Tòa Soạn - Bạn đọc
Bồi thường danh dự, nhân phẩm khi bị xúc phạm: Việc nên làm
Đã qua rồi cái thời, hễ bực tức nhau thì chửi mắng nhau thậm tệ, nói xấu người khác, tung hình ảnh người khác kèm theo những lời lăng mạ, xúc phạm… rồi “huề cả làng”. Hay chuyện đánh ghen thì xã hội mặc nhiên chấp nhận chuyện chính thất đón đường đánh, làm nhục, kẻ thứ 3 chỉ có thể cam chịu. Nhiều phiên tòa hình sự đã xử phạt tù những trường hợp đánh ghen kiểu làm nhục người khác; những vụ xét xử dân sự mà bị đơn phải bồi thường tiền danh dự cho nguyên đơn, phải đăng báo cải chính, xin lỗi công khai cũng không còn hiếm nữa. Người dân đang ngày ngày nhận thức tốt về quyền công dân của mình cũng như những quyền mà pháp luật bảo hộ cho công dân.
XÚC PHẠM TRÊN MẠNG, BỊ PHẠT THẬT TẠI TÒA
Vụ kiện liên quan đến yêu cầu đòi bồi thường danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm của ông Nguyễn Văn Tùng (cơ sở sửa xe Thanh Tùng) từ sự xuất hiện của một clip đăng trên mạng xã hội (MXH) và được nhiều trang mạng chia sẻ đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Bạc Liêu nhiều ngày nay.
Lần đầu tiên, TAND TP. Bạc Liêu đưa vụ án liên quan đến hành vi xúc phạm trên MXH ra xét xử theo yêu cầu khởi kiện của đương sự. Và cũng là lần đầu tiên, bản án đã tuyên buộc 2 bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn với mức bồi thường do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm với mức tối đa theo quy định pháp luật: 10 tháng lương cơ sở.
Tòa án xác định, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, việc ông Tùng có đơn yêu cầu các đương sự đăng clip, chia sẻ clip trên MXH gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của ông Tùng là hành vi trái pháp luật, do đó buộc các đương sự phải xin lỗi, cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và bồi thường danh dự, nhân phẩm bị xâm hại với mức cao nhất là 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Phiên tòa sau đó nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận xã hội, khi mà nhân phẩm, danh dự, quyền chính đáng của công dân được Hiến pháp bảo vệ, phiên tòa còn thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật đã được thực thi. Ông Nguyễn Văn Tùng - nguyên đơn của vụ kiện sau phiên tòa - cho biết ông theo đuổi vụ việc đã 3 năm, và kết quả này thật sự minh oan cho ông. Tiền bồi thường không phải là vấn đề, nhưng qua đó chứng minh cho nhiều người thấy rằng, không thể để cá nhân hay tổ chức nào tự cho mình cái quyền tự do ngôn luận mà không chấp hành quy định của pháp luật.
Phiên tòa xét xử vụ kiện của ông Nguyễn Văn Tùng tại TAND TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.P
ĐỪNG ĐÙA VỚI PHÁP LUẬT
Danh dự, nhân phẩm là những giá trị gắn liền với nhân thân của con người, được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một cá nhân có thể bằng nhiều hình thức khác nhau, như dùng những lời lẽ thô bỉ, tục tĩu để nhục mạ nhằm hạ uy tín gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm cho người khác. Hiện nay, với sự xuất hiện của MXH, nhiều người còn lợi dụng mạng công nghệ viễn thông, sử dụng MXH đăng đàn chửi bới, xúc phạm người khác, đăng hình ảnh của người khác kèm theo những bình luận tiêu cực… Dễ thấy nhất có thể kể đến như vụ lùm xùm xoay quanh bà Nguyễn Phương Hằng (CEO Đại Nam) và các cá nhân khác, trong đó có nhiều người là luật sư, nhà báo, giảng viên đại học cũng phải chịu liên đới trong vòng tố tụng.
Tùy theo tính chất, mức độ của từng vụ việc có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, Bộ luật Dân sự cũng quy định, cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, mà điển hình chính là vụ kiện của ông Nguyễn Văn Tùng tại TP. Bạc Liêu.
Ngoài ra, hành vi lợi dụng MXH để thực hiện xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên các nền tảng MXH có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu chưa đến bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
KIM TUẤN
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh
- Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải
- Tỷ phú nuôi nghêu - Huỳnh Mừng Em: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024