Vấn đề bạn đọc quan tâm

Chi phí đầu vào vụ lúa Thu đông liên tục tăng cao

Thứ Hai, 18/10/2021 | 16:30

Giá phân bón, nhất là phân Urea liên tục tăng trong những tháng qua khiến nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh “vừa làm, vừa lo”. Bởi, hè thu là vụ lúa cần sử dụng nhiều phân bón nhất trong năm.

Nông dân phường Láng Tròn (TX. Giá Rai) bón phân cho lúa. Ảnh: C.L

Thu đông luôn là vụ lúa phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ sâu bệnh, ngập úng, đổ ngã khi lúa chín, đến việc được mùa - mất giá đã không còn là chuyện lạ. Đâu chỉ vậy, theo nhiều nông dân, trung bình 1ha lúa hè thu, nông dân phải bón thêm ít nhất 2 - 3 bao phân bón so với vụ đông xuân. Bên cạnh đó, giá phân bón tăng kéo theo các chi phí khác cũng tăng như xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống, vì vậy vụ lúa hè thu này, nông dân phải tốn thêm gần 2 triệu đồng/ha cho chi phí đầu vào. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Nông dân Trần Văn Mãnh (TX. Giá Rai) chia sẻ: “Từ đầu vụ đến nay, phân bón, xăng dầu liên tục tăng giá khiến chúng tôi khá lo lắng. Không biết cuối vụ trúng, thất thế nào, giá cả ra sao, nhưng thấy trước mắt là chi phí đầu vào đã đội lên khá cao. Nếu giá cả các mặt hàng này cứ tiếp tục tăng thì e là nông dân sẽ không có vốn nối vụ”.

Theo một số công ty, doanh nghiệp kinh doanh phân bón, nguyên nhân tăng giá là nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng, đồng thời giá phân bón trên thế giới tăng mạnh kéo theo giá phân bón trong nước cũng “leo thang” khoảng 30 - 40%. Cụ thể, giá phân Urea từ 840.000 - 860.000 đồng/bao (16.800 - 17.200 đồng/kg); DAP Trung Quốc từ 1.100.000 - 1.130.000 đồng/bao (22.000 - 22.600 đồng/kg); DAP nội địa 800.000 - 820.000 đồng/bao (16.000 - 16.400 đồng/kg); Kali miểng từ 670.000 - 690.000 đồng/bao (13.400 - 13.800 đồng/kg). Không chỉ phân bón tăng giá mà một số loại còn khan hàng, nhiều nông dân hoặc các đại lý phải đặt cọc trước mới mua được. Nông dân Trần Văn Bé (huyện Vĩnh Lợi) kiến nghị: “Tôi mong ngành Nông nghiệp và các bộ, ngành có liên quan cần sớm xem xét và có phương án bình ổn giá phân bón cũng như các loại vật tư đầu vào khác để nông dân chúng tôi yên tâm bám ruộng sản xuất”.

Mới đây, tại cuộc họp với các bộ, ngành và các bên có liên quan để tìm phương án bình ổn giá phân bón, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam cho rằng: Nông dân sản xuất trong hoàn cảnh dịch COVID-19 vốn đã chật vật, cộng thêm giá phân bón tăng phi mã lại thêm khó. Phân bón sản xuất trong nước mà tăng quá cao như vậy thì nông dân làm sao chịu nổi! Bởi vậy, ngay sau cuộc họp, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phía Nam chỉ đạo Cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ban ngành đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, phụ gia thực phẩm.

Bên cạnh đó, để góp phần bình ổn giá phân bón trong nước, đảm bảo nguồn cung, giảm bớt khó khăn cho nông dân, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh phân bón đảm bảo nguồn cung phân bón ra thị trường, tránh tâm lý lo lắng thiếu hàng hóa của người nông dân; từ đó loại bỏ được tình trạng găm hàng đẩy giá.

Về phía người sử dụng, vào thời điểm phân bón tăng giá thì nên sử dụng phân bón tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả theo nguyên tắc “5 đúng” mà Bộ NN&PTNT khuyến cáo: đúng chủng loại phân, đúng nhu cầu sinh lý của cây, đúng nhu cầu sinh thái, đúng vụ và thời tiết, đúng phương pháp. Ngoài ra, nông dân cũng nên tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, bởi loại phân này không những cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng mà còn bảo vệ hệ sinh thái đất.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.