Tiêu điểm

Vì một Bạc Liêu xanh

Thứ Sáu, 12/03/2021 | 15:05

Chọn phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, tức là Bạc Liêu xác định rõ mục tiêu: phát triển về mọi mặt trong xã hội hiện tại mà vẫn bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa. Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo này được cụ thể hóa trong từng hoạch định chiến lược, kế hoạch, bao gồm việc bảo vệ, trồng, chăm sóc rừng, hưởng ứng chương trình 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”.

Bài 1: Giữ lá phổi xanh, tấm chắn phòng hộ

Là tỉnh duyên hải ven biển hình thành nên các hệ sinh thái (HST) tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao, trong đó, quan trọng nhất là HST rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ven biển (cũng là rừng ngập mặn ven biển), rừng Bạc Liêu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, là nơi hấp thụ khí CO2 góp phần điều hòa khí hậu, là nơi phòng hộ, bảo vệ môi trường và duy trì sự phát triển bền vững.

Giữ ổn định hơn 4.300ha rừng

Đối diện trước nguy cơ cháy lớn, lan nhanh do thời tiết khô hanh, lớp thực bì rất dễ bắt lửa ở khu bảo tồn loài, sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu (TP. Bạc Liêu), Ban Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển đã lên kế hoạch cùng Chi cục Kiểm lâm (cùng thuộc Sở NN&PTNT), Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, chính quyền phường Nhà Mát, người dân địa phương… tổ chức diễn tập phương án chữa cháy rừng đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu mùa khô 2020 - 2021 vào giữa tháng 3/2021.

Khoảng từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 5 là thời điểm dễ xảy ra cháy ở rừng đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu. Khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng có diện tích khoảng 60ha (chiếm 48% diện tích Vườn chim), nằm ở vị trí lô 2 và lô 3. Hiện trạng rừng chủ yếu là rừng cây chà là, hệ thống dây leo như: choại, ráng và nhiều dây leo khác, đặc biệt là cây chà là - với đặc điểm cành khô rũ tại thân rất nhiều, tạo thành một khối vật liệu dễ cháy vào mùa khô. Đây cũng là khu vực hiện diện tập trung nhiều nhất của các loài chim cư trú, làm tổ và sinh sản.

Thực tập phương án chữa cháy rừng đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu mùa khô 2019 - 2020.

Theo các nhà nghiên cứu, khu bảo tồn loài, sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu có vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, là nguồn gen quý cho nghiên cứu khoa học, nơi để giáo dục thế hệ trẻ về bảo vệ tài nguyên rừng; là “lá phổi xanh” của TP. Bạc Liêu, giúp điều hòa không khí, cân bằng sinh thái cho môi trường và là điểm du lịch. Vườn chim Bạc Liêu có 184 loài thực vật, là rừng hỗn giao nhiều loài cây rừng ngập mặn đặc trưng của HST rừng ngập mặn khu vực Nam Bộ, như: chà là, cóc, tra, giá và các loài cây bụi, dây leo chằng chịt. Riêng hệ chim thì có 110 loài, trong đó có 10 loài quý, hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

Ngoài Vườn chim Bạc Liêu với diện tích 125,8ha, rừng đặc dụng ở Bạc Liêu còn có thêm gần 92ha là các vườn chim khác do tư nhân và Nhà nước quản lý. HST rừng của Bạc Liêu không chỉ có rừng đặc dụng, mà diện tích rừng lớn nhất thuộc về HST rừng ngập mặn ven biển Đông - hơn 3.000ha. Rừng phòng hộ ven biển chịu tác động rất lớn của hiện tượng biến đổi khí hậu, thảm rừng ngập mặn ven biển và bờ biển Bạc Liêu đang có khuynh hướng sạt lở.

Để bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển, hàng năm tỉnh đều xây dựng phương án trồng mới rừng thuộc dự án GIZ, dự án SP-RCC (Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu), trồng rừng bổ sung trên đất trống, trồng rừng thay thế, trồng rừng phía trong đê biển..., góp phần giữ ổn định 4.313,18ha rừng toàn tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2020, Ban Quản lý dự án đầu tư - xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã bàn giao cho Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển quản lý 113ha rừng phòng hộ ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) và xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) thuộc dự án SP-RCC.

………………………………………………………………………………………………………………………………...................................................

Theo ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT, định hướng đến năm 2030, Bạc Liêu phát triển diện tích lâm phần lên 7.778ha, mô hình tôm rừng (ngoài 3 loại rừng) 4.726ha. Nuôi dưỡng nâng cao chất lượng rừng đối với diện tích rừng sản xuất lâm - ngư kết hợp đã đến tuổi tỉa thưa, nâng cao chất lượng rừng, tăng khả năng phòng hộ.

Để đạt mục tiêu trên, Sở NN&PTNT tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng vừa bảo tồn đa dạng sinh học vừa kết hợp du lịch sinh thái, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu, nâng cao sinh kế cho người làm nghề rừng. Tiếp tục thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về việc giao doanh nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông kết hợp với phát triển du lịch sinh thái; đẩy mạnh thực hiện công tác trồng rừng; tích cực vận động, khuyến khích Nhân dân trồng rừng phía trong đê biển ở những nơi có điều kiện, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng.

………………………………....................................................................................................................................................................................

Du lịch sinh thái rừng

Theo Sở TN-MT, rừng ngập mặn tại Bạc Liêu chủ yếu phân bố ở khu vực ven biển trải dài từ TP. Bạc Liêu đến huyện Đông Hải, nơi có thủy triều lên xuống hằng ngày. Chúng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển, ngăn chặn gió bão, hạn chế xói lở, mở rộng diện tích đất liền và điều hòa khí hậu. Rừng ngập mặn không những cung cấp các lâm sản có giá trị như gỗ, củi, than, mà còn là nguồn cung cấp thức ăn cho các loài thủy sản, là nơi cư trú và làm tổ của nhiều loài chim, động vật. HST rừng ngập mặn được coi là HST có năng suất sinh học rất cao, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản. Nơi đây có 49 loài thực vật, trong đó cây chùm lé có trong Sách đỏ Việt Nam.

Du khách tham quan mô hình du lịch sinh thái rừng tại Nông trại tôm khỏe (huyện Hòa Bình). Ảnh: N.Q

Trong những năm qua, một số chính sách phát triển lâm nghiệp được ban hành kịp thời đã khuyến khích khoảng 400 hộ dân được giao khoán rừng mở rộng thêm diện tích trồng rừng mới. Điển hình như anh Vũ Văn Cơ (38 tuổi) nhận khoán quản lý 25ha rừng đưng ở ấp Giồng Nhãn A (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) để nuôi cá, tôm, cua dưới tán rừng, tạo nguồn thu nhập khá cho gia đình. Còn một số hộ nhận khoán rừng ở ấp 13 (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) lại đưa rừng phòng hộ thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách gần xa, như: Hương rừng, Nông trại tôm khỏe. Du khách Phạm Xuân Diễm My (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) đến đây chơi dịp 8/3 chia sẻ: “Ngồi trên bè neo giữa rừng và thưởng thức các món ăn hải sản đã cho tôi một cảm giác hòa mình vào thiên nhiên, thật thú vị, khó tả”.

Bên cạnh hộ gia đình làm du lịch từ rừng, Bạc Liêu còn tạo điều kiện cho 7 doanh nghiệp nhận khoán quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông theo hướng vừa bảo tồn đa dạng sinh học, vừa kết hợp du lịch sinh thái, với diện tích 771ha. Hiện 2 dự án của Công ty Cổ phần du lịch sinh thái Nam Hải và Công ty Cổ phần tập đoàn IBM.Land đang triển khai thực hiện. Các dự án này ra đời sau khi UBND tỉnh có Quyết định 1415, ngày 6/8/2018 về việc ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.