Tin tức
Phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
Chiều 15/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ 9, đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2024, bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Nguyễn Hòa Bình, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp. Phiên họp được trực tuyến đến các tỉnh, thành trong cả nước.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bạc Liêu.
Năm 2024, cải cách hành chính tiếp tục được xác định là một trong những trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cả 6 lĩnh vực cải cách gồm cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đều được quan tâm, đẩy mạnh, đôn đốc triển khai và đạt kết quả tích cực. Hiện tại, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, cả nước đã và đang thực hiện cuộc “cách mạng” về tinh gọn bộ máy, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng đến toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và đang được toàn Đảng, toàn dân quan tâm, ủng hộ.
Trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hoạt động với 64 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể. Tính đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 18/21 (85,71%) nhiệm vụ; chưa hoàn thành 3/21 (14,28%) nhiệm vụ, còn lại 42 nhiệm vụ là nhiệm vụ thường xuyên (có 1 nhiệm vụ xin lùi thời gian sang năm 2025). Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong CCHC, đề ra giải pháp khắc phục, khơi thông những điểm nghẽn trong tổ chức triển khai thực hiện.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cả nước phải tăng tốc và bứt phá để đạt mục tiêu phát triển KT-XH của năm và cả nhiệm kỳ 2021 - 2025, tạo tiền đề thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2026 - 2030. Trong bối cảnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về CCHC để tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đây là Nghị quyết rất quan trọng với tư duy mới, tầm nhìn mới, mang tính đột phá.
Đồng thời tiếp tục tiếp tục quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC để tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các động lực cho phát triển. Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm của cải cách trên cơ sở bám sát các quy định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực và điều kiện thực tiễn của địa phương. Thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, thông suốt giữa các cơ quan, địa phương, phục vụ phân tích, xử lý dữ liệu, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành.
Tin, ảnh: K.P