Tin tức
Hội nghị tổng kết các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao và mô hình tôm - lúa bền vững
(BL-MĐ) Ngày 24/10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết các mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả và bền vững: mô hình nuôi tôm siêu thâm canh vùng Nam và mô hình tôm - lúa vùng Bắc Quốc lộ 1A. Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã thế giới, Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác bền vững, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Trung tâm Tập huấn và chuyển giao công nghệ nông nghiệp vùng ĐBSCL; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố, các công ty, doanh nghiệp và hộ nông dân thực hiện các mô hình.
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung phát biểu tại hội nghị.
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình siêu thâm canh (STC) bắt đầu thực hiện năm 2017, tiên phong là các công ty, doanh nghiệp, sau đó nhân rộng và chuyển giao cho các hộ nông dân. Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có 1.845ha áp dụng mô hình nuôi tôm STC như mô hình 2 giai đoạn, mô hình nuôi hồ tròn… Trong đó, có 13 công ty và 2 đơn vị sự nghiệp nuôi với hơn 950ha và 324 hộ dân nuôi với hơn 895ha. Mô hình nuôi tôm STC đòi hỏi vốn đầu tư lớn, dao động từ 1 - 1,6 tỷ đồng/ha; lợi nhuận các mô hình siêu thâm canh dao động từ 0,6 triệu - 1 tỷ đồng/ha… Về mô hình lúa - tôm vùng Bắc Quốc lộ 1A, tổng diện tích áp dụng hơn 37.700ha; năng suất lúa đạt từ 4,4 - 5 tấn/ha, năng suất tôm đạt từ 230 - 350 kg/ha; lợi nhuận mô hình đạt từ 40 - 60 triệu đồng/ha. Mô hình này dư địa rất lớn, có thể mở rộng diện tích áp dụng lên đến 50.000ha trong thời gian tới. Mô hình lúa - tôm tạo ra hệ sinh thái môi trường an toàn, được xem là mô hình hiệu quả và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận xung quanh các vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh; nuôi tôm siêu thâm canh bằng phương pháp tuần hoàn khép kín; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tôm; vấn đề về điện phục vụ nuôi tôm siêu thâm canh; các giải pháp nâng cao năng suất lúa - tôm vùng Bắc; vấn đế gắn liên kết chuỗi trong mô hình lúa - tôm…
Quang cảnh hội nghị.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung cho rằng: Năm 2019, mặc dù ngành Nông nghiệp phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt giá tôm nguyên liệu rớt xuống mức thấp nhất trong các năm gần đây, nhưng toàn ngành vẫn tập trung đẩy mạnh sản xuất và triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, luôn giữ vai trò “ngành kinh tế mũi nhọn”, góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, ngành chức năng vẫn chưa chọn ra trong các mô hình nuôi tôm công nghệ cao thì mô hình nào hiệu quả nhất để khuyến cáo nhân rộng trong thời gian tới.
Để các mô hình sản xuất phát triển đảm bảo hiệu quả, bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch nhằm quản lý có hiệu quả ngành Thủy sản. Phối hợp với các viện, trường tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác, nhất là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, mô hình tôm - lúa để phổ biến nhân rộng cho người sản xuất. Đồng thời cần nghiên cứu và xây dựng quy trình xử lý nước thải, chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh, giải quyết được bài toán về bảo vệ môi trường trước những nguy cơ ô nhiễm.
Đẩy mạnh việc tổ chức lại sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã hướng đến liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cung ứng các yếu tố đầu vào (giống, vật tư sản xuất) và với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm thành chuỗi liên kết giá trị mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, hiệu quả bền vững. Nhu cầu vốn phục vụ cho sản xuất là rất lớn, nhất là đối với nuôi tôm siêu thâm canh, trong khi đa phần người nuôi tôm hiện nay đều gặp khó khăn. Ngân hàng Nhà nước cần có những chính sách cụ thể, linh hoạt hơn, chỉ đạo các ngân hàng thương mại thông qua phương án sản xuất hiệu quả để người nuôi tôm tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, thuận lợi...
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung chỉ đạo các địa phương xây dựng quy trình quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch để quản lý có hiệu quả quá trình phát triển ngành tôm của tỉnh. Đối với vùng sản xuất lúa - tôm, kiên quyết vận động nông dân trồng lúa trên đất nuôi tôm vào mùa mưa. Cần đẩy mạnh liên kết và tổ chức sản xuất tổ hợp tác, HTX vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tiến tới thành lập Hiệp hội nuôi tôm công nghệ cao Bạc Liêu; khuyến khích đẩy mạnh sản xuất theo hướng đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và quốc tế như VietGAP, ASC...
Ký kết bao tiêu theo chuỗi cung ứng giữa các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh với các công ty cung ứng vật tư, con giống đầu vào và bao tiêu sản phẩm. Ảnh: M.Đ
Tổ chức liên kết giữa cộng đồng nông dân với doanh nghiệp cung ứng con giống, vật tư sản xuất, với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, góp phần giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, hiệu quả và nâng cao giá trị. Khuyến cáo người dân sản xuất theo khung lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp. Xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện vùng sản xuất tôm sạch, lúa an toàn theo hướng hữu cơ. Tăng cường thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, nhằm đảm bảo phát triển bền vững...
Tại hội nghị cũng đã diễn ra chương trình ký kết bao tiêu theo chuỗi cung ứng giữa các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh với các công ty, doanh nghiệp cung ứng vật tư, con giống đầu vào và bao tiêu sản phẩm.
- Họp mặt đồng hương Minh Hải cũ tại TP. Hồ Chí Minh
- Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn làm việc với Sở NN&PTNT về công tác chuẩn bị Festival nghề Muối 2025
- Kỷ niệm 60 năm thành lập Bảo Việt và 28 năm thành lập Công ty Bảo Việt Bạc Liêu
- LĐLĐ huyện Đông Hải thực hiện đạt và vượt 18/18 chỉ tiêu đề ra
- Nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025