Cấp “sổ đỏ” và câu chuyện quản lý nhà nước về đất đai

Thứ Hai, 22/05/2023 | 16:26

Đất đai luôn là vấn đề nóng từ trong Nhân dân cho đến phạm trù quản lý nhà nước. Cấp “sổ đỏ” nhanh chóng, không phiền hà là một trong những mong mỏi của người dân, doanh nghiệp nhiều năm nay; là “đích đến” của các cơ quan hành chính nhà nước trong nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính về đất đai. Đó cũng là quan điểm chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” (Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022).

Bài 1: Nhiêu khê xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Để giúp Nhà nước thực hiện tốt các biện pháp quản lý đối với đất đai, đồng thời để người sử dụng đất thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Đất đai, thời gian qua, Bạc Liêu đã rất quan tâm đến công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Tuy nhiên, qua thực tế thì vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, nhất là việc cấp chậm trễ, kéo dài thời gian, gây bức xúc và giảm lòng tin của người dân với cơ quan, tổ chức.

Ban pháp chế HĐND tỉnh giám sát tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại TP. Bạc Liêu.

“N” thủ tục hành dân

Theo yêu cầu của địa phương, bà N.N.T (Phường 2, TP. Bạc Liêu) đi làm thủ tục cấp đổi Giấy CNQSDĐ. Nhưng chỉ với biểu mẫu xin xác nhận thông tin đổi sổ, bà T. phải mất hơn 2 tháng mới được chấp nhận với lý do là bản thân ít chữ nghĩa, nên việc viết đơn và điền vào các biểu mẫu có sẵn cứ sai chỗ này, thiếu chỗ kia, mỗi lần nộp hồ sơ (HS) vô thì ít hôm lại bị gọi lên trả về. Không phải cán bộ ở phường cố tình làm khó, mà ai cũng nhiều việc, có hướng dẫn nhưng nói xong thì bà T. “cái quên cái nhớ”. Bí bách quá, bà T. đã nhờ một chị hàng xóm (là cán bộ của một ngành ở TP. Bạc Liêu) điền giúp thông tin và nộp giúp. Thật không ngờ, HS của bà T. được thông qua trót lọt, dù trước đó, bà đã dò thử 2 biểu mẫu (của mình và của chị hàng xóm) và không tìm thấy sự khác biệt.

Cũng liên quan đến cấp đổi “sổ đỏ”, vợ chồng ông T.H (Phường 1, TP. Bạc Liêu) mất rất nhiều thời gian chỉ vì yêu cầu ký giáp ranh. Trong hàng chục thủ tục để có thể được nhận lại cái “sổ đỏ” vốn là của mình, bức xúc nhất chính là thủ tục đo đạc lại. Theo trình tự, thủ tục giải quyết HS cấp đổi sổ của UBND TP. Bạc Liêu với 15 bước, thì bước đầu tiên chính là phải lập phiếu yêu cầu đo đạc. Chỉ ở bước này, nhiều HS cấp đổi bị vướng hết sức vô lý, nhất là khi không có biến động về tăng giảm diện tích. Như trường hợp của vợ chồng ông T.H, do một bên chủ đất không chịu ký giáp ranh, Văn phòng đăng ký đất trả HS với yêu cầu người dân làm sao để được ký giáp ranh mới… tính tiếp.

Vợ chồng ông T.H “kêu trời không thấu”, vì mảnh đất giáp ranh của ông bà, chủ đất không có tại địa phương, cũng không biết đâu mà tìm. Chạy vạy, nhờ cậy, dùng mọi cách có thể cuối cùng cũng tìm ra chủ đất, rồi tiếp tục năn nỉ ỉ ôi, thậm chí chịu tốn kém để có được cái chữ ký giáp ranh mà trước đó, khi được cấp Giấy CNQSDĐ lần đầu, đã có đầy đủ?! Giả sử trong câu chuyện tương tự của vợ chồng ông T.H, nếu không có được chữ ký giáp ranh thì HS không biết sẽ ách tắc đến bao giờ, thậm chí có nguy cơ phát sinh tranh chấp trong khi không hề có biến động về đất đai.

Nhiều người dân khi đi làm thủ tục cấp đổi Giấy CNQSDĐ theo yêu cầu của quản lý nhà nước, đều có chung cảm nhận hết sức gian nan, nhiêu khê. Nói theo cách dân gian, tức là từ “sổ đỏ” đã có sẵn, hợp pháp, đổi thành một cuốn “sổ đỏ” theo yêu cầu mới của cơ quan hành chính, người dân phải mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc (đóng rất nhiều phí, chưa kể phí dịch vụ), kể cả lòng tin. Chỉ riêng tại TP. Bạc Liêu, trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại Giấy CNQSDĐ phải qua 15 bước, ít hơn việc xin cấp lần đầu chỉ 1 bước.

Đó cũng chính là lý do khiến việc thực hiện Kế hoạch 142 về cấp mới, cấp đổi Giấy CNQSDĐ trên địa bàn do UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành đến thời điểm hiện nay vẫn không đạt. Điển hình như tại TP. Bạc Liêu, trong năm 2022, chỉ cấp đổi được hơn 2.000 HS, trong khi số thửa đất còn chưa được cấp đổi hơn 20.000 thửa. Tương tự, huyện Vĩnh Lợi còn gần 50.000 thửa; huyện Hòa Bình hơn 37.000 thửa phải thực hiện cấp đổi; hết năm 2022, Vĩnh Lợi cũng chỉ cấp đổi được hơn 3.300 HS, huyện Hòa Bình con số còn khiêm tốn hơn.

Nhu cầu về cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại tỉnh Bạc Liêu vẫn còn rất lớn. Ảnh: K.P

Một cửa nhiều… ô

Bà B.T khi đi nộp HS về đất đai tại Trung tâm Hành chính công của TP. Bạc Liêu được hướng dẫn nộp tại ô số 2, nhận giấy hẹn 12 ngày trả kết quả. Đúng hẹn, bà B.T được yêu cầu đến ô số 12 lấy kết quả nhưng kết quả đâu không thấy, chỉ nhận một tờ giấy và được yêu cầu nộp trở lại vào ô số 2 rồi đi về chờ tiếp?!

Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là, vì sao dù nhiều lần cải cách thủ tục hành chính về đất đai nhưng việc cấp sổ vẫn không kém phần nhiêu khê? Các cơ quan chức năng trong cùng Trung tâm Hành chính công tại sao lại không thể chủ động ký kết, thỏa thuận để tự chuyển giao HS, giấy tờ dễ dàng, cũng là thuận tiện cho người dân? Người dân phải mất thời gian đến đây chỉ để nộp 1 tờ giấy từ ô này qua ô kia. Cái mất ở đây không chỉ là thời gian, công sức, tiền bạc mà còn gây ức chế, gây tổn hại lòng tin của dân với cơ quan nhà nước.

Trong trình tự, thủ tục để được cấp Giấy CNQSDĐ lần đầu mà một công dân bình thường đi làm thủ tục phải thực hiện, cần đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để lập phiếu yêu cầu đo đạc (nhanh nhất là 15 ngày). Tiếp đó, phải nộp HS đăng ký, cấp Giấy CNQSDĐ tại UBND cấp xã, phường nơi có đất (một cửa cấp xã). Sau đó phải ghi hàng đống biểu mẫu, HS, chờ cấp xã ra Phiếu tiếp nhận HS và hẹn ngày trả kết quả (thời gian quy định 17 ngày nhưng thực tế thì có khi hàng mấy tháng trời do phải kiểm tra HS địa chính, xác minh, xác nhận nguồn gốc, diễn biến sử dụng đất, tình trạng đất…). Sau đó lại phải đi kê khai lệ phí trước bạ, đóng tiền sử dụng đất, thuế…

Chỉ mới hết 5 bước ở cấp xã, phường trong 16 bước để được cấp “sổ đỏ”, mà nhiều người đã “hoa mắt, chóng mặt”. Một cán bộ đang công tác tại một cơ quan cấp tỉnh khi chất vấn liên quan đến việc cấp Giấy CNQSDĐ đã phải thốt lên, chỉ khi tự mình đi làm giấy tờ đất đai thì mới thật sự đồng cảm với người dân. Khi mà chuyện đi tới lui hàng chục lần vẫn chưa hoàn thiện một hồ sơ vẫn được xem là… bình thường thì người dân sẽ còn khổ dài dài với thủ tục hành chính.

Kim Phượng

Theo thống kê trong vòng 5 năm, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh tiếp nhận, giải quyết cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy CNQSDĐ là 45.442 HS, trong đó cấp mới 13.712 HS (có 54 HS tổ chức); cấp đổi, cấp lại 31.730 HS (có 92 HS tổ chức); số lượng HS yêu cầu bổ sung thủ tục sau khi tiếp nhận 4.951 HS. Tổng số HS xin cấp Giấy CNQSDĐ đã được giải quyết là 299.353 HS, trong đó số lượng HS giải quyết không đúng thời hạn luật định đến 56.710 HS. HS quá hạn giải quyết chậm, kéo dài với thời gian lâu nhất đến 120 ngày đối với tổ chức, khoảng 153 ngày đối với hộ gia đình, cá nhân.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.