Tiêu điểm
Ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024: Chủ động và sẵn sàng
Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng - Thủy văn và các đơn vị khoa học trực thuộc Bộ NN&PTNT, mùa khô 2023 - 2024 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được dự báo thuộc nhóm năm ít nước, xâm nhập mặn có khả năng sẽ xuất hiện sớm hơn và ở mức sâu hơn trung bình nhiều năm. Do vậy, việc có ngay các giải pháp ứng phó trên tinh thần chủ động, không bất ngờ và linh hoạt xử lý các tình huống xấu chính là vấn đề đáng quan tâm hiện nay.
Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé góp phần điều tiết nước ứng phó với hạn, mặn vùng ĐBSCL.
XÂM NHẬP MẶN SẼ ĐẾN SỚM
Qua cập nhật các số liệu nghiên cứu tháng 11/2023 của các tổ chức quốc tế, hiện tượng El Nino vẫn tiếp tục ảnh hưởng cho đến tháng 3/2024 (xác suất khoảng 80 - 99%), sau đó suy yếu và ENSO (từ chỉ cả 2 hiện tượng El Nino và La Nino) chuyển sang pha trung tính. Cùng với đó, mùa khô năm 2023 - 2024 ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, nhiệt độ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5 - 1,50C, nguy cơ làm gia tăng bốc hơi và tăng nhu cầu sử dụng nước của cây trồng, vật nuôi. Trong khi đó, nguồn nước đổ về ĐBSCL có 95% tổng lượng từ thượng lưu sông Mê Kông (bên ngoài lãnh thổ) và chỉ có 5% từ nội sinh trong nước. Do vậy, từ tháng 12 đến hết tháng 4 hằng năm, nguồn nước ở ĐBSCL phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Kông và nguồn nước con sông này đóng vai trò cốt yếu đến giải quyết các nguy cơ xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Dự báo nguồn nước về ĐBSCL trong mùa khô 2023 - 2024 có khả năng thiếu hụt từ 10 - 15% so với TBNN, nguồn nước ngọt khó khăn ngay từ đầu mùa khô, nhất là các khu vực ven biển và những nơi xa dòng chính của sông Cửu Long.
Theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 dự kiến như sau: Xâm nhập mặn ở mức cao hơn so với TBNN, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh, nhưng ở mức ít nghiêm trọng hơn so với mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020. Đặc biệt, xâm nhập mặn có khả năng xuất hiện từ giữa tháng 1/2024, sớm hơn so với TBNN khoảng 15 ngày. Mức độ xâm nhập theo thời gian cụ thể: Từ giữa đến cuối tháng 12/2023, ranh mặn 4g/l xâm nhập sâu từ 25 - 30km. Từ các tháng 1, 2 và nửa đầu tháng 3/2024, ranh mặn 4g/l vào sâu đến 50 - 70km; từ giữa tháng 3/2024 đến cuối mùa khô, theo quy luật hằng năm dòng chảy về ĐBSCL gia tăng nên xâm nhập mặn có xu thế giảm, ranh mặn 4g/l ở mức từ 45 - 60km. Trong trường hợp dòng chảy không gia tăng thì mức xâm nhập mặn tiếp tục duy trì như đầu tháng 3.
Với những diễn biến phức tạp nêu trên, dự kiến ảnh hưởng của xâm nhập mặn sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất và dân sinh của người dân vùng ĐBSCL. Trong đó, nguy cơ xảy ra thiếu nước cho cây lúa khoảng 56.260ha, 43.300ha vùng chuyên canh cây ăn trái và ảnh hưởng trực tiếp đến nước sinh hoạt của nhiều tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Riêng tỉnh Bạc Liêu sẽ có những địa phương có nguy cơ thiếu nước ngọt như huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long, Đông Hải và TX. Giá Rai…
Lúa chết vì nhiễm mặn ở huyện Hồng Dân mùa khô năm 2000.
KHẨN TRƯƠNG VÀ QUYẾT LIỆT ỨNG PHÓ
Với tinh thần sẵn sàng và chủ động ứng phó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch “Sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) (hạn hán, xâm nhập mặn) vụ mùa 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu” và chỉ đạo các ngành, địa phương phải khẩn trương, quyết liệt thực hiện tốt kế hoạch này.
Theo đó, chỉ đạo đối với vùng sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A, do ảnh hưởng khí hậu El Nino có thể xảy ra nắng nóng kéo dài và xâm nhập mặn vào mùa khô năm 2023 - 2024 nên độ mặn trên hệ thống kênh rạch và trong các ao nuôi tăng cao (trên 30‰). Vì vậy, cần có giải pháp trữ nước ngọt trong hệ thống ao chứa để pha loãng độ mặn khi cần thiết. Đồng thời, người dân nuôi tôm nên hạn chế thả giống vào thời điểm cao điểm của mùa khô (tháng 4 - 5), nhất là với các ao nuôi tôm chưa chuẩn bị tốt các điều kiện thả giống và khu vực ven biển để hạn chế bị ảnh hưởng. Đối với những ao nuôi đang có tôm, bổ sung các sản phẩm để tăng sức đề kháng cho tôm.
