Tòa Soạn - Bạn đọc
Cảnh báo tình trạng trục lợi khi khẩu trang y tế, nước sát khuẩn khan hiếm
Từ đầu tháng 2 đến nay, việc đi mua khẩu trang y tế (KTYT) trở thành vấn đề nóng nhất tại nhiều địa phương. Bởi trước nhu cầu tăng một cách quá đột ngột, nguồn cung không đủ đã đẩy KTYT trở thành mặt hàng được săn đón nhất. Nhiều người dân cho biết, hơn tuần nay dù lùng sục khắp nơi, vẫn không sao tìm mua được KTYT. Nhiều người đành quay sang tìm kiếm hy vọng trên mạng, vào các trang bán hàng của mạng xã hội để mua với giá khá đắt, và cái kết đôi khi lại mua nhầm hàng kém chất lượng.
Khi KTYT quý hơn… vàng
Câu ví von này xuất phát từ thực tế, vàng thì có tiền là có thể mua được, còn KTYT ở thời điểm này dù có tiền cũng “bó tay”. Cũng như ngày lễ tình nhân vừa qua, bà con đã rỉ tai nhau món quà tặng ý nghĩa nhất trong mùa dịch COVID-19 là hộp KTYT và chai nước rửa tay sát khuẩn thay cho hoa hồng và sô-cô-la. Tuy là chuyện vui giữa mùa dịch, nhưng lại phản ánh đúng một thực tế: Tình hình khan hiếm hàng hóa, dụng cụ y tế phòng ngừa dịch COVID-19 là có thật.
Tương tự, từ đầu tháng 1/2020 đến nay, cụm từ “hot” nhất trên mạng xã hội là KTYT. Cộng đồng mạng xã hội chia sẻ, luận bàn đủ thứ chỉ xoay quanh chủ đề này. Bởi gần như hiện nay, không chỉ tại Bạc Liêu mà rất nhiều tỉnh, thành phố cũng đang rơi vào tình trạng KTYT thiếu trầm trọng. Gần một tuần nay, chúng tôi đã đóng nhiều vai để đi mua KTYT và cái kết chỉ có một: Không có hàng. Đến nhiều cơ sở kinh doanh thuốc tây, dụng cụ y tế, từ tỉ tê đến “dụ dỗ” kiểu như chấp nhận mua hàng giá cao, cần số lượng lớn… đều chỉ nhận về những cái lắc đầu.
Một cửa hàng kinh doanh dụng cụ y tế tại phường 3 (TP. Bạc Liêu) cho biết, hiện nay KTYT hết là do nguồn cung cấp phía trên không còn, chứ cửa hàng không dự trữ. Cách mấy hôm cũng có một đợt hàng, nhưng KTYT vừa về đến thì 30 phút sau, người ta đã mua sạch, dù cửa hàng chỉ bán cho mỗi người 1 hộp.
“Hết khẩu trang” là tình trạng thường thấy ở các cơ sở kinh doanh thuốc tây thời điểm hiện nay. Ảnh: K.P
Hàng dỏm nhan nhản trên mạng
Hàng chục ngàn khẩu trang “cao cấp” dỏm vừa bị Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phối hợp với đội Cảnh sát kinh tế - Công an TP. Hồ Chí Minh tạm giữ, nhãn hiệu Katavi, được quảng cáo là khẩu trang kháng khuẩn Katavi 4 lớp, loại 50 cái/hộp, loại cao cấp. Tuy nhiên, theo ngành chức năng, qua kiểm tra, khẩu trang này chỉ có 2 lớp, không có lớp giữa vải lọc kháng khuẩn chất lượng, không phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở tự công bố. Đó chỉ là một trong hàng trăm ngàn loại khẩu trang dỏm ăn theo giữa tâm dịch COVID-19.
Trước nhu cầu quá lớn, rất nhiều người dân chọn giải pháp tình thế kiểu như mua hàng online. Hàng tốt, hàng xấu, thậm chí hàng dỏm, làm từ giấy ăn chen chân nhau mọc đầy trên các mạng xã hội. Trong khi hầu hết người dân không có chuyên môn thì rất khó để phân biệt đâu là khẩu trang đạt chuẩn theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Họ cứ thế đeo vào coi như một giải pháp để an tâm, biết đâu rằng nếu chúng ta đeo khẩu trang dỏm, còn nguy hại hơn là một cái khẩu trang vải được giặt sạch, phơi nắng.
KIM TUẤN
-----------------------------------------------------------
Ông Hà Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường: Bạc Liêu không phát hiện tình trạng đầu cơ, ghim hàng
Trong đợt dịch bệnh COVID-19, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, thành lập Tổ thường trực về phòng chống dịch do Cục trưởng làm Tổ trưởng. Tổ này nắm bắt, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh, kịp thời ứng phó với các trường hợp khẩn cấp tại địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Chỉ đạo tăng cường công tác kiển tra, kiểm soát thị trường, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là đối với thiết bị y tế, khẩu trang y tế, thuốc sát khuẩn, nước rửa tay sát khuẩn… Bên cạnh đó là việc bình ổn giá, không để các cơ sở, cửa hàng kinh doanh tăng giá bán các mặt hàng thiết bị y tế, hàng hóa lương thực thiết yếu, đầu cơ, ghim hàng.
Đã qua, Cục QLTT chỉ đạo các chi cục yêu cầu 233 cơ sở kinh doanh thuốc tây trên địa bàn tỉnh ký cam kết bán đúng giá niêm yết. Xử phạt 3 đơn vị có dấu hiệu vi phạm liên quan đến giá niêm yết với số tiền hơn 2,2 triệu đồng.
Cục QLTT chưa phát hiện tại Bạc Liêu có tình trạng cơ sở đầu cơ, ghim hàng trục lợi đối với khẩu trang y tế. Nguồn hàng khan hiếm chủ yếu do không nhập được từ đầu mối cung cấp.
Đối với các loại khẩu trang cũng như các loại hàng hóa y tế không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên mạng, do việc mua bán nhỏ lẻ nên việc xử lý hiện tại rất khó khăn. Các đơn vị như Cục QLTT, Cảnh sát Kinh tế cũng đang theo dõi, nắm tình hình để có hướng xử lý đối với những trường hợp này. Người dân nên cảnh giác, đừng mua hàng qua mạng theo kiểu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, được quảng cáo là hàng xách tay…
Cục QLTT tỉnh cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân thông tin, báo khi phát hiện sai phạm: 1900888655. Ngoài ra, tại Bạc Liêu, người dân có thể trực tiếp gọi vào số điện thoại của Cục trưởng Cục QLTT: 0913990177.
BS. Nguyễn Minh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế: Tình hình dịch bệnh tại Bạc Liêu trong tầm kiểm soát
Sở Y tế đã liên hệ với hơn 20 công ty thiết bị y tế để đặt mua khẩu trang y tế (KTYT), những công ty này đều do Bộ Y tế giới thiệu nhưng họ từ chối cung cấp, báo không có hàng.
Nhờ Sở Y tế có dự trữ phòng chống dịch năm trước nên KTYT vẫn đủ sử dụng cho ngành Y tế trong điều trị và dự phòng.
Tuy khan hiếm KTYT, nhưng tình hình dịch bệnh ở miền Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng tương đối ổn định, nên mọi người đừng quá lo lắng…
K.P - M.Đ (thực hiện)
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long