Tòa Soạn - Bạn đọc
Bám sát Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước: Hoàn thành nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh năm 2024
Công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Từ đó, các sở, ban, ngành, UBND các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc, nội dung bám sát Chương trình tổng thể CCHC nhà nước của Chính phủ, kế hoạch triển khai nhiệm vụ CCHC của tỉnh.
Giao ban trực tuyến công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: M.Đ
Được và chưa được
Trong 6 tháng đầu năm, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; công tác rà soát đơn giải hóa thủ tục hành chính được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã tiếp tục hoạt động thông suốt, tập trung các thủ tục hành chính về một đầu mối để thực hiện việc hướng dẫn, tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân. Tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước các cấp được sắp xếp kiện toàn, tinh gọn, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực phát huy hiệu quả trong công việc. Chất lượng đào tạo cán bộ, công chức ngày được nâng cao; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương được thực hiện thường xuyên.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác CCHC của tỉnh trong 6 tháng đầu năm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, đáng quan ngại nhất là vai trò tham mưu, giúp việc của một số sở, ngành trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC đôi lúc chưa thật sự tích cực, thiếu tính chủ động; việc thực hiện chế độ báo cáo CCHC định kỳ còn chậm làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thực hiện báo cáo chung của tỉnh.
Công tác bố trí nguồn nhân lực trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tại các cơ quan, đơn vị còn hạn chế về số lượng, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của một số công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Kết quả việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn hồ sơ trễ hẹn ở lĩnh vực đất đai...
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp
Để nhiệm vụ CCHC từ nay đến cuối năm đạt như kỳ vọng, nhiều nhiệm vụ, giải pháp phải sớm được tập trung thực hiện. Trong đó cần tập trung quan tâm đến kết quả Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); triển khai điều tra khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước năm 2024.
Cùng với đó, các sở, ngành, các địa phương cần rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND; đẩy mạnh rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc công bố, công khai thủ tục hành chính, đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
Tiếp tục thực hiện Nghị định 107/2020/NĐ-CP; Nghị định 108/2020/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp; Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã.
Một nhiệm vụ rất quan trọng nữa là tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị định của Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, việc chấp hành giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Đặc biệt, các sở, ngành cần thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ, đảm bảo an toàn thông tin mạng, hình thành môi trường làm việc điện tử liên thông, rộng khắp, phát triển các cơ sở dữ liệu trọng điểm của tỉnh. Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến đáp ứng nhu cầu thực tế, công khai, minh bạch dựa trên nhiều phương tiện khác nhau nhằm làm giảm số lần và thời gian thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền CCHC trên địa bàn tỉnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu thông qua việc triển khai các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác CCHC, tổ chức hội thi, tọa đàm, giải đáp thắc mắc của người dân và doanh nghiệp đối với công tác CCHC trên địa bàn tỉnh.
Kim Phượng
- Tập huấn phần mềm kiểm kê tài sản công cho hơn 600 cán bộ
- Tổng rà soát người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt làm việc với các bệnh viện về tình hình chuẩn bị đại hội
- Nhạc sĩ Nguyễn Quốc (Bạc Liêu) đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc
- TP. Bạc Liêu: Bàn giải pháp ứng phó với sạt lở tuyến đê biển Đông