Tòa Soạn - Bạn đọc
Cấp “sổ đỏ” và câu chuyện quản lý nhà nước về đất đai
>>> Bài 1: Nhiêu khê xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Anh A (Phường 3, TP. Bạc Liêu) vì nhiều lý do, trong đó nguyên nhân chính là ngán ngại những rắc rối mang lại nên cứ chần chừ việc đổi “sổ đỏ”. Tuy nhiên, do nhiều thủ tục thay đổi về nhân thân (Căn cước công dân), rồi nghe nói chỉnh lý cập nhật bản đồ địa chính mới…, nhiều người khuyên anh nên sớm đi đổi sổ. Quả thật, đến khi có việc cần (vay vốn ngân hàng để kinh doanh), sổ cũ không thế chấp được, thế là hành trình đi đổi sổ bắt đầu. Dẫu đã biết trước, nhưng hồ sơ của anh cũng bị trả về mấy bận, vướng chỗ này, gỡ chỗ kia. Anh A. mất tổng cộng hơn 4 tháng trời để làm cái việc mà lẽ ra, theo đúng quy định, chỉ chưa đến 1 tháng.
Đây cũng là tâm lý chung của nhiều người dân hiện nay, rất sợ khi nghe nhắc đến việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, trừ trường hợp họ bắt buộc phải làm!
Sở Tài nguyên - Môi trường báo cáo về tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh với Đoàn giám sát của HĐND tỉnh.
QUY ĐỊNH KHÔNG GÂY PHIỀN DÂN
Ngày 4/10/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 142 nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là Giấy Chứng nhận) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, đến hết quý 2/2022, phải hoàn thành toàn bộ việc cấp Giấy chứng nhận theo dự án đo đạc, xây dựng hồ sơ địa chính tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Thế nhưng đến nay, tiến độ cấp mới, cấp đổi tại 3 địa bàn huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi và TP. Bạc Liêu vẫn khá chậm, chỉ đạt 40%.
Trong Kế hoạch, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương phải tập trung triển khai cấp đồng loạt, thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành có liên quan giải quyết những trường hợp vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, nhất là trong việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu, cấp đổi, UBND tỉnh yêu cầu cơ quan tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính không gây phiền hà, sách nhiễu khi lập hồ sơ, thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận; công khai trình tự, thủ tục và các loại phí, lệ phí cấp Giấy chứng nhận tại nơi tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận. Xử lý nghiêm những cán bộ gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình lập hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận. Hồ sơ mà người sử dụng đất đã kê khai, đăng ký theo dự án đo đạc thì UBND cấp xã có trách nhiệm thẩm tra, xét duyệt kịp thời; đối với hồ sơ kê khai, đăng ký đơn lẻ thì UBND cấp xã thẩm tra, niêm yết, xét duyệt đúng thời gian quy định.
Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế vận hành, câu chuyện đi làm Giấy chứng nhận (hay gọi dân dã là làm “sổ đỏ”) lại cực kỳ khó khăn.
CHẬM TRỄ CHỈ VÌ NGUYÊN NHÂN KHÁCH QUAN
Nguyên nhân của việc chậm trễ được ngành chức năng viện dẫn rất nhiều, chủ yếu chỉ dừng lại ở các nguyên nhân khách quan. Như việc hồ sơ, thủ tục đất đai rất phức tạp; hằng ngày số lượng hồ sơ tiếp nhận, trả kết quả tại Bộ phận hành chính công rất nhiều, nhưng bộ phận tiếp nhận tại Bộ phận hành chính công chỉ có 1 người, do đó khâu kiểm tra tiếp nhận hồ sơ chưa được chặt chẽ. Đối với hồ sơ cấp Giấy chứng nhận lần đầu do người dân tự lập và tự khai quá trình sử dụng đất, nhưng sau khi tiếp nhận hồ sơ chuyển đến, UBND cấp xã xác minh, kiểm tra nội dung, nếu việc người dân kê khai không đúng về nguồn gốc, thời gian sử dụng thì phải chỉnh sửa, bổ sung hoặc trả hồ sơ để lập lại.
Tuy nhiên, những nguyên nhân chủ quan do cán bộ tiếp nhận hồ sơ còn hạn chế về năng lực chuyên môn, hoặc cố tình không giải quyết đúng quy định; bằng cách này hay cách khác gây khó dễ cho người dân thì lại ít khi tìm thấy trong các báo cáo.
Đơn cử như câu chuyện của ông Phạm Thanh Đ. (TP. Bạc Liêu) nộp bộ hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công TP. Bạc Liêu, xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở đô thị tại khóm 4 (Phường 7, TP. Bạc Liêu). Trong quá trình thực hiện thủ tục, ông Đ. đã nộp tiền đo đạc và nhận phiếu hẹn. Thế nhưng, hồ sơ của ông Đ. liên tục gặp trục trặc, bị trả đi trả về vì có sự can thiệp của lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường TP. Bạc Liêu với lý do diện tích đất đó nằm trong khu vực đang có nhà đầu tư xin vào khảo sát lập quy hoạch xây dựng dự án khu đô thị nên không cho chuyển đổi. Trong câu chuyện này, điều bức xúc của người dân trước hết liên quan đến việc áp dụng pháp luật, điều mà pháp luật hoàn toàn không quy định; từ đó ngăn cản không cho người dân nộp thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” lúc nào cũng quá tải ở các Văn phòng đăng ký đất đai. Ảnh: K.P
CÁI KHÓ ĐẨY VỀ PHÍA... NGƯỜI DÂN
Đơn giản hơn, trong quy trình tiếp nhận và trả kết quả cấp Giấy chứng nhận được Sở Tài nguyên - Môi trường liệt kê, có quy định nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 3 ngày làm việc phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ phải xử lý cho công dân; nếu hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết thì trả hồ sơ và thông báo rõ lý do không đủ điều kiện giải quyết. Dựa vào quy định “trả hồ sơ” mà không có ràng buộc về trách nhiệm của tổ chức, cơ quan hướng dẫn người dân phải làm gì để tháo gỡ vướng mắc, rất nhiều trường hợp đã bị trả hồ sơ “kêu trời không thấu” như trường hợp vợ chồng ông H. do chủ đất liền kề không ký giáp ranh; hoặc những vướng mắc liên quan đến xác định hiện trạng đất; nguồn gốc… Người dân phải “tự bơi” để tháo gỡ khó khăn cho hồ sơ đất của mình, rất hiếm khi nhận được sự giúp đỡ tận tình của cơ quan chức năng nếu không quen biết, “nhờ cậy”.
Hay như theo quy định, hồ sơ, thủ tục đất đai không bắt buộc người dân phải nộp Căn cước công dân hoặc giấy tờ liên quan về nhân thân, nhưng cơ quan thuế lại yêu cầu khi xác định nghĩa vụ tài chính nên nhiều hồ sơ bị trả lại để bổ sung. Đây rõ ràng là “lỗ hổng” trong công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong thực thi công vụ, nhưng cuối cùng, người gánh chịu lại chính là người dân.
Tại báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường gửi đến Ban pháp chế HĐND tỉnh, trong đánh giá về hiệu quả và mức độ hài lòng của người dân đối với Văn phòng đăng ký đất đai và các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đã đánh giá, từ khi thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thì việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận đã có nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính có những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc giải quyết hồ sơ chậm trễ, trong đó có một ít cán bộ thực hiện nhiệm vụ còn có biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn, chậm trễ, do đó người dân, doanh nghiệp chưa được hài lòng.
Sự không hài lòng của người dân, doanh nghiệp nếu cứ để kéo dài, chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước về đất đai mà còn làm suy giảm lòng tin của người dân với cơ quan nhà nước nói riêng, đến tôn nghiêm của pháp luật nói chung.
KIM PHƯỢNG
Ông Nguyễn Bình Tân - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, thành viên Ban pháp chế HĐND tỉnh, cho rằng mặt chủ quan dẫn đến những hạn chế trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có cả vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các đơn vị, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu. “Tôi nghe phản ánh nhiều về thái độ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ ở các trung tâm hành chính công” - Trưởng Ban Nội chính thẳng thắn bày tỏ, “Kể cả vấn đề “cò”, phải thẳng thắn thừa nhận là có, nhưng khó xử lý”.
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh
- Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải
- Tỷ phú nuôi nghêu - Huỳnh Mừng Em: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024