Đối với khu vực ven biển TP. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải, độ mặn có thể tăng cao vào mùa khô, vì vậy các địa phương phải xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho khu vực này và khuyến cáo bà con thả giống khi đủ điều kiện. Cũng như, tùy tình hình thực tế về diễn biến của độ mặn, thời tiết, khả năng đầu tư, kỹ thuật mà các hộ nuôi quyết định mật độ thả, thời điểm thả giống trong khung lịch thời vụ khuyến cáo cho phù hợp. Đối với những địa bàn khó khăn về nguồn nước thuộc xã Vĩnh Trạch, Phường 5 và Phường 8 (TP. Bạc Liêu), khuyến cáo người nuôi tôm thả giống vào các thời điểm đảm bảo nguồn nước (từ tháng 12/2023 - 1/2024 và từ tháng 4 - 6/2024).
Khi thời tiết nắng hạn, khuyến khích người nuôi tôm thực hiện giải pháp ương sang nhiều giai đoạn đối với mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh. Tuy nhiên, cần bố trí thời gian nghỉ ngắt vụ giữa các vụ nuôi, 1 tháng đối với những ao nuôi đạt hiệu quả và ngắt vụ đối với những ao nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh.
Đối với các mô hình sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, tùy theo tình hình điều tiết nước thực tế của tỉnh, một số xã có diện tích nuôi tôm đầu nguồn thuộc xã Tân Thạnh, một phần xã Tân Phong (TX. Giá Rai) có thể thả tôm nuôi sớm hơn so với lịch thả giống đã khuyến cáo.
Riêng các khu vực hằng năm thiếu nguồn nước mặn vào đầu vụ nuôi như: thị trấn Phước Long, xã Phước Long (huyện Phước Long), xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân) và một số địa bàn gần khu vực cuối nguồn nước cấp cần theo dõi chặt thông báo điều tiết nước và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng lấy nước khi độ mặn đảm bảo để sản xuất.
Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa tình trạng thiếu nước mặn cung cấp cho tôm nuôi, UBND tỉnh đề nghị người dân chủ động gia cố bờ bao chắc chắn để chống rò rỉ nước trong ao nuôi và có các biện pháp trữ nước nhằm đảm bảo đủ nguồn nước cấp khi cần thiết. Đặc biệt là theo dõi thông tin về điều tiết nước, dự báo thời tiết, tình hình dịch bệnh để chủ động trong sản xuất…
Vùng ven biển có nguy cơ thiếu nước ngọt sinh hoạt nếu hạn mặn năm 2024 tăng cao. Ảnh: L.D
Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn là những khâu cần thực hiện sớm. Trong đó, coi trọng yếu tố “phòng” trên tinh thần chủ động là quan trọng nhất. Đồng thời, áp dụng quyết liệt nhưng linh hoạt và phù hợp với đặc thù sinh thái của từng địa phương sẽ mang lại hiệu quả cao, hạn chế thiệt hại đến sản xuất và ảnh hưởng đến dân sinh. Muốn vậy, công tác dự báo xâm nhập mặn, khí tượng - thủy văn phải chính xác và thường xuyên được cập nhật. Song, về lâu dài vẫn cần một chiến lược gắn với những kịch bản về cơ cấu mùa vụ phù hợp với tình hình diễn biến của hạn hán, xâm nhập mặn trong điều kiện sản xuất nông nghiệp bị lệ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn nước từ thượng nguồn và phải ứng phó với tình hình BĐKH ngày càng khắc nghiệt, khó lường. Đồng thời, góp phần hóa giải nguy cơ này còn cần những giải pháp công trình thông qua tăng cường đầu tư hạ tầng thủy lợi theo hướng thích ứng cao với mô hình vừa cấp nước vừa ngăn mặn và cả kiểm soát dòng chảy của nước mặn thông qua điều tiết, thậm chí xem mặn là “tài nguyên” cung cấp nước cho những vùng cần mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản nước mặn.
KIM TRUNG
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Ngô Nguyên Phong: Có giải pháp cụ thể cho từng vụ mùa
Để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, ngành Nông nghiệp đã quan tâm chỉ đạo phát triển sản xuất và có giải pháp cụ thể cho từng vụ mùa. Như diện tích lúa Tài nguyên dự kiến sẽ thu hoạch từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2/2024 (chủ yếu tập trung ở huyện Vĩnh Lợi) do khả năng bị ảnh hưởng thiếu nước lúc cuối vụ. Vì vậy, cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và củng cố ô đê bao, trạm bơm như: có kế hoạch đắp đập tạm bơm chuyền, trang bị những động cơ bơm di động để khi có nắng hạn kéo dài gây thiếu nước ngọt sẽ có giải pháp đảm bảo tưới tiêu nước phục vụ sản xuất...
Đối với sản xuất lúa vụ mùa 2023 - 2024 (lúa trên đất tôm - lúa), ở những vùng sử dụng giống lúa Một bụi đỏ, nếu thấy không đủ nước ngọt rửa mặn, thời gian rửa mặn kéo dài, không đảm bảo lịch thời vụ khuyến cáo thì có thể bố trí gieo mạ trên vườn, rẫy, hoặc chuyển sang sử dụng giống lúa ngắn ngày, chịu mặn để đảm bảo năng suất lúa.
