Tòa Soạn - Bạn đọc
Dồn sức hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
Trong những ngày này, công tác hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo chủ trương của Chính phủ thu hút sự quan tâm của nhiều người. Họ cho rằng, sẽ không còn ý nghĩa nếu việc hỗ trợ giải quyết khó khăn chậm trễ, kéo dài đến khi người dân không còn khó khăn nữa!
Thợ hồ chiếm phần lớn trong danh sách đăng ký xin được hỗ trợ do tác động bởi dịch COVID-19.
LÀM VIỆC CẢ NGÀY THỨ BẢY, CHỦ NHẬT
Địa phương mà chúng tôi tìm hiểu đầu tiên là Phường 1 - địa bàn có diện tích rộng và dân số đông nhất, nhì TP. Bạc Liêu. Theo quan sát của chúng tôi, tại bộ phận một cửa của phường gần như lúc nào cũng đông người dân đến kê khai, đăng ký được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ hoặc nhờ xác nhận có kinh doanh rồi bị đóng cửa, mất việc trên địa bàn phường.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương - Phó Chủ tịch UBND Phường 1 (TP. Bạc Liêu), cho biết: “Có ba cán bộ vẫn làm không xuể nên phường đã huy động rất nhiều người cùng làm công việc tiếp nhận, lưu trữ, hướng dẫn, xử lý các yêu cầu của người dân liên quan đến chính sách hỗ trợ giải quyết khó khăn do đại dịch COVID-19”. Không chỉ có người dân sở tại mà nhiều người cư trú ở địa phương khác, thậm chí ngoài tỉnh nhưng có tham gia buôn bán, hoặc làm thuê trên địa bàn phường cũng đến nhờ xác nhận để trở về địa phương hưởng chính sách. Theo người phụ trách công tác này, dù có cực nhọc, phải cần đến nhiều nguồn thông tin mới đủ cơ sở xác nhận cho một người, nhưng chính quyền địa phương quyết tâm không bỏ sót hoặc làm mất cơ hội cho bất cứ một người dân nào. Đó chính là lý do mà cán bộ phường phải xử lý hồ sơ ngay cả thứ Bảy, Chủ nhật và không thể khóa sổ đăng ký hoặc xác nhận trong thời điểm này. Kết sổ đợt 1, Phường 1 lập danh sách 872 lao động tự do (không có hợp đồng lao động) đề xuất lên tỉnh nằm ngoài danh mục 6 nhóm ngành nghề giảm sâu thu nhập theo Kế hoạch 52 của UBND tỉnh. Riêng với danh sách lao động mất việc nằm trong 6 nhóm ngành nghề đã được liệt kê, Phường 1 vẫn chưa xét hết.
Tại thời điểm này, các phường, xã khác trên địa bàn TP. Bạc Liêu cũng vừa xét xong danh sách đợt 1 nằm trong danh mục 6 nhóm ngành nghề và đề xuất danh sách nằm ngoài 6 nhóm đã bị mất việc hoặc giảm sâu thu nhập trong thời gian thực hiện cách ly xã hội. Chẳng hạn như: tài xế, thợ làm tóc, làm đẹp, thợ hồ, người giúp việc, người nấu cơm cho học sinh bán trú, nhân viên tiếp thị… Để đảm bảo dân chủ, danh sách xét duyệt đợt 1 đều được các xã, phường, thị trấn trong tỉnh niêm yết công khai tại trụ sở ấp, khóm và trụ sở các xã, phường, thị trấn để cộng đồng cùng giám sát, đóng góp ý kiến cho chính quyền. “Tất cả cán bộ đoàn thể đều được huy động vào cuộc. Cho dù số tiền hỗ trợ không lớn đối với mỗi người, nhưng đây là chính sách vô cùng quan trọng nên chúng tôi không để sơ suất dù bất kỳ một sai sót nhỏ”, ông Lê Hồng Phong - Chủ tịch UBND Phường 7 (TP. Bạc Liêu), khẳng định.
Người lao động đến đăng ký xin hưởng chính sách hỗ trợ tại Phường 1 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: P.V
QUY TRÌNH NHIỀU BƯỚC, MỖI NƠI LÀM MỖI KIỂU
Ông Phan Thanh Vũ - Chủ tịch UBND Phường 3 (TP. Bạc Liêu) cho biết, trước khi chuyển danh sách lên phường các nhóm bị giảm sâu thu nhập, Ban nhân dân khóm phải xét trước một bước. Kết quả xét duyệt của phường sẽ được gửi lên UBND thành phố để phối hợp với Sở LĐ-TB&XH cùng thẩm định lại lần cuối trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Các địa phương khác trong tỉnh cũng thế, để được giải ngân số tiền hỗ trợ cho người lao động cũng phải chờ có kết quả phê duyệt cuối cùng.
