Tòa Soạn - Bạn đọc
Cảnh giác với chiêu trò báo án giả
Có rất nhiều kiểu lừa đảo trong thời đại công nghệ số hiện nay. Nhưng kiểu lừa đảo thông qua việc báo án giả để người dân cảm thấy hoang mang, lo sợ, từ đó mất cảnh giác mà cung cấp thông tin cá nhân, thậm chí chuyển tiền để được giúp đỡ đã bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều tại Bạc Liêu, gây bức xúc cho nhiều người.
Nội dung tin nhắn chat Zalo với đối tượng lừa đảo. Ảnh chụp qua màn hình: K.K
Chị N.L (TP. Bạc Liêu) cho biết, chị nhận được một cuộc gọi thông báo chị có thư của TAND TP. Hà Nội. Người gọi cho chị N.L tự xưng là nhân viên bưu điện cũng thông báo vụ việc liên quan đến việc chị mở tài khoản thấu chi của một ngân hàng ở Hà Nội có số tiền nợ lên đến gần 50 triệu đồng. Giờ ngân hàng đó làm đơn khởi kiện chị về việc không trả tiền và Công an TP. Hà Nội đang thụ lý. Đối tượng này còn đọc vanh vách họ tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ… của cha mẹ và chồng chị N.L, như một lệnh truy nã thật sự. Sau đó thông báo Công an Hà Nội thực hiện việc báo án và hướng dẫn chị N.L thực hiện việc báo án qua đường dây nóng. Được sự hướng dẫn của tổng đài, chị N.L bấm phím 9 và gặp điều tra viên. Điều tra viên xưng tên là Phạm Anh Tuấn - Phòng CSĐT Công an Hà Nội. Người này nói là theo hồ sơ truy vết của cơ quan Cảnh sát điều tra thì chị N.L có giao dịch với ngân hàng X., mở tài khoản Y. từ năm 2010 đến nay - những thông tin này hoàn toàn chính xác khiến chị N.L thật sự hoang mang. Điều tra viên này còn yêu cầu chị N.L liên lạc qua Zalo để dễ trình bày, hướng dẫn cách thức “gỡ rối”.
Tương tự như trường hợp chị N.L là ông T.H. Một đối tượng gọi điện cho ông T.H, nói rõ luôn là con gái ông đang bị điều tra về việc rửa tiền ở Hà Nội. Nhóm đối tượng này còn thông báo đã có lệnh khởi tố bị can, nếu không nhanh chóng nhờ cậy để được giúp đỡ thì không lâu sau, quyết định khởi tố được Công an Hà Nội gửi vào cho Công an Bạc Liêu phối hợp điều tra thì không ai “cứu” được. Cảnh giác cao độ, ông T.H gọi điện cho con gái và nhanh chóng phát hiện ra đây là chiêu trò lừa đảo.
Nếu như trước đây, việc lừa đảo chỉ đơn giản là những thông tin chung chung, người dùng mạng dễ dàng cảnh giác thì hiện nay, như trường hợp của chị N.L, rõ ràng, trước khi nhắm đến một người nào, bọn lừa đảo còn nắm rõ được giấy tờ tùy thân từ cha mẹ đến vợ chồng con cái, rồi thời gian qua có những giao dịch ở đâu… khiến người bị nhắm đến tin “sái cổ”.
Mặc dù không biết bằng thủ đoạn nào, nhưng nhiều đối tượng đã có được khá nhiều thông tin cá nhân của người dân, và dùng vào các mục đích không chính đáng. Từ việc đơn giản là làm phiền khi bán hàng, giới thiệu mua các dự án, cho vay cho đến lừa đảo kiểu vừa kể trên. Nhiều người, nếu không cảnh giác cao độ, rất dễ dàng bị đối tượng lừa đảo lợi dụng, thậm chí chuyển cả tiền để chạy án.
Thiết nghĩ, đâylà bài học cảnh giác cho nhiều người, phải luôn tỉnh táo như chị N.L, bởi ngay cả khi có quyết định khởi tố hay điều tra, cũng không có cơ quan công an nào làm việc với đương sự, với bị can qua điện thoại tổng đài.
Kim Kim
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024