Tòa Soạn - Bạn đọc
Công tác cai nghiện và quản lý đối tượng sau cai nghiện ma túy: Hiệu quả chưa như mong đợi
Quản lý chặt chẽ đối tượng khi cai nghiện; bàn giao cho ban ngành, đoàn thể, chính quyền mở sổ quản lý, theo dõi; hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện… là những biện pháp nhằm phòng chống tái nghiện, kiềm chế không cho phát sinh người nghiện mới mà các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nỗ lực thực hiện trong công tác phòng, chống ma túy thời gian qua.
![]() |
Trao giấy khen cho các học viên tiến bộ tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội tỉnh. Ảnh: M.N |
Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình hay trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện, giúp đối tượng hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng như: mô hình “Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện” tại xã Phong Thạnh Tây B (huyện Phước Long) và thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình); mô hình “Câu lạc bộ người hoàn lương” tại thị trấn Hộ Phòng; mô hình “Phòng chống mại dâm kết hợp với phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS” tại thị trấn Giá Rai (huyện Giá Rai)… Từ việc thực hiện các mô hình này, nhiều đối tượng sau khi cai nghiện trở về địa phương được cộng đồng hỗ trợ, giúp đỡ đã chí thú làm ăn, tái hòa nhập cuộc sống.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh: Cai nghiện thành công hay không là do bản lĩnh của người nghiện, nhưng rất cần sự trợ sức của gia đình, địa phương. Ngoài gia đình, các địa phương nên quan tâm thăm hỏi học viên là người của địa phương khi cai nghiện tập trung, tạo cho đối tượng niềm tin, giúp họ có động lực để cai nghiện thành công. |
Tuy nhiên, công tác cai và quản lý đối tượng sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: Trung tâm chưa được giao nhiệm vụ quản lý đối tượng sau cai nghiện nên nhiều học viên khi trở lại cộng đồng đều tái nghiện. Công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đối tượng tái hòa nhập cộng đồng ở một số địa phương chưa được chú trọng; bản thân đối tượng sau khi được cai nghiện và gia đình vẫn còn thiếu hợp tác với cơ quan chức năng. Kinh phí cho công tác này chủ yếu từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy từ Trung ương cấp cho địa phương. Vì vậy, chưa xây dựng được quỹ hỗ trợ để giúp gia đình và bản thân người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy tạo việc làm ổn định cuộc sống nhằm giảm nguy cơ tái nghiện.
Vì vậy, để đấu tranh có hiệu quả tệ nạn ma túy cần phải thực hiện đồng bộ những biện pháp, trong đó tập trung phòng ngừa là chính. Cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền phòng, chống tội phạm ma túy trong cộng đồng dân cư; tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí lành mạnh, bổ ích với từng lứa tuổi; tăng cường sự giám sát của nhân dân, tố giác tội phạm ma túy, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ tự quản. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Trung tâm cai nghiện - gia đình - địa phương nhằm giúp người nghiện trước và sau cai nghiện ma túy có thể hòa nhập cộng đồng.
M.N