Tòa Soạn - Bạn đọc
Bạo lực trong gia đình: Đừng như hòn than âm ỉ
Bạo lực gia đình (BLGĐ) từ trước đến nay luôn là vấn nạn nhức nhối, xảy ra ở tất cả các tầng lớp xã hội, vượt qua ranh giới về khu vực, văn hóa, thu nhập, mức sống, tuổi tác, địa vị. BLGĐ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.
Vấn nạn bạo lực gia đình cần phải được đấu tranh, loại bỏ. Ảnh minh họa: Internet
Các hình thức bạo lực
Mỗi hình thức bạo lực có thể được biểu hiện dưới nhiều hành vi khác nhau. Luật Phòng, chống BLGD đã quy định các hành vi bạo lực gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng. Ngăn cản việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu, giữa cha, mẹ và con, giữa vợ và chồng, giữa anh, chị, em với nhau. Cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình; cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ, kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính; có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
BLGD không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn để lại vết thương về mặt tinh thần sâu sắc đối với người bị bạo hành. Chính vì vậy, bạo hành gia đình dưới bất kỳ hình thức nào cũng cần phải bị lên án và trừng phạt.
Những tổn thương sâu sắc
Nói đến BLGĐ, người ta thường nghĩ ngay đến hành vi dùng bạo lực bằng hành động như hành hạ, ngược đãi, đánh đập… Ít người quan tâm đến một dạng bạo lực khác, còn nguy hiểm không kém việc đánh đập, hành hạ. Đó là tình trạng bạo lực tinh thần, bạo lực bằng việc áp lực lên tâm lý của người khác, buộc người khác phải làm theo, hành xử theo ý mình. Kiểu bạo lực này như hòn than âm ỉ, có thể bùng cháy bất cứ lúc nào và dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Nhiều nhất và cũng ít được chú ý nhất, thậm chí pháp luật cũng không thể điều chỉnh được (ở một mức độ khó chứng minh đó là hành vi BLGĐ) chính là giữa cha mẹ và con cái. Với tâm lý, truyền thống, thói quen của người Việt, vấn đề bạo lực giữa cha mẹ với con cái được xã hội mặc nhiên chấp nhận. Có thể dễ dàng nhận thấy đó là những hành động dạy bảo con cái xuất phát từ cái quan niệm “thương cho roi cho vọt”, phải đánh để dạy con. Rất nhiều bậc cha mẹ coi việc đánh đập con cái khi chúng mắc lỗi là cần thiết để chúng nhận ra sai lầm và sửa chữa. Bên cạnh đó là hành vi thường xuyên chửi mắng, trách móc, so sánh con cái là động lực để con phấn đấu. Đáng quan ngại hơn, nhiều người sẵn sàng dùng nhiều cách để áp lực con chuyện học hành, khiến con trẻ cảm thấy bị quẫn bách, thậm chí là bị trầm cảm, đôi khi dẫn đến nhiều hành động sai lầm, dại dột. Trẻ sẽ hình thành thái độ chống đối, hoặc trở nên chai lỳ với cảm xúc, thường xuyên tìm cách nói dối cha mẹ. Hoặc trẻ sẽ tự nhốt mình trong không gian riêng, tự kỷ với bản thân, lâu dần trở thành những chứng bệnh đáng sợ. Đã có không ít trẻ, vì cha mẹ ép học, đòi hỏi những điểm số phải luôn luôn 10, phải học giỏi nhất lớp, nhất khối, thậm chí nhất trường, dẫn đến trẻ không còn thấy có niềm vui trong cuộc sống, chọn con đường tự vẫn để kết thúc. Nếu đứng ở góc độ người lớn, sẽ có nhiều người nói trẻ tự tử là dại dột, ngu ngốc… Nếu đứng ở góc độ trẻ, đó có khi lại là sự giải thoát.
Rất nhiều dạng của BLGĐ cần phải được đấu tranh, loại bỏ. Trong đó, ngoài những chế tài được pháp luật quy định, điều chỉnh, quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc của cả xã hội, của mỗi gia đình. Chỉ cần một hành vi, một biểu hiện có dấu hiệu của BLGĐ, cũng phải được tranh đấu.
KIM TUẤN
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh
- Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải
- Tỷ phú nuôi nghêu - Huỳnh Mừng Em: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024