Tòa Soạn - Bạn đọc
Cảnh báo chiêu lừa bằng hình thức “đi chợ hộ” mùa dịch
Lợi dụng nhu cầu cần mua hàng hóa trong những ngày địa phương thực hiện phong tỏa cách ly y tế để phòng chống dịch COVID-19, một chiêu thức mới của các đối tượng bất hảo sử dụng là dịch vụ “đi chợ hộ” để lừa tiền người dân.
Xuất phát từ việc đi lại khó khăn của người dân và nhu cầu mua hộ hàng hóa tăng cao, những kẻ bất hảo tham gia vào các hội nhóm trên Zalo và Facebook, kết bạn với các tài khoản cá nhân rồi rao về dịch vụ “shipper mùa dịch”. Cụ thể là nhận đi chợ hộ hoặc đi lấy hàng hóa từ những điểm người dân đã đặt mua, mang đến tận nhà và thu phí dịch vụ. Tuy nhiên, đây chỉ là vỏ bọc của chiêu lừa, mục đích thật sự mà đối tượng mong muốn là được chuyển trước số tiền mua hàng vào tài khoản, sau khi nhận được tiền hoặc giao dịch không thành thì lập tức khóa mọi liên lạc với khách hàng. Do lòng tin đặt sai chỗ, thiếu kiểm chứng thông tin về người đang giao dịch với mình, một số trường hợp đã mắc bẫy lừa.
Thông tin về chiêu lừa được chia sẻ rộng rãi trên Facebook nhằm cảnh báo mọi người. Ảnh: Đ.H
Chị N. - một người dân bị lừa tiền bằng chiêu trò trên bức xúc: “Tôi cứ nghĩ có thể tin tưởng được, vì ở Bạc Liêu hiện nay dịch vụ giao hàng cũng khá phổ biến và hoạt động có hiệu quả thời gian lâu rồi. Cộng thêm nhu cầu mua sữa, tã lót cho con rất bức thiết nên tôi không ngần ngại mà chuyển khoản trước số tiền gần 1 triệu đồng, nào ngờ dính vào trò lừa tiền thất đức. Dịch bệnh không đi làm được, thu nhập đã giảm, nay gặp tình cảnh này khiến cuộc sống càng khó khăn hơn”.
Cũng tìm đến dịch vụ đi chợ hộ trên mạng xã hội để mua các hàng hóa thiết yếu cho gia đình, chị A.P (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) cho biết từng giao dịch với đối tượng bất hảo nhưng may là chưa bị lừa tiền. “Lúc đầu khi giao dịch, đối tượng còn rất nhiệt tình trao đổi với mình về thông tin lấy hàng, phí đi chợ hộ. Tuy nhiên, sau khi đã chốt thời gian giao - nhận, mình cho biết đã chuyển khoản 800.000 đồng tiền hàng cho người bán (không thông qua trung gian là đối tượng đi nhận - giao hàng), còn phí dịch vụ khi nhận được hàng mình trả trực tiếp cho người giao hàng thì bị người này chặn Facebook, không thể liên lạc được”, chị A.P kể lại qua điện thoại.
Đây cũng là tình cảnh tương tự của nhiều người khác, thay vì bằng thái độ thân thiện, nhiệt tình ban đầu, đối tượng sẽ chặn khách hàng ngay khi giao dịch chuyển tiền trước cho mình không thành công. Bên cạnh những khách hàng tỉnh táo, có ý thức cảnh giác cao thì cũng có một số trường hợp đã vội tin vào phía cung cấp dịch vụ mà thiếu kiểm chứng những thông tin cần thiết, dẫn đến bị lừa tiền. Ngay khi phát hiện hình thức lừa đảo này, nhiều người đã nhanh chóng đăng bài trên trang cá nhân, các hội nhóm để cảnh báo nhau, tránh xa những kẻ lợi dụng mùa dịch để trục lợi bất chính.
Không chỉ riêng ở Bạc Liêu mà gần đây ở nhiều tỉnh, thành khác đã xuất hiện kiểu lừa đảo tương tự. Thậm chí, các đối tượng bất hảo trà trộn vào các nhóm đi chợ giúp dân của đoàn thể, chính quyền địa phương trong mùa dịch để nhắn tin riêng nhằm “săn mồi”. Mua hàng hóa trong mùa dịch là nhu cầu bức thiết của mọi nhà, tuy nhiên người dân nên liên hệ trực tiếp với các tổ đi chợ hộ dân theo danh sách, số điện thoại đã được các phường, xã công khai, tránh bị lợi dụng dẫn đến mất tiền oan uổng.
Đ.H
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024