Tòa Soạn - Bạn đọc
Giá vàng tăng - vật giá cũng tăng theo
Từ sau tết Nguyên đán đến nay, thị trường vàng liên tục biến động theo hướng tăng. Người lao động phổ thông, người nghèo không quan tâm đến giá vàng cao hay thấp vì họ không mua vàng để dành hay đầu tư. Tuy nhiên, giá vàng tăng cao sẽ có khả năng kéo theo giá cả tiêu dùng tăng, đời sống của nhiều người sẽ khó khăn hơn - đó mới là nỗi lo hiện hữu!
Về lâu dài, áp lực từ giá vàng tăng ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống của người dân. Ảnh: K.K
Kể từ sau tết Nguyên đán đến nay, giá lúa thu mua giảm, nhiều nơi thương lái, doanh nghiệp chậm mua để “ép giá” thêm khiến người nông dân hết sức lo lắng vì đồng nghĩa với giá lúa giảm là lợi nhuận cũng giảm theo. Trong khi đó, giá vàng lại tăng chóng mặt, nếu so với thu nhập sau khi trừ đi chi phí, người nông dân khó mà bù đắp chênh lệch. Bà Nguyễn Thị Năm - một nông dân ở huyện Hòa Bình, so sánh: “Lúc trước, sau khi bán xong trừ chi phí, nhà tôi vẫn mua được 5 chỉ vàng để dành cất nhà. Giờ cũng số tiền đó thì chỉ mua được 4 chỉ vàng, tự nhiên thất thoát đi gần 1 chỉ, đó cũng là tiền công lao động, mồ hôi nước mắt nên rất xót. Và kế hoạch xây nhà mới sẽ tiếp tục phải chờ đợi thêm”.
Không chỉ giá vàng tăng, rất nhiều vật giá khác cũng đang có chiều hướng tăng. Đặc biệt là các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi không có dấu hiệu giảm càng khiến người nông dân lo lắng cho vụ chăn nuôi, trồng trọt mới.
Ông Huỳnh Hữu Anh (TP. Bạc Liêu) than thở, qua Tết, tưởng đâu giá cả hàng hóa sẽ hạ nhiệt để người lao động dễ thở. Nhưng không, giá nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn ở mức như trong Tết, giá nhiều loại hàng hóa cũng trên đà rục rịch tăng. Ngay cả gạo là mặt hàng nhà ai cũng phải mua, từ trước Tết đến nay giá chỉ có tăng không giảm. Dù hiện tại giá lúa thu mua đã giảm rất nhiều, nhưng gạo thành phẩm được bán ở các chợ vẫn ở mức cao. Gạo loại thường cho người lao động bình dân cũng phải từ 17.000 đồng/kg trở lên. Giá rau cải, thực phẩm tươi sống ở chợ cũng tăng, ai cũng vịn vào giá vàng tăng nên chi phí phát sinh tăng thêm.
Tại Việt Nam, vàng vẫn là một kênh để người dân đầu tư, dành dụm tiết kiệm. Đó là chưa nói, nhiều người dùng vàng để thanh toán các hoạt động mua bán bất động sản, và nhiều tài sản có trị giá lớn. Vàng còn dùng trong các giao dịch, cưới hỏi nên giá vàng cũng tác động đến nhiều mặt của cuộc sống. Cho nên, người dân có cơ sở để lo lắng việc giá vàng thời gian gần đây tăng cao phi mã sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, nhất là người lao động sẽ càng chật vật hơn trong cuộc mưu sinh.
Nhận thấy rõ điều này, cuối tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua, ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô. Mới đây nhất, ngày 2/3, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giảm lãi suất cho vay và sớm trình sửa đổi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công an thực hiện thanh tra, kiểm tra, đánh giá thị trường vàng, thống nhất với Bộ Công an các giải pháp quản lý thị trường vàng trong quý 1/2024.
Người dân vẫn đang hết sức trông chờ vào các động thái quyết liệt hơn của các bộ, ngành trong quản lý thị trường vàng trong năm 2024, tránh để ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế vĩ mô nói chung, cũng như đời sống của người dân.
Kim Tuấn
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau