Tòa Soạn - Bạn đọc
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Đừng để chất lượng hàng hóa bị thả nổi
Một trong những cụm từ mà chúng ta thường hay nghe thấy, xem thấy gần đây là “chất lượng hàng hóa đang bị thả nổi”. Vô vàn sản phẩm không đảm bảo chất lượng từ nữ trang, điện tử gia dụng đến hóa mỹ phẩm, thực phẩm… vẫn được bày bán công khai, dán nhãn mác đủ kiểu, đủ loại. Vì lợi nhuận mang lại mà nhiều người bất chấp việc vi phạm pháp luật, đạo đức, và người tiêu dùng phải gánh chịu thiệt thòi.
Mua sắm online đang trở thành xu hướng, nhưng chất lượng hàng hóa vẫn bị thả nổi. Ảnh: K.P
Đơn cử như mặt hàng gạo đã có lắm thương hiệu, giá cả với chất lượng khác nhau. Chỉ riêng gạo ST 24, ST 25 - đã được trao danh hiệu gạo ngon nhất thế giới hiện cũng được bán tràn lan trên thị trường với bao bì, nhãn dán khác nhau, giá bán thì mỗi nơi mỗi khác. Chị N.T (Phường 3, TP. Bạc Liêu) kể, chị mua gạo ST 25 của một cửa hàng gần nhà với giá 35.000 đồng/kg. Gạo được đóng bao 25kg, tuy nhiên, trên bao bì không hề có một dòng thông tin nào. Thắc mắc với chủ cửa hàng thì được giải thích, do hết bao bì nên đựng tạm bao này chứ chất lượng gạo bên trong vẫn vậy. Thế nhưng chất lượng gạo thực chất như thế nào thì chỉ có… người bán mới biết. Thiệt thòi nhất là người tiêu dùng, vì không có gì để đảm bảo là mình đã mua đúng loại, đúng giá.
Đó chỉ là mới đề cập đến mặt hàng gạo, còn rất nhiều mặt hàng tiêu dùng khác cũng trong tình trạng tương tự. Hàng giả, hàng nhái đã khó phát hiện nếu không có cơ quan chức năng vào cuộc; còn hàng hóa kém chất lượng thì phức tạp hơn, bởi vẫn có bao bì, nhãn dán cơ sở sản xuất đàng hoàng. Thế nhưng, hàng hóa như thế nào là đạt chất lượng? Nếu kiểm tra, cơ quan chức năng cũng bó tay, vì để xác định chất lượng phải lấy mẫu giám định, đó là chưa kể phải cần có thời gian, kinh phí thực hiện… Do đó rất nhiều cuộc kiểm tra thị trường chỉ như “cõi ngựa xem hoa”, rồi đâu lại vào đấy.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời đã 9 năm, bên cạnh những hiệu quả có thể thấy được, hiện tại, cơ chế, biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đủ mạnh, chưa thật sự là chỗ dựa tin cậy cho người tiêu dùng. Luật lại chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh - tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính tới một số phương thức mới, hiện đại, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử và cách mạng công nghệ 4.0.
Công tác tiếp nhận và giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng chưa đáp ứng thực tế. Quyền lợi của người tiêu dùng hàng ngày, hàng giờ vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng, trong khi kênh thông tin hỗ trợ người tiêu dùng không được công bố rộng rãi. Thủ tục khiếu nại rườm rà, phức tạp, hệ thống ghi nhận, lưu trữ và xử lý thông tin khiếu nại chưa được hình thành, chưa tạo ra cơ sở dữ liệu về khiếu nại của người tiêu dùng tại địa phương. Tại Bạc Liêu, năm 2009 có thành lập Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mục đích là tiếp nhận yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng khi quyền lợi bị xâm phạm, tổ chức hòa giải khi có tranh chấp giữa người tiêu dùng và cơ sở sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên trên thực tế, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa phát huy được hiệu quả hoạt động, chẳng có mấy người biết đến và liên hệ để được bảo vệ quyền lợi.
Vấn đề mà người tiêu dùng cần là việc công bố và kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại hàng hóa. Với thời đại công nghệ 4.0, việc công bố chất lượng các loại hàng hóa sản phẩm thiết nghĩ cần phải được số hóa. Trước tình trạng thả nổi chất lượng rất nhiều loại hàng hóa như hiện nay, chỉ thiệt thòi cho người tiêu dùng, từ kinh tế đến vấn đề sức khỏe, thiết nghĩ cần sớm được chấn chỉnh.
Kim Phượng
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh