Tòa Soạn - Bạn đọc
Để lộ mã QR “Thẻ xanh COVID” trên mạng xã hội: Đối diện với rủi ro bị lừa đảo
Sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và đồng bộ hóa dữ liệu trên ứng dụng PC-COVID (có mã QR), nhiều người đã hào hứng đăng tải lên các trang mạng xã hội mà không che hay làm mờ. Bên cạnh đó, để tiện cho việc di chuyển trong các vùng nguy cơ cao, có người còn in mã QR “Thẻ xanh COVID” và treo trên xe máy… Nhưng, người dân không ngờ rằng, để lộ mã QR này có thể sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro bị lừa đảo nếu gặp phải kẻ xấu.
Việc công khai mã QR trên mạng xã hội hay treo trên xe có thể tiềm ẩn các rủi ro. Ảnh: T.H
Tính đến ngày 16/11, toàn tỉnh đã tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 mũi 1 cho trên 551.000 người và mũi 2 cho trên 354.000 người từ đủ 18 tuổi trở lên. Việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin là điều kiện quan trọng để tỉnh bước sang trạng thái bình thường mới. “Thẻ xanh” chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sẽ là một trong những điều kiện cần thiết để người dân được tham gia sản xuất - kinh doanh, làm dịch vụ và là thủ tục để việc đi lại, di chuyển qua các địa bàn được thuận tiện hơn.
Những ngày qua, việc đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc-xin đã tạo được sự đồng thuận và vui mừng trong Nhân dân. Trong lúc hứng khởi, khá nhiều người đã chụp màn hình mã QR “Thẻ xanh COVID” được đồng bộ trên ứng dụng PC-COVID “khoe” lên mạng xã hội mà chưa che hay làm mờ chiếc thẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về an ninh mạng, không nên đăng tải mã QR nguyên bản do ứng dụng PC-COVID tạo ra lên mạng. Bởi mã QR của mỗi người dân chứa nhiều thông tin cá nhân: họ tên, số CMND/CCCD, ngày sinh, mã người dùng trên nền tảng QR quốc gia, cùng thông tin mở rộng như số điện thoại, mã số thẻ bảo hiểm. Do đó, việc sơ hở khi công khai mã QR có thể bị các đối tượng bất chính lợi dụng thực hiện các hành vi làm tổn hại đến chủ sở hữu như tạo CCCD giả, tài khoản Facebook giả để thực hiện việc lừa đảo vay tiền, lập hồ sơ giả vay tín dụng… Người bị đánh cắp mã QR cũng có thể bị lấy số điện thoại, bị kẻ xấu gọi điện đe dọa để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn đóng vai cán bộ y tế, cán bộ hải quan, công an; hoặc gửi tin nhắn có đường link chứa mã độc để chiếm đoạt tiền trong tài khoản…
Để đảm bảo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, hiện nay chỉ những người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin mới được đi lại trên địa bàn “vùng đỏ”. Do đó, tại TP. Bạc Liêu đã xuất hiện dịch vụ in mã QR “Thẻ xanh COVID” ép plastic hoặc gắn vào móc khóa xe để tiện cho việc xuất trình khi qua chốt kiểm soát. Trên Facebook, một người rao: “Nhanh tay anh chị em ơi, em nhận làm móc khóa xe “Thẻ xanh COVID”, anh chị cứ chụp màn hình gửi em, em đảm bảo thông tin tuyệt mật”. Giá cho một chiếc móc khóa có gắn “Thẻ xanh COVID” chỉ 20.000 đồng, rất dễ làm và có vẻ tiện lợi khi đi lại (khỏi lấy điện thoại hoặc giấy tiêm ngừa ra trình). Với suy nghĩ này, có không ít người đã đi in ra để sử dụng. Thế nhưng, suy nghĩ kỹ hơn, việc cung cấp mã QR chứa thông tin cá nhân cho người lạ, hay in treo công khai trên xe máy lại tiềm ẩn rủi ro bị lừa đảo nếu rơi vào tay kẻ xấu.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Văn Tiến - Trưởng phòng Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin (Sở VH-TT-TT&DL), cho rằng: “Việc công khai mã QR theo các hình thức nêu trên có thể sẽ tạo cơ hội cho kẻ xấu thực hiện những hành vi bất chính, làm tổn hại đến bản thân. Do đó, người dân cần hết sức cẩn trọng, chỉ nên xuất trình với các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết. Ngoài việc không để lộ mã QR “Thẻ xanh COVID”, trong những tình huống khác, mọi người cũng nên đề cao cảnh giác trước những chiêu lừa liên quan đến mạng viễn thông cũng như Internet nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra”.
MAI ĐINH
- 32 dự án vào Vòng chung khảo Giải thưởng Hành động vì cộng đồng 2024
- Quy hoạch chung thị xã Giá Rai đến năm 2045
- Rộn ràng sinh khí chào mừng Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu
- Người cao tuổi tích cực đóng góp xây dựng Đảng
- Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Công ty TNHH Nuri Flex Việt Nam đến tìm hiểu các dự án năng lượng tái tạo