Tòa Soạn - Bạn đọc
Khi công chức, viên chức đi làm “cò” đất
Mặc dù có đến gần 2 năm dịch bệnh kéo dài, nhưng thị trường nhà đất tại Bạc Liêu chưa bao giờ hết sốt. Giá đất nhảy vọt từng ngày, về người truyền tai nhau về mảnh đất vừa mua đi bán lại đã lời cả trăm triệu đồng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người hiện đang là cán bộ, công chức nhà nước nhảy sang lĩnh vực kinh doanh địa ốc, đi làm “cò” đất.
NGHỀ TAY TRÁI CHO THU NHẬP CAO
Trong vai một người cần mua đất, tôi được giới thiệu gặp một người, được cho là khá rành về lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP. Bạc Liêu. “Dù mới ra làm cò đất không lâu, nhưng vì bản thân làm việc trong cơ quan nhà nước, người ta có rất nhiều mối quan hệ, nên chuyện gì cũng dễ dàng”, người giới thiệu cho biết.
Cũng không khó để tìm những nhà môi giới đất đai, với nghề chính là hưởng lương công chức nhà nước, ngày ngày cũng 8 tiếng đến công sở, còn nghề tay trái là “cò” đất. Chị A. - công chức của một cơ quan cấp tỉnh, cho biết chị làm cò đất từ sự giới thiệu của người quen để cải thiện cuộc sống. Chị được hướng dẫn đăng các thông tin về bán đất, bán nhà trên trang cá nhân của mình. Bán được một vài mảnh đất, nghề dạy nghề, dần dà chị thấy công việc tay trái nhưng thu nhập cao hơn cả nghề chính thì quyết tâm theo đuổi. Tuy nhiên, khi được hỏi, bản thân là công chức mà đi làm “cò” đất thì có ảnh hưởng đến uy tín, đến công việc thì chị A. khẳng định, hiện tại chưa có quy định nào cấm việc này, và chị thấy rất nhiều người quen, bạn bè cũng là công chức, viên chức làm vậy nên cứ làm thôi.
Đất đai được các “cò” rao bán trên mạng xã hội. Ảnh: P.V
THIẾU QUẢN LÝ TỪ CÁC CƠ QUAN CHỦ QUẢN
Cho đến thời điểm này, dù các cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức vẫn biết rõ công chức, viên chức của đơn vị, cơ quan mình có hành vi làm “cò” đất, nhưng cũng không có hình thức quản lý. Trước đây thì cho rằng, không có quy định nào cấm, hơn nữa nhiều lãnh đạo cơ quan, đơn vị cũng ngó lơ, giải quyết theo kiểu tình cảm, để thuộc cấp của mình có thêm thu nhập.
Ngay cả khi Nghị định 16 được ban hành, trong đó xử phạt nhiều hành vi kinh doanh môi giới bất động sản không đúng quy định nhà nước, không cho phép “cò” theo kiểu nghề tay trái được phép hoạt động thì tình trạng “cò” đất tại Bạc Liêu vẫn tiếp diễn mà không chịu bất kỳ sự quản lý nào.
Nghề kinh doanh môi giới bất động sản hoàn toàn là nghề hợp pháp, nếu hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật quy định. Tình trạng khắp nơi làm cò, từ người dân bên ngoài cho đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “kiếm thêm” thu nhập cũng tham gia, vô hình trung khiến cho thị trường bất động sản bị sốt giá ảo. Đó là còn chưa nói, nhiều người sẽ bị chính những trùm “cò” đất và môi giới bất động sản liên kết lợi dụng “kích sóng”, “làm giá” để trục lợi. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức trong mắt Nhân dân.
P.V
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024: “Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới”
- Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh