Tòa Soạn - Bạn đọc
Cấp “sổ đỏ” và câu chuyện quản lý nhà nước về đất đai
>>> Bài 2: Những bất cập từ lý luận đến thực tiễn áp dụng
Bài cuối: Để thủ tục hành chính về đất đai được khơi thông
Trong đợt giám sát về việc chấp hành pháp luật trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của HĐND tỉnh, bà Trương Ngọc Thảo - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, hầu như những ý kến cử tri trong tỉnh liên quan đất đai đều mong muốn xoay quanh cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Còn đối với cơ quan công quyền, mọi vấn đề cải cách, kiểm tra giám sát chấp hành pháp luật về đất đai, cấp “sổ đỏ” cũng đều hướng đến mục tiêu lớn nhất: phục vụ và đảm bảo sự hài lòng cho người dân, tổ chức.
Lấy ý kiến đóng góp Luật Đất đai (sửa đổi) tại Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu.
Đặc biệt trong giai đoạn công nghệ số 4.0, cần đảm bảo số hóa dữ liệu và áp dụng công nghệ thông tin trên môi trường điện tử, để người dân ngồi ở nhà vẫn có thể thực hiện TTHC về đất đai. Thế nhưng, thật là bài toán khó khi mà hiện nay tại tỉnh Bạc Liêu, người dân trực tiếp đi làm “sổ đỏ” còn trầy trật năm lần bảy lượt, thì câu chuyện cấp “sổ đỏ” online nghe vẫn xa xỉ, nếu không có sự quyết tâm của các cấp chính quyền, cho dù chủ trương đã có.
KHI TRỐNG ĐÁNH XUÔI - KÈN THỔI NGƯỢC
Trong câu chuyện về cấp GCNQSDĐ, nhiều người dân có “sổ đỏ” vẫn còn chưa hết hạn, nhưng vì vướng quy định về cập nhật mới của tỉnh liên quan đến bản đồ địa chính chính quy nên cũng phải đi cập nhật bản đồ địa chính mới và mất khá nhiều thời gian (từ 10 - 15 ngày). Đây là vấn đề đơn giản nhất, đặc biệt đối với các thửa đất không có biến động (tăng giảm diện tích), nhất là trong các khu dân cư, tuy nhiên, với quy định riêng của tỉnh, để có thể giao dịch (chuyển nhượng, thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm…), người có “sổ đỏ” lại phải mất công đi cập nhật lại. Ông V.V.H - một người vừa đi cập nhật bản đồ địa chính tại TP. Bạc Liêu, nêu thắc mắc: “GCNQSDĐ của tôi vẫn còn hiệu lực, theo quy định của Luật Đất đai là vẫn có giá trị pháp lý bình thường. Tuy nhiên, tại Bạc Liêu, để có thể giao dịch thì phải cập nhật bản đồ, không có cập nhật thì không thể làm gì được. Vì sao hiện nay bản đồ địa chính đều đã số hóa trên nền tảng điện tử, thì cơ quan hành chính không tự động cập nhật cho dân?”. Đây cũng là băn khoăn của khá nhiều người khi có những thủ tục liên quan đến đất đai cần phải liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước về đất đai. Cũng như câu chuyện về đổi “sổ đỏ”, nếu theo đúng quy định của Luật Đất đai, đặc biệt trong trường hợp không có biến động (tăng giảm diện tích) thì nên đơn giản các TTHC, chứ không thể phải qua 14, 15 bước như cấp mới lần đầu. Đây rõ ràng chỉ khiến việc cấp “sổ đỏ” thêm phức tạp, gây phiền hà, tốn kém cho người dân và còn ảnh hưởng đến câu chuyện phát triển kinh tế, khó thu hút đầu tư khi lúc nào các TTHC liên quan đến đất đai cũng không trôi.
Đất đai luôn là vấn đề nóng, dễ xảy ra tranh chấp, nếu không được quản lý tốt. Ảnh: K.P
CẤP “SỔ ĐỎ” ONLINE - BAO GIỜ TRIỂN KHAI?
Trong tháng 5/2023 này, vấn đề “nóng” nhất và được nhiều người quan tâm nhất là Công văn do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) ban hành gửi UBND các tỉnh, thành về việc thực hiện quy định mới của pháp luật về đất đai, tăng cấp “sổ đỏ” cho người dân. Trong đó, Bộ đề nghị các địa phương tăng cường nguồn lực, điều kiện về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai để tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC trên môi trường điện tử bảo đảm hiệu quả, người dân và doanh nghiệp dễ thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị định 10/2023/NĐ-CP.
Để triển khai việc cấp “sổ đỏ” trên nền tảng số, ông Phạm Ngô Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Thông tin dữ liệu đất đai (Bộ TN-MT) cho biết, việc cấp “sổ đỏ” online cho người dân thuộc thẩm quyền của các địa phương. Từ năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45 về thực hiện hành chính trên nền tảng điện tử, Chính phủ đã cho các địa phương có bước chuẩn bị.
Tuy nhiên thực tế là đến nay, trên cả nước chưa có tỉnh, thành phố nào thực hiện được việc cấp “sổ đỏ” online cho người dân. Dù vấn đề này, người dân rất ủng hộ và mong muốn được sớm triển khai. Có rất nhiều vướng mắc, chủ yếu đến từ việc lưu trữ hồ sơ, dữ liệu về đất đai không đồng bộ tại nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Bạc Liêu. Đơn cử như thông tin về thửa đất, rất nhiều dữ liệu cho đến nay vẫn phải nhập vào từ hồ sơ giấy, cập nhật thủ công. Hay như thủ tục kiểm tra hồ sơ địa chính, xác minh nguồn gốc đất, diễn biến sử dụng đất của UBND cấp xã, tại Bạc Liêu vẫn tổ chức theo hình thức xác minh thủ công, phụ thuộc hoàn toàn vào cán bộ địa chính cấp xã và cán bộ khóm, ấp chứ không phải vài thao tác gõ trên máy vi tính.
CẦN GỠ KHÓ TỪ CHÍNH SÁCH ĐẾN CÁCH ÁP DỤNG
Không cần phải có kiến thức chuyên môn như các cơ quan quản lý hành chính, mà những người dân thường cũng có thể hiểu rõ, muốn đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai, việc tiên quyết là cần phải cập nhật đồng bộ dữ liệu liên quan đến đất đai, kết hợp với việc liên thông các thủ tục từ các cơ quan trong quy trình cấp “sổ đỏ”.
Tại báo cáo của Sở TN-MT liên quan đến công tác cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, lý do khó khăn về kinh phí vẫn được nhắc đi nhắc lại, trong đó có nguyên nhân tỉnh chưa phê duyệt danh mục chi sự nghiệp ngân sách nhà nước, do đó không có kinh phí cho công tác cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính?! Thậm chí, có 3 địa phương là huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi và Phước Long không có kho lưu trữ hồ sơ về đất đai.
Liên quan đến phần mềm tiếp nhận và trả kết quả TTHC, UBND TP. Bạc Liêu cho biết, đây là phần mềm do Sở VH-TT&DL xây dựng. Trong quá trình vận hành cho đến nay, quy trình luân chuyển, tiếp nhận và đánh giá giải quyết TTHC không thực hiện được khi luân chuyển hồ sơ đến các bộ phận, cơ quan chuyên môn. Do đó, chưa đạt được hiệu quả giải quyết của TTHC, chưa đánh giá được vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong cấp “sổ đỏ” cho dân, nhất là việc cụ thể hóa thời gian giải quyết của từng cơ quan như thế nào. Đây cũng là vấn đề vướng mắc của tất cả các địa phương trong tỉnh, hiện đang sử dụng phần mềm do Sở VH-TT&DL xây dựng. Các địa phương đều kiến nghị Sở TN-MT sớm xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành quy trình giải quyết của từng TTHC, làm căn cứ để Sở VH-TT&DL xây dựng lại phần mềm tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các huyện, thị xã, thành phố.
Bên cạnh đó, một vấn đề vướng mắc khá nhiều trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương trong việc cấp GCNQSDĐ cũng là vấn đề cần tháo gỡ. Tin mừng là gần đây, ngày 13/4/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thật sự đã mở ra hướng giải quyết, tăng cường trách nhiệm của các bên trong việc cấp hồ sơ đất đai.
Riêng đối với những vướng mắc liên quan đến hồ sơ đã tiếp nhận, có một số trường hợp hồ sơ chưa đủ cơ sở pháp lý để trình cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ mà phải kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, vấn đề này Sở TN-MT kiến nghị cấp ủy, chính quyền cấp xã, cấp huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đến công tác quản lý đất đai trên địa bàn, đặc biệt là công tác cấp GCNQSDĐ cho người dân. Đồng thời xử lý nghiêm cán bộ thuộc cấp mình quản lý nếu để chậm trễ trong giải quyết hồ sơ hoặc sai phạm trong quá trình thực hiện; chỉ đạo cán bộ địa chính xã, Phòng TN-MT phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trong giải quyết hồ sơ cấp GCNQSDĐ, nhất là phải quy định cụ thể thời gian xác minh nguồn gốc đất, xác định ranh đất, đo đạc lập hồ sơ.
KIM PHƯỢNG
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh
- Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải
- Tỷ phú nuôi nghêu - Huỳnh Mừng Em: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024