Tin tức
Xuất khẩu gạo quý 1/2025 đạt hơn 2,2 triệu tấn
Ngày 4/4, tại TP. Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo “Định vị giá trị hạt gạo trong kỷ nguyên mới”. Hội thảo do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phối hợp với Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ và Trang Việt Nam đầu tư tổ chức.
Tại hội thảo, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch VFA cho biết, uớc tính tổng lượng gạo xuất khẩu trong quý 1/2025 đạt hơn 2,2 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024.
Quang cảnh hội thảo.
Đáng chú ý, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang có sự chuyển dịch tích cực, với xu hướng tăng tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản và các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao. Về thị trường, Việt Nam đang dần chiếm lĩnh các thị trường truyền thống như Philippines, châu Phi nhờ sự khác biệt về chất lượng và giá cả so với các nước khác.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu, hướng tới việc giảm tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình, đồng thời tăng tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản. Cụ thể, năm 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình giảm xuống không quá 15%, trong khi tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản tăng lên khoảng 40%. Đến năm 2030, các mục tiêu này còn tham vọng hơn, với tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không quá 10% và tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản khoảng 45%. “Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm lúa gạo để tạo ra sự khác biệt trên thị trường thế giới; xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả, từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm gia tăng giá trị cho nông dân và doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan”, ông Nam khuyến nghị.
Nông dân Bạc Liêu thu hoạch lúa.
Về khâu giống, ông Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, hiện nay công tác nghiên cứu chọn tạo giống vẫn lựa chọn những giống đang phổ biến, tiếp tục cải thiện thêm khả năng chống chịu sâu bệnh bằng cách lai tạo, vẫn giữ được chất lượng gạo và những đặc tính cơ bản của giống đó.
“Chúng ta đã làm chủ công nghệ rồi, vì vậy tiếp tục ứng dụng những kỹ thuật, công nghệ mới để làm sao tạo ra những chủng loại giống theo các phân khúc để không bị động, cần gạo gì có giống gạo đó. Giống thì không bị động, tuy nhiên giống phải phù hợp với từng vùng đất và mùa vụ. Vì vậy chúng tôi rất mong muốn doanh nghiệp và bà con nông dân chúng ta xây dựng thành vùng nguyên liệu cho từng giống, đảm bảo được sản lượng và chất lượng thì uy tín gạo của chúng ta trong thời gian tới sẽ được nâng cao hơn”, ông Thạch đề xuất.
Tin, ảnh: L.D
- Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả
- Dự án mở rộng đường vào di tích lịch sử quốc gia gia đặc biệt có nguy cơ chậm tiến độ!
- Quy định quản lý đường giao thông trên địa bàn Bạc Liêu
- Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia
- Xuất khẩu gạo quý 1/2025 đạt hơn 2,2 triệu tấn