Tòa Soạn - Bạn đọc
Kêu lỗ, nhiều doanh nghiệp xăng dầu vùng ven mở cửa cầm chừng
Gia đình chị T.T.Q ở xã Ninh Quới A (huyện Hồng Dân) nhưng cả hai vợ chồng đều đi làm việc tại TP. Bạc Liêu. Hàng ngày, cứ sáng sớm đi, chiều mới về. Chị kể, thời gian này nếu lỡ dọc đường mà hết xăng là không có chỗ để đổ vì các cây xăng dầu trên đường về nhà thường xuyên đóng cửa. Nhiều người dân ở vùng nông thôn cũng cùng chung cảnh khổ này, khi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở vùng ven chỉ mở cửa cầm chừng.
CÀNG BÁN CÀNG LỖ
Chiết khấu tại kho bằng 0, các doanh nghiệp, đại lý bán lẻ xăng dầu cho rằng không thể bù đắp chi phí, càng bán càng lỗ. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu không đủ tiền chi trả tiền điện, lương, cũng như bảo hiểm cho người lao động. Nhất là với những cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu xa khu trung tâm thành phố, tỉnh lỵ, thì chi phí quản lý, vận chuyển càng bị đội lên. “Nếu tiếp tục với tình trạng này thì các điểm bán lẻ xăng dầu chỉ có nước phá sản” - một chủ cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện Hồng Dân chia sẻ.
Cũng theo các doanh nghiệp, chi phí tiền lương, các chế độ chính sách cho nhân công; chi phí hao hụt tồn, chứa, nhập, xuất; chi phí khấu hao tài sản; chi phí về điện, nước, chi phí trang thiết bị phòng cháy - chữa cháy, bảo hiểm cháy nổ; chi phí về quản lý tại cửa hàng; đó còn chưa kể chi phí lãi vay vốn lưu động… là những gánh nặng cho hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay. Do đó, doanh nghiệp chỉ còn biết mở cửa cầm chừng, hết xăng cũng không dám nhập thêm.
Một trạm xăng dầu đóng cửa đầu tháng 9 vì hết xăng để bán. Ảnh: K.K
ĐẢM BẢO HÀI HÒA LỢI ÍCH CÁC BÊN
Bên cạnh tình trạng khan hiếm nguồn xăng dầu cục bộ, nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang kinh doanh xăng dầu không mặn mà với việc bán lẻ xăng dầu là do mức chiết khấu. Vấn đề này đã được nhìn thấy, từ Bộ Công thương đến ngành chức năng; tuy nhiên, việc giải quyết vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nếu tình trạng này kéo dài, không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực xăng dầu thiệt hại, mà còn gây thiệt hại kép đến các ngành khác và người tiêu dùng, bởi xăng dầu gần như là mặt hàng cần thiết ở rất nhiều khâu sản xuất, vận chuyển.
Trả lời liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Trung - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, thời gian qua, Cục đã chỉ đạo các chi cục, các đơn vị liên quan thường xuyên ra quân kiểm tra các cửa hàng, các đại lý bán xăng dầu nhằm hạn chế đến mức tối đa tình trạng ghim hàng, chờ tăng giá. Hiện tại, nhất là sau kỳ điều chỉnh giá theo chu kỳ vào ngày 21/9 vừa qua, giá tất cả các loại xăng, dầu có biến động theo chiều hướng giảm. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu mở bán cầm chừng, thường xuyên đóng cửa không phải do ghim hàng, chờ tăng giá mà chủ yếu do các doanh nghiệp nhỏ thu không đủ chi, bán không lợi nhuận nên không thể cầm cự. Doanh nghiệp không thể bỏ tiền túi ra bù lỗ trong thời gian dài. Bên cạnh đó, nguồn cung xăng dầu vẫn hết sức nhỏ giọt, nhiều đại lý không thể có được số lượng như trước, dẫn đến không đủ xăng để bán.
Xăng dầu là mặt hàng chịu sự quản lý của Nhà nước và phải đảm bảo mục tiêu hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần có biện pháp hữu hiệu hơn để quản lý thị trường xăng dầu, đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
KIM TUẤN
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau