Tòa Soạn - Bạn đọc
Cử tri quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh và giữ gìn tiếng Việt trong sáng
Tại các buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh nhận được ý kiến của cử tri phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) đề nghị quy định “Giáo dục đạo đức” trở thành môn học riêng và có sách giáo khoa riêng biệt, bắt buộc ở cấp tiểu học và THCS. Bên cạnh đó, cần phổ cập những kiến thức pháp luật (hình sự, dân sự, giao thông…) vào chương trình giảng dạy ở cấp THPT.
Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.P
Ngoài ra, cử tri còn bày tỏ quan ngại với thực trạng sử dụng ngôn ngữ “ngoại lai”, cách viết “khác lạ” hiện nay đang làm mất dần bản sắc văn hóa về tiếng nói, chữ viết của nước ta. Để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của tiếng Việt, tránh bị “lai căng”, “tạp nham”; cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chuyên môn cần xây dựng một cơ quan chuẩn mực làm nòng cốt cho việc duy trì, phổ biến, giáo dục về tiếng Việt; đồng thời cơ quan chức năng cần đề cao thực hiện biện pháp tuyên truyền để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
CHÚ TRỌNG GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH
Trả lời những vấn đề trên, Bộ trưởng GD-ĐT cho biết, đối với nội dung kiến nghị đưa “Giáo dục đạo đức” trở thành môn học riêng và cần phổ cập những kiến thức pháp luật (hình sự, dân sự, giao thông...) vào chương trình giảng dạy; thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26/12/2018, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông. Trong đó, môn Giáo dục công dân là môn học bắt buộc từ tiểu học đến THPT. Môn Giáo dục công dân bao gồm môn Đạo đức ở cấp tiểu học, môn Giáo dục công dân ở cấp THCS, môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật ở cấp THPT.
Đây là môn học giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh hình thành, phát triển ý thức và hành vi của người công dân. Thông qua các bài học về đạo đức, lối sống, pháp luật, kinh tế, môn Giáo dục công dân góp phần bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân, đặc biệt là tình cảm, niềm tin, nhận thức, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và của pháp luật, có kỹ năng sống và bản lĩnh để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Những kiến thức pháp luật (hình sự, dân sự, giao thông...) đã được cập nhật trong nội dung sách giáo khoa các môn học có liên quan, được tích hợp trong các hoạt động giáo dục một cách hợp lý và phù hợp với lứa tuổi.
BẢO VỆ SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT
Đối với phản ánh về thực trạng sử dụng ngôn ngữ “ngoại lai”, cách viết “khác lạ” hiện nay đang làm mất dần bản sắc văn hóa về tiếng nói, chữ viết của nước ta, để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của tiếng Việt. Bộ GD-ĐT đã được Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và trình Chính phủ ban hành quy định về chính sách phát triển, bảo tồn tiếng Việt và tiếng các dân tộc; hướng dẫn việc học tiếng Việt cho công dân nước ngoài và công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ đã và đang triển các nhiệm vụ một cách chặt chẽ, thận trọng, trong đó thực hiện một số đề tài khoa học nghiên cứu về thực trạng và một số giải pháp để quản lý nhà nước về tiếng Việt một cách hiệu quả. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở khoa học để Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành quy định về chính sách phát triển, bảo tồn tiếng Việt trong giai đoạn tới.
Tại giao ban báo chí hàng tuần, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí thận trọng, cân nhắc sử dụng từ ngữ bảo đảm sự chuẩn mực, phù hợp; thông tin phản ánh đến người dân hiện tượng lạm dụng ngôn ngữ ngoại lai trong giao tiếp của giới trẻ hiện nay và tuyên truyền về việc tăng cường sử dụng từ ngữ thuần Việt, góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Về lâu dài, đây là vấn đề lớn của xã hội, cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban, ngành để thúc đẩy chuẩn hóa ngôn ngữ, đề cao trách nhiệm chung của toàn xã hội.
KIM PHƯỢNG (tổng hợp)
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ
- Bổ nhiệm bà Đỗ Ái Ngọc giữ chức Phó Chánh Thanh tra tỉnh
- Giải bóng đá mi ni chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam
- Đảng bộ Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu báo công dâng Bác
- Trao chứng chỉ bồi dưỡng tiếng Khmer cho 58 học viên