Tòa Soạn - Bạn đọc
Di chúc có điều kiện, được không?
Hỏi: Vợ chồng tôi có 1 con trai. Vì là con một, được cưng chìu, nên con tôi thích chơi hơn thích làm. Vợ chồng tôi đã cho con nhiều tài sản, duy chỉ có căn nhà đang ở, chúng tôi dự định sẽ lập di chúc để lại cho con trai, nhưng ràng buộc điều kiện là không được bán (trừ trường hợp bị Nhà nước di dời, giải tỏa). Bản di chúc như vậy có hợp pháp không? Có được thực thi trên thực tế không? H.H.N (TP. Bạc Liêu)
Trả lời: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác. Pháp luật thừa nhận và bảo hộ quyền lập di chúc của người để lại tài sản. Tuy nhiên, nội dung di chúc phải dựa trên các quy định pháp luật, tuân thủ các điều kiện của pháp luật mới có hiệu lực pháp luật. Điều 648 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về các quyền của người lập di chúc bao gồm:
- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Vợ chồng bạn muốn sau khi chết sẽ giao cho con trai nhà ở và đất ở với điều kiện không được chuyển nhượng nhà đất cho người khác. Trong trường hợp này, trên thực tế thì rất khó để kiểm soát việc con trai bạn có thực hiện theo đúng ý nguyện của vợ chồng bạn hay không. Bởi lẽ khi di chúc có hiệu lực, con bạn có quyền làm thủ tục để đăng ký sang tên quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Các cơ quan thực hiện thủ tục sang tên này cũng không ghi nhận điều kiện chuyển nhượng trong giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận). Nên việc ràng buộc điều kiện là chủ sở hữu mà không được chuyển nhượng, luật chưa có quy định nên không thể áp dụng.
Tuy nhiên, tại Điều 670, Bộ luật Dân sự 2005 có quy định, trong trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng. Như vậy, nếu vợ chồng bạn muốn sau khi chết, con trai không được chuyển nhượng nhà đất này (chỉ được ở) thì trong di chúc bạn cần nêu rõ nhà đất bạn để lại sẽ được dùng vào việc thờ cúng và giao nhà đất này cho con trai của bạn quản lý.
Thân ái!
Luật gia KIM PHƯỢNG
- Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng
- Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu
- Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc
- Bạc Liêu - Cà Mau chiếm gần 30% tiềm năng điện gió ven bờ cả nước
- Bàn giao 101 máy quét Căn cước và thiết bị sinh trắc học cho các cơ sở y tế