Tiêu điểm
Xây dựng thương hiệu Dạ cổ hoài lang: Hướng mới cho du lịch Bạc Liêu
Bạc Liêu đang sở hữu một giai thoại riêng nhưng lại trở thành một thương hiệu được cả nước biết đến: Công tử Bạc Liêu. Vậy thì, với những gì Bạc Liêu đang dày công tạo dựng để đờn ca tài tử (ĐCTT) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, Dạ cổ hoài lang (DCHL) cũng cần được xây dựng một thương hiệu như thế!
Chúng ta đang sở hữu một di tích lịch sử văn hóa rất độc đáo và đặc biệt có ý nghĩa: Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Khu lưu niệm này như một bảo tàng thu nhỏ chứa đựng nhiều thông tin quý giá cùng những hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu. Khu lưu niệm với diện tích khá “khiêm tốn” nhưng từ khi khánh thành và đưa vào hoạt động đến nay đã đón tiếp không biết bao nhiêu lượt khách. Từ những đoàn cán bộ lãnh đạo cấp cao đến du khách trong và ngoài nước..., ai cũng đều tỏ vẻ ngưỡng mộ tài năng của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và một di tích lịch sử khá hoành tráng. Những dòng lưu niệm được ghi lại đây chứa chan tình cảm của du khách khi được đặt chân đến nơi này. Và nhiều trong số đó đã bày tỏ mong muốn rằng, Bạc Liêu cần ra sức gìn giữ tài sản vô giá mà mình đang sở hữu.
![]() |
Đông đảo du khách đến tham quan khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: M.Đ |
Giới thiệu ý kiến của nhiều đại diện như thế để thấy rằng, Bạc Liêu đã và đang sở hữu những tài sản vô giá là bản DCHL và khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Trước sự quan tâm của nhiều người, nhiều giới, nhiều tầng lớp như thế, thì việc tạo ra thương hiệu DCHL là điều cần làm và rất thiết thực. Nó thiết thực ở chỗ, chúng ta vừa tôn vinh được giá trị của “bài ca vua” để phát huy xứng tầm, vừa là cơ sở để có thể mở ra hướng mới cho phát triển du lịch. Thương hiệu DCHL một khi được xác lập (giống như thương hiệu Công tử Bạc Liêu) sẽ đưa Bạc Liêu sang một trang mới trong công đoạn xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh Bạc Liêu bằng con đường văn hóa.
Có ai mà không xao lòng trước một làn điệu của quê hương, trước một di sản văn hóa đã được bảo chứng bằng sự trải nghiệm. Những dòng lưu niệm được ghi trong sổ lưu niệm tại khu lưu niệm Cao Văn Lầu đã chứng minh rằng, Bạc Liêu thật sự hấp dẫn du khách bằng nét tự nhiên mộc mạc vốn có. Vậy thì, một khi đã hội tụ nhiều yếu tố để có thể tạo nên sự bứt phá, thương hiệu DCHL là giải pháp đáng nghĩ đến để đưa ngành “công nghiệp không khói” của Bạc Liêu bước lên tầm cao mới. Và đây cũng có thể xem là công trình cụ thể hóa Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy “về đẩy mạnh và phát triển du lịch”. Để cho thương hiệu DCHL sớm trở thành hiện thực, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL - Nguyễn Vũ cho rằng: “Phải tích cực quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng này. Bên cạnh đó, tỉnh cần phê duyệt tốt công tác đầu tư, tôn tạo, trùng tu, mở rộng nâng cấp khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu trước khi được công nhận thương hiệu”.
Trong khi chờ đợi các yếu tố để công nhận thương hiệu DCHL, thực hiện một vài động thái cũng là một cách “không đợi nước rút”. Chẳng hạn như cung cấp nhiều dịch vụ hơn nữa gắn với sự nghiệp Cao Văn Lầu trong khuôn viên của di tích; thiết lập một không gian riêng để du khách có thể tự mình khám phá bản DCHL bằng cách “hát thử”, rồi sinh hoạt tự nhiên với nhau… Thiết nghĩ đó cũng là một cách thử nghiệm!
Ngọc Trân