Tòa Soạn - Bạn đọc
Huyện Hòa Bình: Nhiều hộ dân bỗng dưng bị buộc dỡ nhà, trả đất
Nhiều hộ dân đang sinh sống tại ấp 15 (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) đang có nguy cơ mất nhà, mất đất dù đã sinh sống ổn định hàng chục năm nhưng không được cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ). Nguyên nhân là do có hộ được cấp QSDĐ có diện tích chồng lên các hộ này và yêu cầu các hộ này phải dỡ nhà, trả đất.
Ông Nguyễn Văn Liễm (bìa phải) phản ánh sự việc.
BỖNG DƯNG BỊ BUỘC DỠ NHÀ, TRẢ ĐẤT
Theo đơn phản ánh của tập thể người dân hiện cư ngụ tại ấp 15 (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) thì thời gian gần đây, họ phát hiện nhà và đất đang sử dụng hàng chục năm của mình lại nằm trong diện tích QSDĐ của người khác.
Ông Nguyễn Văn Liễm - một trong những hộ nói trên, cho biết: “Hơn 30 năm an cư trên mảnh đất này, chúng tôi biết rõ vị trí đất được cấp QSDĐ cách chân đê Biên Phòng vào phía đồng 50m (bao gồm bảo lưu đê, 1 con kênh xáng và bảo lưu kênh). Trước thời điểm đê Biên Phòng được xây dựng, phần đất sản xuất phía rừng phòng hộ của chúng tôi liền canh liền cư với phần 50m này. Đến năm 1999 - 2000, Nhà nước làm đê cắt ngang đất của chúng tôi. Phần 50m dọc theo tuyến đê là phần bảo vệ đê nên không có cơ quan nào chấp nhận việc đăng ký kê khai QSDĐ của chúng tôi. Rồi hiện nay bỗng dưng có người có QSDĐ và yêu cầu chúng tôi phải dỡ nhà, trả đất dù chúng tôi đã sinh sống ổn định trên đất này hàng chục năm trời”.
Mọi việc bắt đầu vào năm 2010 khi ông Nguyễn Văn Pháo là người sở hữu đất phía trong đồng đã làm sổ đỏ chồng lên đất của nhà ông Nguyễn Văn Liễm. Hai bên phát sinh tranh chấp và đã ra tòa án giải quyết. Bản án số 21/2010/DSST, ngày 15/6/2010 của Tòa án nhân dân (TAND) huyện Hòa Bình buộc ông Liễm phải tháo dỡ nhà để trả 1.139,88m2 đất tranh chấp cho ông Pháo.
Tương tự là trường hợp của ông Tạ Chí Hùng. Năm 2020, ông Long Văn Nghĩa phát sinh tranh chấp với ông Hùng một phần diện tích thửa đất số 342, tờ bản đồ số 17 trên phạm vi bảo lưu kênh và một đoạn kênh. Cùng với thửa đất 342, các thửa 343, 346,... cũng có cùng sơ đồ tương tự, chỉ chừa ra 25m bảo lưu đê, 25m còn lại đều nằm trong QSDĐ của ông Nghĩa.
Bản án số 02/2022/DS-ST, ngày 25/1/2022 của TAND huyện Hòa Bình và Bản án số 66/2022/DS-PT, ngày 30/6/2022 của TAND tỉnh đều buộc ông Hùng phải trả 214,5m2 đất cho ông Nghĩa dù ông Hùng có nhiều người làm chứng đã sinh sống, canh tác trên đất này từ năm 1990.
Luật sư Lê Hoàng Nhân (Đoàn Luật sư tỉnh) nêu quan điểm tại phiên phúc thẩm: “Lời khai của những người chủ sử dụng đất (đối với phần đất tranh chấp) và những người dân đang có đất canh tác gần với phần đất tranh chấp đều biết rất rõ về nguồn gốc đất, cũng như quá trình quản lý, sử dụng đất của ông Hùng đối với phần đất tranh chấp nhưng tòa án cấp sơ thẩm lại yêu cầu ông Hùng bổ sung thêm chứng cứ khác. Trong khi đó, với lời khai của những hộ dân thì đã xác định rất rõ hộ ông Hùng là người quản lý, sử dụng đối với phần đất tranh chấp”. Tuy nhiên, ý kiến của luật sư cũng không được tòa cấp phúc thẩm ghi nhận.
