Tòa Soạn - Bạn đọc
Chính sách tín dụng cho người lầm lỡ: Cần có giải pháp hữu hiệu hơn
Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh, tổng dư nợ sau 5 năm triển khai thí điểm thực hiện Quyết định 29 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương (gọi tắt là người lầm lỡ) và Quyết định 02 sửa đổi, bổ sung Quyết định 29 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến hết tháng 11/2020, có 45 khách hàng được vay với số tiền 872 triệu đồng.
Trong đó, có 6 khách hàng thuộc đối tượng nhiễm HIV, 11 người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và 4 người bán dâm hoàn lương. Có 24 trường hợp được vay theo hộ gia đình (nghĩa là gia đình có người nhiễm HIV, gia đình người bán dâm hoàn lương và gia đình người sau cai nghiện). Khách hàng vay được sử dụng vào các mục đích: chăn nuôi heo, gà, vịt; nuôi tôm, mua bán nhỏ, dịch vụ xe ôm, uốn tóc, thiết kế quảng cáo…
Ngân hàng CSXH tỉnh đã thu hồi nợ 24 khách hàng với số tiền hơn 400 triệu đồng. Còn lại 21 khách hàng đang nợ. Theo đánh giá của ngân hàng và tổ chức đoàn thể cấp xã nhận ủy thác, nhiều mô hình sử dụng vốn vay đem lại hiệu quả, phát triển mô hình chăn nuôi. Đa phần cuộc sống của người được vay vốn nâng lên đáng kể và tác động lan tỏa đến cả gia đình, người thân của họ. Sức khỏe, tinh thần được cải thiện; việc làm, thu nhập của người lầm lỡ dần ổn định và nâng lên. Thậm chí có người cất được nhà khang trang bắt đầu từ nguồn vốn ấy, khiến họ có động lực, niềm tin hơn để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Anh Kim Val (đối tượng nhiễm HIV - xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) chăm sóc hoa màu. Ảnh: H.D
Ông Huỳnh Văn Hiếu - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phong Thạnh Tây B (huyện Phước Long) đánh giá, 8 trường hợp trên địa bàn xã (chủ yếu trong Câu lạc bộ Phòng, chống tệ nạn xã hội) được tiếp cận nguồn vốn đều hoan nghênh chính sách này. Họ đều có mô hình làm ăn phù hợp và hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, với người sau cai nghiện ma túy thì Ngân hàng CSXH chưa đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng này. Hay nói khác hơn, muốn đưa nguồn vốn này đến người sau cai nghiện là rất khó. Trong khi đó, nguồn vốn này thật sự cần thiết ở các câu lạc bộ, kể cả Câu lạc bộ Người hoàn lương.
Còn theo ông Nguyễn Vũ Phong, Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH), nếu tính 5 năm thí điểm thực hiện chính sách này trên địa bàn tỉnh thì dư nợ cho vay quá thấp, còn nhiều hạn chế, đối tượng cho vay không nhiều, người bảo lãnh cũng khó khăn, né tránh. Địa bàn cho vay cho giới hạn ở 4/7 huyện, thị xã, thành phố là quy mô chưa đạt. Hơn nữa, việc xác định người bán dâm có còn bán dâm hay không là rất tế nhị, chính quyền địa phương không thể xác nhận việc này. Và do quy định như thế nên bản thân người từng bán dâm cũng rất mặc cảm, dẫn đến họ không thể tiếp cận nguồn vốn này. Trong khi người vay đang rất cần vốn phát triển sản xuất thì ngân hàng chỉ giới hạn cho vay ưu đãi trong một chương trình, hoặc dự án. Nếu đã vay ở dự án khác thì không được vay theo chính sách này. Từ những bất cập đó dẫn đến Quyết định 29 tác động không cao trong đời sống xã hội, rất cần có giải pháp hữu hiệu để chính sách này đạt hiệu quả trong giai đoạn tới.
H.D
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh