Tòa Soạn - Bạn đọc
Giải pháp giúp nông dân gắn bó lâu dài với nông nghiệp
Sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bạc Liêu nhận được ý kiến phản ánh của cử tri huyện Đông Hải liên quan đến điệp khúc “được mùa - mất giá”. Cử tri đề nghị có giải pháp để giải quyết tình trạng hiện nay cho bà con nông dân an tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với ngành Nông nghiệp.
Vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan trả lời như sau:
Sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện còn gặp một số khó khăn như giá vật tư tăng cao, sản xuất nông nghiệp có lúc, có nơi còn mang tính tự phát, dẫn đến hiện tượng giá đầu ra một số sản phẩm bấp bênh, được mùa - mất giá… ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế…
Mô hình lúa - tôm kết hợp trồng bông súng góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Ảnh: K.K
Về các giải pháp giúp bà con nông dân an tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với ngành Nông nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Theo đó, ban hành các chiến lược, đề án phát triển ngành như Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022; Chiến lược phát triển chăn nuôi; Chiến lược phát triển thủy sản; Chiến lược phát triển lâm nghiệp; Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013, hiện nay là Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021... Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp như chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018; Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018; hỗ trợ lãi suất để nông dân mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 14/11/2013…; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn...
Chỉ đạo thực hiện các giải pháp thúc đẩy mở rộng thị trường nông sản, như tổ chức lại hệ thống thương mại nông sản, mở rộng các kênh bán buôn, bán lẻ tại thị trường nội địa. Tăng cường thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ rào cản thương mại ở các nước nhập khẩu; hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản Việt Nam. Tính đến hết năm 2021, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 48,6 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, đối với sản xuất lúa, khi giá xuống thấp, Chính phủ thực hiện giải pháp thu mua tạm trữ để đảm bảo cho người trồng lúa có lãi trên 30%.
Mặc dù các giải pháp trên vẫn chưa thể đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước, nhưng Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số giải pháp để ngành Nông nghiệp từng bước phát triển bền vững.
KIM TUẤN
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau