổ chức thành lập và chỉ đạo hoạt động của các tổ TK&VV tại cơ sở. Từ đó người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận với dịch vụ tín dụng ưu đãi một cách dễ dàng. Thông qua phương thức ủy thác cho vay cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hội, đoàn thể thường xuyên tiếp xúc, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của hội viên, giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tính đến ngày 30/6/2022, dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thị xã đạt 398.979 triệu đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ, với 310 tổ TK&VV, cho 14.860 hộ vay vốn.
Nông dân TX. Giá Rai trang bị dụng cụ sản xuất bằng đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: T.A
Hiệu quả thiết thực
Sau 20 năm hoạt động, có thể khẳng định Nghị định 78 của Chính phủ quy định nội dung của chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Nhân dân.
Chính sách tín dụng ưu đãi cùng với chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới; hạn chế tình trạng học sinh - sinh viên phải bỏ học do nguyên nhân gia đình gặp khó khăn về tài chính. Nhiều hộ gia đình đã xây dựng được các công trình nước sạch và vệ sinh, nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định, khang trang hơn…, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, nguồn vốn cho vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống, bộ mặt nông thôn được cải thiện… tạo được sự phấn khởi, tín nhiệm trong Nhân dân.
Ngoài ra, vốn TDCS còn góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương. Trong 20 năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH thị xã đã cho 58.294 hộ nghèo vay vốn để sản xuất - kinh doanh, giúp 15.438 lượt hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 5.830 lao động; xây dựng 11.028 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 1.306 căn nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ chi phí cho hơn 4.650 học sinh - sinh viên theo học các trường đại học, cao đẳng, trung học và dạy nghề trong cả nước…
Đạt được kết quả trên là do sự quan tâm của Thị ủy, HĐND, UBND thị xã và sự phối hợp tốt của các ban, ngành, hội, đoàn thể nhận ủy thác và chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn phương thức làm ăn, cách sử dụng vốn cho hộ vay. Tập trung và ưu tiên vốn cho các xã xây dựng nông thôn mới, các mô hình, dự án trọng điểm làm ăn có hiệu quả. Từ đó, đồng vốn đầu tư do NHCSXH giải ngân mang lại hiệu quả thiết thực.
Hiện Phòng giao dịch NHCSXH thị xã đang tích cực phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các hộ vay về TDCS có vay - có trả; tạo thói quen gửi tiết kiệm hàng tháng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; thực hiện có hiệu quả việc trả nợ phân kỳ giảm áp lực cho hộ vay khi nợ đến hạn kỳ cuối; làm tốt công tác bình xét cho vay dân chủ, công khai, hiệu quả…
Tú Anh
----------------------
Tạo thuận lợi và giảm chi phí từ giao dịch tại xã
Để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn vay và giảm chi phí đi lại, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, từ đầu năm đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phước Long đã tổ chức trên 60 phiên giao dịch tại các xã.
Điểm giao dịch xã nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ TDCS xã hội, đảm bảo hoạt động TDCS xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”.
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phước Long đã đưa các hoạt động nghiệp vụ về phục vụ ngay tại xã, thị trấn thông qua hoạt động của tổ giao dịch tại xã. NHCSXH đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn mở điểm giao dịch cố định tại khuôn viên trụ sở UBND. Đến nay, toàn huyện Phước Long có 8/8 điểm giao dịch tại xã.
Điểm giao dịch xã được bố trí phiên giao dịch vào ngày cố định trong tháng (kể cả vào ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần), được niêm yết công khai trên biển hiệu Điểm giao dịch xã và trên website của NHCSXH. Trường hợp ngày giao dịch cố định trùng vào ngày được nghỉ tết Nguyên đán thì được tổ chức giao dịch bù.
Ngoài ra, tại điểm giao dịch NHCSXH còn có thông báo về các chính sách, các chương trình tín dụng ưu đãi, các quy trình thủ tục của NHCSXH, công khai dư nợ của hộ vay... để chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân cùng biết để giám sát hoạt động TDCS…
Tổ giao dịch tại xã là một bộ phận nghiệp vụ của NHCSXH được thành lập để thực hiện hoạt động giao dịch tại xã. Tại điểm giao dịch cố định hàng tháng, người vay giao dịch trực tiếp với ngân hàng để gửi tiền tiết kiệm, vay vốn, trả nợ trước sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, của tổ TK&VV. Nhờ đó đã hạn chế được thất thoát vốn, tham ô, chiếm dụng vốn.
Cùng với đó, tổ giao dịch tại xã còn thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền và công khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiếp nhận hồ sơ vay vốn, thu lãi, thu tiết kiệm và thực hiện quy trình xử lý nợ, họp giao ban với tổ trưởng tổ TK&VV và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác của NHCSXH.
T.A
- Đảng ủy quân sự tỉnh Bạc Liêu: Ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và công tác xây dựng Đảng năm 2025
- Thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050: Phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh
- Huyện Phước Long: Đề cao vai trò của mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
- Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ
- Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con