Theo bà Trần Hồng Chiến - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, chủ trương của tỉnh là cố gắng giải quyết xong các chính sách hỗ trợ này ngay trong tháng 6/2020. Trước mắt, do có sẵn danh sách nên toàn tỉnh đã giải quyết xong cho nhóm đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Riêng đối tượng bán vé số lưu động cũng đã được nhận 750.000 đồng/người, chỉ còn nhận thêm 250.000 đồng/người. Các đối tượng khác bị giảm sâu thu nhập theo hướng dẫn tại Kế hoạch 52 của UBND tỉnh, nếu nhóm đối tượng nào hoàn tất thủ tục trước sẽ được giải ngân trước, nhưng chậm nhất không trễ hơn ngày 30/6/2020. Người dân nghỉ (mất việc) bao nhiêu thì được hưởng trợ cấp bấy nhiêu, nhưng tối đa không quá 3 tháng (mỗi tháng 1 triệu đồng/người), tính từ tháng 4 - 6/2020.
Trên tinh thần đó, với tỉnh Bạc Liêu, phần nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ và người lao động bị giảm sâu thu nhập trong tháng 4/2020. Tuy nhiên, có nhiều địa phương trong tỉnh do không nói rõ hoặc không tuyên truyền nên người dân vẫn hiểu rằng mình sẽ được hưởng trọn trợ cấp 3 tháng với số tiền 3 triệu đồng. Từ đó, nhiều người có thể… không đủ tiền chi phí do phải về nơi cư trú ngoài tỉnh để xin xác nhận chưa hưởng chế độ đem về nơi tạm trú (nơi mua bán) để nộp, hoặc ngược lại.
Qua tìm hiểu, hầu hết địa phương trong tỉnh đều than khó đối với công việc xác nhận thu nhập của người đăng ký được hưởng chính sách hoặc xác nhận tình trạng đóng cửa của cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Lý do, người ngoài gia đình rất khó kiểm soát thu nhập của một người khác và dễ xảy ra khiếu nại sau này. Ông Nguyễn Hữu Tính - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) cho biết, để xác định chính xác nhất thu nhập thực tế sau dịch, các ấp đều phải họp dân để cho ý kiến bình xét người đó có phải thu nhập dưới chuẩn hộ cận nghèo (dưới 1,3 triệu đồng/người/tháng ở thành thị; dưới 900.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn) hay không, xem như một điều kiện cần để xét hỗ trợ. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương thuộc TP. Bạc Liêu không làm như vậy. Lãnh đạo phường trước khi đặt bút xác nhận thu nhập và tình trạng đóng cửa chủ yếu dựa vào danh sách đề nghị từ cán bộ khóm.
Còn thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình), danh sách những người đăng ký được hưởng chính sách sau khi xem xét tại đây không thuộc 6 nhóm ngành nghề đã được liệt kê thì thị trấn đã đưa toàn bộ vào danh sách người ngoài 6 nhóm để gửi đề xuất lên tỉnh. Thế nhưng Phường 8 (TP. Bạc Liêu) thì không làm như vậy. Trong số hơn 800 đơn đăng ký đợt 1 của người lao động, kết quả xét duyệt chỉ có 121 đơn đạt yêu cầu. Ông Trương Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND Phường 8 cho biết, sở dĩ có tới gần 700 đơn bị loại là do người dân kê khai trong đơn có thu nhập sau đại dịch COVID-19 từ 5, 6, 7… triệu đồng/tháng trở lên. Nên đối chiếu theo quy định, tất cả người lao động này cũng không được vào danh sách nằm ngoài 6 nhóm đề xuất lên tỉnh xem xét.
Điều đó cho thấy, cách làm và đồng tiền hỗ trợ còn khá xa vời với người lao động hiện nay, dù rằng họ đang rất cần được thụ hưởng chính sách ấy trên tinh thần “một nắm khi đói bằng một gói khi no”!
P.V
- Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cup Tôn thép Hòa Phát năm 2024: Đội Khánh Phát FC vô địch
- Hội thao kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp Việt Nam
- Khai mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long