Cho vay dưới hình thức chuyển nhượng tài sản trá hình - Một kiểu tín dụng đen

Thứ Tư, 27/09/2023 | 16:24

Trong rất nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đưa ra xét xử, có những câu chuyện ít được làm rõ, liên quan đến hoạt động cho vay lãi suất cao, trá hình bằng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bên. Nhiều bị cáo phạm tội lừa đảo, nhưng đằng sau đó, lại là nạn nhân của hoạt động cho vay lãi suất cao, khi không trả lãi nổi thì phải mất nhà, mất đất.

Một phiên tòa xét xử các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc làm sổ đỏ giả vay tiền. Ảnh: K.P

Hình thức cho vay “triệt buộc”

Vì nhiều lý do, nhiều người cần vốn nhưng không thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Có thể là do không có tài sản thế chấp; hoặc có nhưng không đủ điều kiện để vay; hoặc cũng có thể không có mối quan hệ quen biết nên khi thực hiện các thủ tục vay từ các tổ chức tín dụng thì luôn gặp trở ngại. Cũng có trường hợp khách hàng đã bị nợ xấu, nợ quá hạn, hồ sơ lưu trên hệ thống nên giờ, dẫu có trả hết tiền thì cũng không vay được ở bất cứ tổ chức tín dụng nào. Như trường hợp anh T.V.T (TP. Bạc Liêu), phải vay bên ngoài, dù biết lãi suất lên đến 10%/tháng, nhưng vì anh đã nhiều lần làm hồ sơ xin vay ở rất nhiều ngân hàng đều bị từ chối. Gia đình anh cũng không nằm trong tiêu chí hộ nghèo nên không thể vay chính sách được. Vay bên ngoài 200 triệu đồng, nhưng chỉ trong 1 năm, riêng tiền lãi anh đã phải gồng mình đóng 240 triệu đồng, và nợ gốc vẫn còn nguyên. Đóng hơn 1 năm, anh không còn khả năng thanh toán. Và chỉ hơn 2 năm sau khi vay, giờ nợ gốc cộng với tiền lãi đã lên gần 500 triệu đồng. Để “nắm đằng cán”, chủ nợ yêu cầu anh chuyển nhượng miếng đất của gia đình để làm tin, khi trả hết nợ thì hợp đồng chuyển nhượng sẽ được hủy bỏ, bằng không trong vòng 1 năm tiếp theo sẽ coi như lấy đất trừ nợ.

Không cần nhiều thủ đoạn, những đối tượng cho vay như thế dễ dàng lấy tài sản (thường là nhà đất) của con nợ, vì chắc chắn một điều, thời gian càng dài, thì nợ chỉ càng tăng, chứ không có cách gì để trả. Thế nhưng, để xử lý những đối tượng cho vay trá hình như vậy thì rất khó. Như anh T. cho biết, họ không bao giờ ghi thỏa thuận lãi suất để cơ quan công an có thể điều tra; lãi chậm trả vài tháng là con nợ phải ký giấy vay mới (dồn lãi); nếu có ghi lãi suất cũng chỉ từ 2,5 - 3%, nhưng thực tế luôn cao hơn. Dù có tố cáo qua công an cũng rất khó xử lý, vì hợp đồng chuyển nhượng đất cũng được ký kết đúng quy định pháp luật, hình thức hợp pháp.

Điều này cũng đã được nhiều điều tra viên ngầm xác nhận, khi tiếp xúc với nhiều vụ án các bị cáo phạm tội lừa đảo do lấy sổ đỏ giả để lừa vay tiền các bị hại, dù không nói ra, nhưng ai cũng biết các bị hại đó đều là những người… chuyên cho vay! Còn hình thức vay như thế nào, có cho vay lãi suất cao “cắt cổ” hay không thì ít được làm rõ và cũng khó làm rõ vì không có chứng cứ.

Pháp luật vẫn còn nhiều kẽ hở

Căn cứ theo Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự: việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi lãi suất cho vay cao hơn gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Như vậy, hiểu nôm na là phải cho vay với lãi suất cao hơn 8,3%/tháng thì mới đủ một điều kiện có thể bị xử lý hình sự liên quan cho vay nặng lãi. Do đó, nhiều đối tượng “lách luật” bằng cách cho vay với lãi suất 8% hoặc thấp hơn một chút. Hoặc để tránh việc bị pháp luật “sờ gáy”, nhiều đối tượng chuyển sang các hình thức khác như gộp lãi vào gốc, không thỏa thuận mức lãi suất vay trong giấy nợ, chuyển nhượng nhà đất trừ nợ…

Không ít nạn nhân của những dạng cho vay như thế này khi được hỏi đều cho rằng, cần thay đổi quy định đối với tội cho vay nặng lãi với mức cao hơn gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất hiện nay không còn hợp lý. Bởi với mức vay từ 5% trở lên, nhiều người “khát vốn” cũng đã gần như ngập trong nợ nần, khó lòng thoát ra. Bên cạnh đó, cũng cần có giải pháp ràng buộc với các tổ chức tín dụng, để những nơi này tạo điều kiện cho nhiều người được tiếp cận các nguồn vốn vay, nhất là bỏ quy định ngầm liên quan đến vấn đề nợ xấu không được vay, nếu như họ đã trả hết nợ.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.