Tiêu điểm
Xây dựng nông thôn mới ở huyện Phước Long: Một cái nhìn toàn diện
Bài 1: Vinh dự được chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới
Bài 2: Bài học cần được rút ra
Bài cuối: Thi đua xây dựng nông thôn mới
Bạc Liêu với hơn 73% dân số sinh sống ở khu nông thôn, việc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới (XDNTM) không chỉ là nhu cầu, mà còn là điều kiện cần để nông thôn phát triển nhanh và phù hợp với quá trình hội nhập. Xuất phát từ ý nghĩa này, Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh XDNTM và hứa hẹn tạo nên nhiều đột phá.
* Tặng gạo cho hộ nghèo xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long
* Nông dân huyện Phước Long thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: K.T
NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC
Qua 5 năm XDNTM, tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những kết quả đạt được là thành tựu đáng tự hào. Điển hình như huyện Phước Long, nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 38 triệu đồng/người/năm, thì đến nay đã vượt trên 29,5 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, trong công tác giảm nghèo, việc tập trung thực hiện các tiêu chí về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và phát triển các mô hình sinh kế đã giúp 4.810 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,58%, so với năm 2010, giảm hơn 15%. Bên cạnh đó, nhà ở nông thôn, nước sạch, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục cũng được đầu tư nâng cấp, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Cùng với văn hóa - xã hội, sản xuất nông nghiệp cũng có bước phát triển vượt bậc và đã hình thành nên nhiều mô hình, cách làm mới, nhất là làm thay đổi suy nghĩ, tập quán canh tác truyền thống, nông dân mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng cho xây dựng, phát triển mô hình và cánh đồng đạt hơn 100 triệu đồng/ha.
Ông Lâm Kinh Sử (ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) cho biết: “Trước đây, khu vực này chỉ có thể trồng 2 vụ lúa, nhưng thường bị thiệt hại vì đây là đồng trũng. Từ khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo chương trình XDNTM, nông dân đã mạnh dạn thực hiện mô hình xen canh bắp và lúa, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm”.
Sản xuất phát triển còn thúc đẩy nông dân “bắt tay” với nhau và quan tâm hơn đến việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Ông Võ Đông Phương, Phó Giám đốc hợp tác xã tưới tiêu Tiên Tiến ở ấp Tường IV, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, chia sẻ: “Trước đây nông dân ít quan tâm đến việc tham gia tổ hợp tác hay HTX. Thế nhưng, từ khi bắt tay XDNTM và thành lập HTX tưới tiêu gắn với cánh đồng mẫu lớn đã làm thay đổi cách nghĩ của nông dân. Đối với nông dân là xã viên tham gia HTX, mỗi vụ lúa họ tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng/ha tiền bơm tác. Bên cạnh đó, sản phẩm của HTX làm ra còn được doanh nghiệp bao tiêu và đầu ra của hạt lúa không còn bấp bênh như trước. Chưa dừng ở đó, tranh thủ thời gian nông nhàn, xã viên của HTX còn thành lập đội dịch vụ lao động ở nông thôn để giải quyết thêm việc làm, tăng thu nhập. Với những kết quả thiết thực mang lại, nên thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia”.
TIẾP TỤC CHUNG SỨC XDNTM
Kế thừa và phát huy những thành tựu quan trọng đạt được trong XDNTM, nhiều địa phương đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị và những kế hoạch từ nay đến năm 2020 nhằm huy động cả hệ thống chính trị tiếp tục khơi dậy tinh thần “chung sức, chung lòng” cho XDNTM. Như huyện Phước Long với Đề án số 05 xây dựng xã nông thôn mới tiên tiến đến năm 2020 và Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XII ban hành Nghị quyết số 03 về xây dựng huyện Phước Long xanh - sạch - đẹp giai đoạn 2016 - 2020; Ban Thường vụ Thành ủy TP. Bạc Liêu khóa XI với Chỉ thị số 05-CT/TU về “nâng cao chất lượng xã nông thôn mới gắn với phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản giai đoạn 2016 - 2020”; Kế hoạch và chương trình đẩy mạnh XDNTM của huyện Vĩnh Lợi và nhiều địa phương khác...
Từ đó cho thấy, XDNTM đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp với quyết tâm cao. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu, bài học kinh nghiệp được rút ra, XDNTM từ nay đến năm 2020 cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức và việc thực hiện đạt các tiêu chí sẽ không dễ dàng.
Đơn cử như tiêu chí về thu nhập, nếu cuối năm 2015 toàn tỉnh có 37/49 xã đạt tiêu chí theo quy định là 26 triệu đồng/năm, thì đến nay chỉ còn 11/49 xã đạt tiêu chí này (vì theo chuẩn mới tiêu chí này phải đạt 29 triệu đồng/năm). Bên cạnh đó, với cách tính tiêu chuẩn hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều cũng đẩy tỷ lệ hộ nghèo lên đến chóng mặt và tiêu chí này sẽ cần một thời gian thực hiện khá dài. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 được tính theo tiếp cận đa chiều là 15,55%, thay vì theo cách tính cũ tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm 2,65% (tương dương 30.745 hộ). Song song đó, việc huy động nguồn lực đầu tư XDNTM cho giai đoạn từ nay đến năm 2020 cũng không dễ dàng, nhất là Bạc Liêu có đến 16 xã đặc biệt khó khăn và xã bãi ngang. Ước tính nhu cầu vốn đầu tư XDNTM cho 16 xã này vượt con số hơn 1.315,78 tỷ đồng.
Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng những gì nông thôn mới mang lại đã tiếp thêm động lực để người dân vượt qua khó khăn này. Ông Thạch Xiên (ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) bày tỏ: “Từ ngày địa phương phát động phong trào XDNTM, người dân rất phấn khởi, nhà nhà thi đua lao động sản xuất và lộ làng cứ được mở ra thêm. Như gia đình tôi đã tự bỏ ra hơn 200 triệu đồng để cùng người dân trong ấp làm 4 tuyến lộ ngõ xóm với chiều dài hơn 4km. Rồi nhiều mô hình sản xuất khác cũng được nhân rộng. Vì vậy, người dân tích cực tham gia XDNTM và chắc chắn sẽ mang lại nhiều kết quả”.
XDNTM cho giai đoạn tiếp theo dự báo sẽ gặp nhiều thử thách, nhưng với truyền thống đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, chia sẻ trách nhiệm, Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu luôn đặt niềm tin, tiếp tục thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu này.
LƯ DŨNG - PHẠM ĐOÀN
- Huyện Phước Long: Họp mặt kỷ niệm 50 Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Họp thành viên UBND tỉnh: Thông qua 12 dự thảo văn bản
- Bạc Liêu tham gia họp mặt Khối binh vận tại TP. Hồ Chí Minh
- Khai mạc Lễ hội Quan âm Nam Hải năm 2025
- Khai mạc Giải bóng bàn các CLB tỉnh Bạc Liêu mở rộng năm 2025 tranh Cúp Báo Bạc Liêu