Tòa Soạn - Bạn đọc
Công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam: Mong mỏi của người dân đồng bằng trong sự kết nối về giao thông
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy liên kết vùng, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đối với người dân ĐBSCL, việc triển khai dự án này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hơn, bởi đây là khu vực vẫn còn nhiều hạn chế về giao thông so với cả nước.
ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh phát biểu thảo luận trực tuyến về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: K.K
Phát biểu tại các buổi thảo luận trực tuyến, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thị Ngọc Linh cho rằng, thời gian qua Trung ương đã có nhiều dự án xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc tại các tỉnh, qua đó tạo điều kiện cho sự thúc đẩy và phát triển nền kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và ở các tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch, đầu tư các dự án, tuyến đường cao tốc đường bộ ở khu vực phía Nam còn rất ít. Hiện nay, phía Nam chỉ có 2 tuyến đường bộ cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (khởi công xây dựng năm 2004) và Trung Lương - Mỹ Thuận. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho Quốc lộ 1A. Đoạn cao tốc này là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối Tây Nam Bộ với TP. Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng vẫn quá tải. ĐBQH Ngọc Linh đề nghị Chính phủ trong thời gian tới cần quan tâm và có các cơ chế, chính sách đầu tư nhiều hơn các tuyến đường bộ cao tốc ở các tỉnh phía Nam nhằm tạo điều kiện để các tỉnh phát triển, đặc biệt là vùng ĐBSCL, bởi đây là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, giao thương hàng hóa giữa các tỉnh. Vì vậy, nếu có tuyến đường bộ cao tốc sẽ góp phần vào thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững của vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Về quy mô làn xe, theo quy hoạch được phê duyệt liên quan đến tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có quy mô bề rộng mặt đường chỉ 4 làn xe. Cụ thể, trong giai đoạn đầu chỉ đầu tư 4 làn xe (hạn chế) với mặt đường 17m, giai đoạn sau đầu tư theo quy mô quy hoạch 4 làn xe (hoàn chỉnh) với mặt đường 24,75m. Vấn đề này các ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đều thống nhất kiến nghị, thay vì phải theo quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chia làm 2 giai đoạn đầu tư thì đề nghị Chính phủ đầu tư một lần với quy mô theo quy hoạch được duyệt là 4 làn xe (hoàn chỉnh) với mặt đường 24,75m, góp phần kết nối hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Tại phiên bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án bằng nguồn vốn đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư là 146.950 tỷ đồng, với quy mô 729km trên các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, gồm 12 dự án thành phần có thể vận hành, khai thác độc lập nhằm kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Kim Kim (thực hiện)
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau