Tòa Soạn - Bạn đọc
Cẩn trọng khi mua hàng online dịp Tết
Chị M.K (Phường 2, TP. Bạc Liêu) chọn mua một bộ chăn ga gối với giá 800.000 đồng sau khi dạo chợ online trên Facebook. Ngày nhận hàng, chị kiểm tra thì phát hiện không đúng số lượng nên từ chối nhận hàng. Ngay sau đó, trang cá nhân của chị bị người phụ trách của đơn vị bán hàng vào chửi mắng thậm tệ, rồi chặn tin nhắn, xóa các giao dịch, khiến chị vô cùng bức xúc nhưng không cách nào để liên hệ, khiếu nại.
Các loại khô tết được quảng cáo trên các chợ Online. Ảnh: K.K
MUA SẮM ONLINE - THƯỢNG VÀNG HẠ CÁM
Mua sắm qua hình thức online hiện đang là xu thế được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Đặc biệt hiện nay, việc bán hàng còn nổi lên với hình thức phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử, thu hút lượng lớn người theo dõi, chốt đơn. Các nền tảng như Facebook, Instagram, YouTube, TikTok, Shopee… đều cung cấp tính năng livestream, giúp người bán hàng tương tác trực tiếp với khách hàng và giới thiệu sản phẩm của họ một cách thực tế và sinh động.
Hình ảnh được đăng tải với đa dạng chủng loại, mẫu mã, giá cả; trang nào cũng quảng cáo là hàng hóa chất lượng, thương hiệu lớn; thực phẩm thì luôn được quảng bá là tươi ngon, không hóa chất… Tuy nhiên trên thực tế, không phải lúc nào khách hàng cũng nhận được hàng hóa đảm bảo chất lượng như quảng cáo. Bởi bên cạnh việc giao thương lành mạnh, không ít đối tượng đã lợi dụng sự khó kiểm soát chất lượng hàng hóa ở các chợ online để bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái... gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Chị T.T.A (Phường 1, TP. Bạc Liêu) tham gia một phiên livestream mua thực phẩm Tết gồm khô và các loại hạt, mứt. Chị kể, không khí buổi live hào hứng lắm, hàng hóa phong phú, bắt mắt, mọi người giành nhau chốt đơn vì giá rẻ còn được khuyến mãi. Đến khi nhận hàng thì chị mới tá hỏa vì tất cả các sản phẩm đều không có nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng, sản phẩm cũng không giống như lúc xem trên live. Gọi điện thoại phản ánh thì nơi bán cho biết, đây là hàng hóa “nhà làm”, đảm bảo an toàn, nhưng khi hỏi lấy gì để đảm bảo (không có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng) thì không trả lời được. Thế là chị T.A đành ngậm ngùi vứt bỏ, không dám dùng.
Do đó, thời điểm mua sắm cận tết Nguyên đán, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi “chốt đơn” mua sắm online, nhất là với những mặt hàng thực phẩm trên livestream.
AI BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG?
Hiện nay, có rất nhiều chị em phụ nữ thường xuyên theo dõi các trang bán hàng hiệu giá rẻ của một số người mẫu nổi tiếng, hoặc được giới thiệu là tiếp viên hàng không bán hàng xách tay. Ở các trang này, từ đồng hồ, túi xách đến nước hoa đều là hàng hiệu nổi tiếng các nước Mỹ, Anh, Pháp, Nhật… nhưng có giá chỉ vài trăm ngàn đồng. Một sản phẩm khác là thực phẩm chức năng được quảng cáo trị bá bệnh nhưng không có chứng nhận của Bộ Y tế cũng được bán tràn lan. Nhiều người từ trẻ đến già đều trở thành nạn nhân của các loại thực phẩm này. Ngay cả khi phát hiện hàng nhái, hàng giả, cũng khó mà khiếu nại, nhất là khi mua trên các trang mạng xã hội. Thấy bị khách hàng tố, khiếu nại là những đối tượng này lập tức chặn liên lạc, xóa thông tin… Còn người tiêu dùng loay hoay khi lỡ mua phải hàng kém chất lượng mà không biết cách thức khiếu nại, không biết cơ quan nào sẽ bảo vệ mình?
Ở Việt Nam, chính sách bảo vệ người tiêu dùng khá toàn diện, hiện tại đã có Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật Khám chữa bệnh; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, rượu bia; Luật Cạnh tranh, Luật Giao dịch điện tử 2005, Luật An toàn thông tin mạng 2015… Tuy nhiên, mặc dù có nhiều quy định nhưng các quy định vẫn chưa thống nhất nhau, và chưa theo kịp với sự phát triển nhanh của không gian mạng nên quyền lợi của người tiêu dùng trên mạng vẫn bị xâm hại nghiêm trọng.
Việc quản lý hoạt động quảng cáo bán hàng trên nền tảng mạng xã hội vẫn còn bỏ ngỏ, cơ quan chức năng vẫn vừa làm vừa rút kinh nghiệm và không thể xử lý được. Ngoài ra, với quy định khiếu nại phải ở tại địa bàn đặt cơ sở kinh doanh, thì với việc kinh doanh trên mạng, tìm địa chỉ của các trang bán hàng chẳng khác nào “mò kim đáy biển”, nếu đối tượng cố tình kinh doanh gian dối. Do đó, lời khuyên tốt nhất vẫn là người tiêu dùng nên lựa chọn những trang bán hàng online có uy tín, có địa chỉ cụ thể, có chính sách đổi trả hàng rõ ràng để tránh “tiền mất, tật mang”.
KIM KIM
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau