Tin tức

Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh có thẻ BHYT

Thứ Sáu, 25/10/2024 | 08:49

(BL-KP) Chiều 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và dự án Luật Dữ liệu. Thảo luận tại Tổ 6 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Sóc Trăng, Hà Giang, Bạc Liêu, Bình Định do đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng điều hành.

Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Ngọc Thúy

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh BHYT, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của Luật.

Thảo luận tại Tổ 6, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT toàn dân phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta. Bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia BHYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội, đồng thời khắc phục những tồn tại, vướng mắc hiện nay;…

Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá tác động kỹ lưỡng liên quan đến 4 nhóm chính sách này, đồng thời tiếp tục nghiên cứu thêm để hoàn thiện nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đảm bảo chất lượng dịch vụ khi sử dụng BHYT, nhất là tuyến cơ sở. Đề nghị Ban soạn thảo quan tâm, song song với việc mở rộng thêm một số bệnh được khám ở tuyến cơ sở, cần xem xét đánh giá tác động để cân nhắc thận trọng việc mở rộng phạm vi khám cho tuyến cơ sở, phải tương xứng với nguồn lực. Cải thiện cơ chế thanh toán và chi trả BHYT giảm bớt các giấy tờ và quy trình phức tạp, áp dụng các phương thức thanh toán qua ứng dụng di động để tiện lợi cho người dân. Tăng cường công bằng và bình đẳng, đảm bảo cho mọi người dân, không phân biệt vùng miền, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để người dân có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng; điều chỉnh mức đóng BHYT sao cho hợp lý, công bằng giữa các nhóm đối tượng khác nhau. Đảm bảo không bỏ sót đối tượng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được thanh các chi phí điều trị chuyên sâu, bệnh hiếm gặp, bệnh mạn tính và chi phí vận chuyển cấp cứu, đặc biệt cho những bệnh nhân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nâng cấp cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa vì các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa thường thiếu thốn về trang thiết bị và nhân lực y tế. Đào tạo và bố trí thêm cán bộ y tế là người dân tộc thiểu số hoặc những người có kỹ năng giao tiếp, hiểu biết văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào nhằm giúp quá trình khám chữa bệnh trở nên dễ dàng hơn. Cải thiện công tác truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều ngôn ngữ dân tộc để đồng bào thiểu số dễ dàng nắm bắt thông tin về quyền lợi BHYT cũng như các kiến thức về sức khỏe, dịch vụ y tế.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phản ánh kiến nghị của cử tri liên quan đến việc tham gia BHYT của học sinh, sinh viên (HS-SV), mức đóng của HS-SV cao hơn mức đóng theo hộ gia đình. Đại biểu đồng thuận với tiếp thu của cơ quan chủ trì soạn thảo theo hướng, đối tượng tham gia được tự lựa chọn hình thức tham gia (mua trong trường hoặc tại nhà theo hộ gia đình) như thế nào có lợi nhất.

Ngoài ra, về phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT, đại biểu cho rằng, cần tập trung đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người bệnh có thẻ BHYT, tạo thuận lợi nhất trong tiếp cận dịch vụ y tế, giảm các thủ tục hành chính, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ khám chữa bệnh BHYT. Đại biểu Huy Thái chỉ ra rất nhiều bất cập từ thực tế người khám chữa bệnh bằng BHYT hiện nay, như tình trạng thiếu thuốc và các vật tư y tế với nhiều quy định còn thiếu tính khả thi cao, nhất là trong các quy định buộc người khám chữa bệnh phải được cơ sở khám chữa bệnh xác nhận là khan hiếm thuốc, thiếu vật tư y tế là do điều kiện khách quan, phải tự nộp hồ sơ yêu cầu thanh toán BHYT... Từ đó, đại biểu chỉ ra rằng, Thông tư 22/2024 hướng dẫn về thanh toán BHYT chỉ giải quyết tình thế, không thể là giải pháp lâu dài và vẫn còn rất nhiều vướng mắc chưa được xử lý đến nơi đến chốn.

Tương tự, nhằm đáp ứng yêu cầu với thực tế và khắc phục những bất cập của Luật BHYT hiện hay, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc mức hỗ trợ từ 30% lên 50% để người dân có điều kiện tham gia, nhất đối với các hộ có cuộc sống khó khăn, hướng đến việc thực hiện tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Ngoài ra, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh cũng đề nghị Bộ Y tế cần quan tâm hơn nữa về việc hỗ trợ các trang thiết bị, các loại thuốc cho các tuyến khám, chữa bệnh ở cấp cơ sở. Vấn đề này đang rất bức xúc với người dân cần sớm khắc phục, nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT, tác động đến hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các loại bảo hiểm tự nguyện. Bên cạnh đó, đại biểu còn đề nghị Bộ Y tế sớm tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm hơn nữa với chính sách tiền lương, phụ cấp và các quyền lợi cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên đang công tác trong ngành Y tế, để thu hút đội ngũ bác sĩ trẻ, giỏi chuyên môn về công tác ở cơ sở, vùng địa bàn kinh tế khó khăn; đồng thời, phải nâng cao hơn nữa chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho người dân, hạn chế việc chuyển tuyến, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.