Nếu tình hình thời tiết mùa khô năm 2023 - 2024 diễn biến bất lợi như dự báo, diện tích lúa trên đất tôm (sử dụng giống lúa Một bụi đỏ, BTE-1 gieo trồng) sẽ thu hoạch trong tháng 1/2024 (gồm một phần xã Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc A, xã Lộc Ninh, xã Ninh Quới A, xã Ninh Hòa, xã Ninh Thạnh Lợi và xã Ninh Thạnh Lợi A của huyện Hồng Dân; một phần xã Phước Long, xã Vĩnh Phú Tây, thị trấn Phước Long của huyện Phước Long; một phần của xã Phong Tân, xã Phong Thạnh A của TX. Giá Rai) do có nguy cơ thiếu nước ngọt và giảm năng suất. Do đó, bà con cần tập trung gia cố bờ bao để giữ nước, tích cực bơm trữ nước ngọt lên ruộng. Theo dõi diễn biến mặn trên đồng ruộng và kênh rạch để áp dụng các biện pháp thay nước để giảm mặn, phèn trong ruộng; tranh thủ xuống giống theo lịch khuyến cáo của ngành Nông nghiệp; bón phân hợp lý cho lúa theo từng thời kỳ sinh trưởng; quản lý tốt dịch hại cho lúa; sử dụng các chế phẩm sinh học giúp cây lúa chống chịu được điều kiện khắc nghiệt.
Đối với sản xuất lúa vụ đông xuân 2023 - 2024, sau khi thu hoạch dứt điểm vụ lúa thu đông cần khẩn trương tranh thủ xuống giống vụ lúa đông xuân theo lịch thời vụ ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo. Cần áp dụng các biện pháp xử lý rơm rạ bằng chế phẩm học, vệ sinh đồng ruộng để tránh ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ. Bón lót hoặc phun các sản phẩm KNO3, Comcat 150WP, Nyro 0.01N, Super Humic... kết hợp với bón vôi để làm giảm mặn, phèn đầu vụ.
Khi có nguy cơ thiếu nước ngọt, nắng hạn kéo dài thì các địa phương cần khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa đông xuân chính vụ năm 2023 - 2024 (khoảng 2.900ha) ở một số khu vực như: diện tích tập trung ở phía Tây trục kênh Vĩnh Phong và diện tích ven theo các cống thuộc tiểu vùng giữ ngọt (phần diện tích khoảng 500m dọc theo các cống Quốc lộ 1A và dọc theo các cống phân ranh mặn - ngọt).
Chủ tịch UBND huyện Đông Hải - Trần Tuấn Kiệt: Quyết tâm bảo vệ tốt phát triển sản xuất
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về xây dựng lịch thời vụ ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, UBND huyện Đông Hải đã khẩn trương xây dựng và chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện tốt lịch thời vụ này. Đồng thời, chỉ đạo ngành Nông nghiệp kết hợp với các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết, diễn biến hạn, mặn và tổ chức tuyên truyền, thông báo kịp thời bằng nhiều hình thức để người dân nắm diễn biến thời tiết trong mùa khô 2023 - 2024. Từ đó, cùng với ngành Nông nghiệp chủ động ứng phó với quyết tâm bảo vệ tốt phát triển sản xuất và hạn chế thiệt hại.
Theo đó, chỉ đạo Phòng NN&PTNT chủ động phối hợp với các ban, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn huy động mọi nguồn lực, đề xuất và triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, phòng chống dịch bệnh trong mùa khô năm 2023 - 2024 gắn với giải pháp cho từng mô hình cụ thể. Đối với mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, khuyến cáo mô hình nuôi tôm sú chỉ nuôi 1 vụ/năm, tôm thẻ chân trắng 2 vụ/năm. Cũng như, thực hiện ương sang nhiều giai đoạn đối với mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh (tôm sú: giai đoạn ương mật độ thả từ 30 - 40 con/m2, tôm thẻ chân trắng giai đoạn ương mật độ thả từ 150 - 300 con/m2).
Bố trí thời gian nghỉ ngắt vụ giữa các vụ nuôi từ 1 - 2 tháng đối với những ao nuôi đạt hiệu quả và ngắt vụ đối với những ao nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh, để giảm chất hữu cơ dư thừa trong quá trình nuôi, khuyến cáo thả nuôi các đối tượng như: cá phi, cá đối mục... để góp phần cải tạo môi trường và cải thiện thu nhập.
Cùng với đó, tập trung gia cố bờ bao, cống bọng, nạo vét mương nội đồng để trữ nước trên ao nuôi, nhằm đảm bảo nguồn nước cấp khi cần thiết và phòng, chống các đợt triều vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Đặc biệt, trên cơ sở lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản đã được ban hành, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn thông báo lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản cho từng vùng để làm căn cứ chỉ đạo sản xuất hiệu quả hơn.