Không chỉ ông Liễm, ông Hùng mà rất nhiều hộ dân đang sinh sống tại ấp 15 cũng trong tình cảnh tương tự. Dù họ đã sinh sống ổn định ở đây hàng chục năm trời nhưng không được cấp QSDĐ, làm hồ sơ yêu cầu cấp QSDĐ thì chính quyền xã không tiếp nhận… Rồi bỗng dưng có người có QSDĐ chồng lấn lên đất của họ đang ở và tòa án các cấp đều tuyên buộc họ phải dỡ nhà, trả đất!?
Người dân ấp 15 (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) phản ánh thực trạng đất bị chồng lấn với phóng viên Báo Bạc Liêu. Ảnh: C.K
NHIỀU KHUẤT TẤT TRONG XÉT XỬ, CẤP QSDĐ
Như đã nói ở trên, dù sinh sống ổn định hàng chục năm nhưng Bản án số 21/2010/DSST, ngày 15/6/2010 của TAND huyện Hòa Bình buộc ông Liễm phải tháo dỡ nhà để trả 1.139,88m2 đất tranh chấp cho ông Pháo.
Không chấp nhận kết quả này, ông Liễm kháng án và được TAND tỉnh xử phúc thẩm với Bản án số 87/2011/DSPT ngày 24/8/2011 tuyên hủy án sơ thẩm do bản án có nhiều thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng… Vụ việc được khép lại tại Quyết định 852, ngày 28/11/2013 của UBND huyện Hòa Bình. Theo đó, phần đất của bà Vũ Thị Cúc (vợ ông Pháo) đứng tên là thửa đất số 354 và 352, tờ bản đồ số 17 bị thu hồi và điều chỉnh Giấy chứng nhận QSDĐ vì đã cấp sai một đoạn kênh và đất bảo lưu kênh, bảo lưu đê biển do Nhà nước quản lý là không đúng với bản đồ quy hoạch sử dụng đất.
Điều đáng nói là, sau khi sự việc khép lại, ông Liễm nhiều lần làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ nhưng không được giải quyết. Tuy nhiên sau đó, phần đất tranh chấp với ông Pháo trước kia nay lại nằm trong Giấy chứng nhận QSDĐ của ông Nghĩa!? Và ông Nghĩa lại tiếp tục buộc ông Liễm phải dỡ nhà, trả đất.
Theo tìm hiểu, trước đây hành lang bảo vệ đê được quy định là 50m. Năm 2004, tại Quyết định 234, ngày 23/3/2004 của UBND tỉnh quy định mốc hành lang chôn cách chân đê ra phía đồng là 15m, nhưng khi đoàn đi đo đạc cấp đất cho dân vẫn lấy mốc cũ là 50m. Ngày 21/2/2008, UBND huyện Hòa Bình có Quyết định 76 điều chỉnh một phần Quyết định 509, ngày 18/10/2004 của UBND huyện Vĩnh Lợi. Theo đó, có 118 hộ thuộc 2 xã Vĩnh Hậu và Vĩnh Hậu A được hợp thức hóa và cấp đất (đất ở và đất nuôi trồng thủy sản), tạm giao phần diện tích (35m hành lang bảo vệ đê) cho hộ dân quản lý.
Trong danh sách hộ dân được hợp thức hóa và cấp đất thuộc khu vực 1 (đê biên phòng) kèm theo Quyết định 76 có tên hộ ông Nguyễn Văn Liễm với diện tích cũ là 4.080m2, diện tích mới là 6.460m2. Tuy nhiên, đến nay gia đình ông Liễm cùng nhiều hộ dân ở đây vẫn không được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ và họ hoàn toàn không hay biết gì về Quyết định 76!?
Nhiều hộ dân thắc mắc, phần rút ngắn 35m (từ 50m bảo vệ đê giảm xuống còn 15m hành lang theo Quyết định 234 của UBND tỉnh) được giao cho người dân sử dụng từ khi nào? Trong khi các hộ sinh sống xuyên suốt và có hộ khẩu thường trú tại địa bàn bao nhiêu năm qua lại không nhận được bất cứ thông báo nào hay cuộc họp dân nào có liên quan? Có thể thấy, là việc đăng ký kê khai tăng thêm 35m giáp với bảo lưu đê hiện nay của nhiều người là không công khai, minh bạch. Rõ ràng có sơ suất, khuất tất rất lớn trong quy trình đo đạc và xác nhận của cán bộ có thẩm quyền dẫn đến việc cấp QSDĐ sai đối tượng, cấp đất chồng lấn lên đất các hộ đang ở. Căn cứ vào thực trạng nhà và đất sử dụng nếu được cấp Giấy chứng nhận quyền QSDĐ thì phải là các hộ dân đang sử dụng mới công tâm, khách quan.
KHÁNH LINH
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024: “Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới”
- Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh